Trong năm 2021, VEAM chưa thực hiện việc niêm yết cổ phiếu do chưa đủ điều kiện niêm yết theo quy định của HoSE và HNX. Vì vậy, trong năm 2022, HĐQT VEAM sẽ tiếp tục rà soát các vướng mắc để đáp ứng các điều kiện niêm yết cổ phiếu VEA.
Sáng 24/6, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã
VEA - sàn UPCoM) họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, sáng 24/6
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM cho biết, năm 2021, giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, cùng với diến biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Doanh thu hợp nhất năm 2021 của VEAM đạt 595,8 tỷ đồng dù không đạt kế hoạch nhưng vẫn tăng 34% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.792 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm 2021.
Đánh giá về kết quả 2021, ông Phan Phạm Hà cho rằng doanh số bán ô tô dù không đạt kế hoạch nhưng vẫn tăng so với năm 2020. Tuy nhiên, tồn kho đến cuối năm 2021 vẫn lớn do tồn kho từ nhiều năm trước để lại, bên cạnh đó các sản phẩm máy nông nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm.
Ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của VEAM
Về kế hoạch năm 2022, Tổng giám đốc VEAM cho biết, các tồn tại hạn chế của những giai đoạn trước vẫn chưa được giải quyết nên sẽ cần tiếp tục khắc phục trong năm 2022.
Bên cạnh đó, công ty xác định dịch bệnh, chiến sự,… cũng là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó, năm 2022 sẽ có nhiều khó khăn hơn năm 2021.
Năm 2022, VEAM đạt tổng doanh thu hợp nhất khoảng 9.573 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với thực hiện cả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.137 tỷ đồng, giảm 11,3%.
Trong đó, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 5.978 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.993 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,1% và 17%. Trong cơ cấu doanh thu của công ty mẹ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 641,8 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2021; doanh thu tài chính đạt 5.340 tỷ đồng, bằng 86% năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 4.498 tỷ đồng, giảm 25% so với năm ngoái (chưa bao gồm kế hoạch tiêu thụ xe tồn kho của VEAM moto).
Năm nay, mục tiêu VEAM đặt ra là các công ty con, công ty liên kết, các công ty DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận chung của VEAM. Trong khi đó, các công ty thương mại gồm Matexim và Matexim Hải Phòng sẽ gặp khó khăn về vốn.
Công ty cũng sẽ tiếp tục rà soát để thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa VEAM, xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị DISOCO, MATEXIM,…
Cũng tại đại hội, Tổng giám đốc VEAM đã thay mặt hội đồng quản trị (HĐQT) trình ĐHĐCĐ tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu
VEA. Trong năm 2021, VEAM chưa thực hiện việc niêm yết cổ phiếu tại sở chứng khoán do chưa đủ điều kiện niêm yết theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Vì vậy, trong năm 2022, HĐQT tiếp tục rà soát các vướng mắc để đáp ứng được điều kiện niêm yết cổ phiếu
VEA.
HĐQT trình ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu theo quy định.
HĐQT VEAM cũng trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 40,376%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 4.037,6 đồng. Tổng số tiền dự chi khoảng 5.365,2 tỷ đồng và sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2021.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Kế toán trưởng công ty, hiện nay Bộ Công Thương chưa có ý kiến về việc chấp thuận phân phối lợi nhuận năm 2021 của VEAM. Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định việc phân phối lợi nhuận theo ý kiến của Bộ Công Thương và lựa chọn thời điểm chi trả cổ tức.
Thảo luận:
Cổ đông: Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 giảm 25% so với năm 2021, ngoài lý do trích lập dự phòng còn lý do nào khác? Kế hoạch trích lập dự phòng năm 2022 cụ thể ra sao?
Trả lời câu hỏi, ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM cho biết, ngoài lý do trích lập dự phòng, năm 2022 kế hoạch lợi nhuận của VEAM giảm 25% chủ yếu do doanh thu tài chính từ lợi nhuận của các công ty liên doanh, liên kết dự kiến sụt giảm khoảng 900 tỷ so với năm ngoái.
Về kế hoạch trích lập dự phòng của các khoản hỗ trợ vốn từ gốc và lãi dự kiến khoảng 607 tỷ đồng. Việc này ban điều hành cũng đang xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Sau khi có ý kiến của hai bộ, ban điều hành sẽ thực hiện trích lập theo quy định.
Mặc dù kế hoạch lợi nhuận suy giảm như vậy, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ cũng như các công ty con trong thời gian vừa qua vẫn đảm bảo sự tăng trưởng.
Về mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022 của công ty con, công ty liên kết dự kiến năm nay xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 175 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 7% và 17% so với kết quả thực hiện năm 2021.
Ban lãnh đạo công ty có kế hoạch gì đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM Moto để vượt khỏi mức đang rất khiêm tốn là sản xuất 475 ô tô trong năm 2021?
Ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM cho biết, trong năm 2020 và 2021, công ty chủ yếu vào xử lý số lượng ô tô tồn kho tồn tại từ nhiều năm trước để lại. Khi có các đơn hàng từ các đại lý chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sản xuất. Đặc biệt, trong thời gian tới công ty sẽ tập trung vào việc sản xuất dòng xe Euro 5 và có kế hoạch hợp tác với tất cả những đối tác có uy tín trong lĩnh vực cùng ngành để ngoài việc tiêu thụ hàng tồn kho, đồng thời xây dựng, phát triển duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy.
Kế hoạch tiêu thụ xe tải cũ Euro 2, Tràng An… Ban lãnh đạo có nhận thấy rủi ro của việc chậm giải quyết các lô hàng tồn kho?
Ông Phan Phạm Hà cho biết, VEAM đã thuê đơn vị thẩm định lô xe Tràng An tồn kho, trên cơ sở đó, thời gian tới công ty đang xây dựng kế hoạch để xử lý lô hàng tồn kho này. Hy vọng thời gian tới sẽ tiêu thụ hết. Tuy nhiên, lượng xe tồn kho lỗi đời, giá bán đang cao hơn so với thị trường cho nên giải pháp để tiêu thụ lô hàng tồn kho này cũng phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Một mặt đảm bảo tiêu thụ hàng tồn kho nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM trả lời câu hỏi của cổ đông
Về kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại VEAM? Những ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương về kế hoạch thoái vốn tại VEAM?
Ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, ngày 29/6/2020 Thủ tướng đã ban hành quyết định giao Bộ Công Thương xây dựng phương án sắp xếp thoái vốn cụ thể đối với VEAM, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. VEAM cũng thuộc danh sách các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp thoái vốn theo phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Như vậy trường hợp thoái vốn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quyết định.
Tháng 6/2020, VEAM cũng đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về phương án sắp xếp thoái vốn. Theo đó, VEAM đề xuất xem xét giữ nguyên hiện trạng hiện nay với phần cổ phần Nhà nước chiếm chi phối, cụ thể là chiếm 88,47%. Nếu cần thiết phải thoái vốn đề nghị vẫn giữ tỷ lệ Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Sau đó, Bộ Công thương cũng đã có văn bản trình Thủ tướng xem xét đúng như những kiến nghị mà VEAM đưa ra. Đến nay, Thủ tướng chưa ra văn bản liên quan đến việc thoái vốn tại VEAM.
Ngoài ra, ngày 17/3/2022, Thủ tướng đã ban hành văn bản về thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2022. Về nội dung này, hiện nay ban lãnh đạo của VEAM cũng đang xây dựng đề án tái cơ cấu. Tiếp đây những thông tin về việc thoái vốn sẽ được cập nhật trên website của công ty.
Trước đó, phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết, Bộ Công Thương với tư cách chủ sở hữu (chiếm 88,47% cổ phần tại VEAM), cũng đã đề xuất và xác định trước mắt chưa có cổ phần hóa gì thêm tại VEAM, còn nếu có sẽ xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Từ nay đến năm 2025, nếu có cổ phần hóa thì phương án 1 là giữ nguyên, phương án 2 nếu bắt buộc phải cổ phần hóa thì vẫn phải giữ được cổ phần chi phối của Nhà nước. Có nghĩa là Tổng công ty VEAM vẫn phải là doanh nghiệp nhà Nước vì hiện nay ngành cơ khí, Nhà nước không còn nắm giữ nhiều cổ phần nên vẫn lại giữ lại một chút để khi cần thì đó như một sức mạnh để Nhà nước sử dụng được. Do đó, VEAM phải là doanh nghiệp Nhà nước hoặc Nhà nước chi phối được. “Làm gì cũng phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước và phù hợp với thực tiễn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Sau 3 năm kể từ 2019, VEAM vẫn chưa giải quyết được ý kiến loại trừ trên báo cáo tài chính, các năm đều trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vậy kế hoạch cụ thể của ban điều hành trong năm nay thế nào?
Ông Nguyễn Khắc Hải cho biết, vướng mắc của vấn đề chủ yếu là do trong báo cáo tài chính còn một số ý kiến loại trừ. Ban lãnh đạo xác định niêm yết trên sàn chứng khoán là mục tiêu dài hạn nên sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu này.
Lý do chưa niêm yết là do các nội dung vướng mắc là tồn tại lâu năm, việc giải quyết các ý kiến loại trừ trên báo cáo tài chính phải có thời gian, không thể nóng vội được, khi triển khai giải quyết phải hết sức chặt chẽ và đúng quy định. Hiện nay VEAM vẫn đang rất quyết liệt xử lý các tồn tại này. Tiên lượng năm 2022 vẫn chưa chắc giải quyết dứt điểm được nhưng vẫn trình lên, nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện.