Dù có nhiều tiềm năng hợp tác cùng phát triển nhưng trong những năm qua hiệu quả giao thương, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn nên cần phát huy trong tương lai.
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao Turkmenistan cùng Liên đoàn các nhà Công nghiệp và Doanh nghiệp Turkmenistan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Turkmenistan. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhân chuyến thăm của đoàn công tác gồm hơn 40 doanh nghiệp do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Turkmenistan dẫn đầu đã tới thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 29/6-1/7/2022.
Giao lưu doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Turkmenistan. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN
Khai mạc sự kiện, ông Vepa Hajiyev, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Turkmenistan đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả về hợp tác giao thương, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế vốn có. Đặc biệt, ở một số ngành và lĩnh vực, hai nước đang còn rất nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác để cùng có lợi.
Turkmenistan là nước giàu về khí thiên nhiên, đứng thứ 4 trên thế giới. Ngoài ra, Turkmenistan còn có thế mạnh về bông, vải, thảm các loại. Trong khi đó, Việt Nam lại có rất nhiều sản phẩm công nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu như chè, cà phê, thủy hải sản... cũng có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của nước bạn.
Việt Nam còn có kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình kinh tế và đã đạt được những thành công đáng kể. Đây cũng là nhân tố cho thấy 2 nền kinh tế, mà cụ thể là 2 cộng đồng doanh nghiệp có động lực để hợp tác cùng phát triển. Ông Vepa Hajiyev tin tưởng rằng, diễn đàn ngày hôm nay sẽ là cơ hội tốt và cần được tận dụng bởi doanh nghiệp hai bên để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời gian tới.
Cũng tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, giai đoạn 1991 – 2021, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm cao hàng đầu thế giới; cụ thể là gần 7% - số liệu này đã tính cả những năm đại dịch COVID-19. Ngay trong năm 2020, 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Việt Nam cũng nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới có GDP đạt mức tăng trưởng 2,58%, quý I/2022 tăng trưởng 5,03%, quý II/2022 là 6%, cả năm 2022 dự báo có thể tăng tới 6,9%.
Việt Nam lại có rất nhiều sản phẩm công nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu như: chè, cà phê, thủy hải sản... cũng có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của nước bạn. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN
Năm 2021, Việt Nam có quy mô GDP 368 tỷ USD, lớn thứ 41 thế giới, quy mô xuất nhập khẩu 668 tỷ USD, lớn thứ 20 thế giới. Dự báo trong 10 năm tới GDP Việt Nam sẽ vượt trên 1.000 tỷ USD. Việt Nam có môi trường đầu tư, kinh doanh mở hàng đầu thế giới, với 17 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Cùng với các lợi thế về ổn định chính trị; nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng; hạ tầng giao thông và chuyển đổi số đang nâng cấp rất nhanh, Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư FDI. Đến nay đã có các doanh nghiệp đến từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên 420 tỷ USD vào Việt Nam. Trong năm 2021, sau cơn sốt của đại dịch COVID, các tập đoàn hàng đầu thế giới liên tục đầu tư rất mạnh vào Việt Nam như LG, Samsung, Intel, LEGO…
Là tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI hiện có gần 200 nghìn doanh nghiệp hội
viên và gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên. Với vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, VCCI luôn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước. VCCI sẽ luôn là cầu nối tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Turkmenistan và phối hợp chặt chẽ với các đối tác vì sự phát triển và hợp tác lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, ông Nghĩa nhấn mạnh./.