Hai cổ phiếu lớn nhất là VIC và VHM quay đầu giảm bù sau màn kéo giá đột biến ngày hôm qua, đã ảnh hưởng đáng kể lên VN-Index. Tuy nhiên thị trường không vì thế mà xấu, độ rộng đang áp đảo ở phía tăng, trong đó nhóm vốn hóa vừa và nhỏ mạnh nhất...
Hai cổ phiếu lớn nhất là VIC và VHM quay đầu giảm bù sau màn kéo giá đột biến ngày hôm qua, đã ảnh hưởng đáng kể lên VN-Index. Tuy nhiên thị trường không vì thế mà xấu, độ rộng đang áp đảo ở phía tăng, trong đó nhóm vốn hóa vừa và nhỏ mạnh nhất.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng rất nhẹ 0,04%. Điều đáng chú ý là rổ blue-chips này có tới 18 mã tăng giá và chỉ 9 mã giảm giá. Rõ ràng điểm số đang chịu tác động từ những mã vốn hóa lớn. VN-Index cũng chỉ tăng 0,55%.
Nhóm vốn hóa lớn nhất chủ yếu giảm, là sức ép kiềm chế chỉ số sáng nay, dù đa số các mã khác tăng tốt.
VIC giảm 1,43%, VHM giảm 1,98% là hai cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất. Cuối phiên hôm qua bộ đôi này được đẩy lên đột ngột và VN-Index được “trục vớt” khỏi đáy. Sáng nay mức giảm mạnh nói trên khiến chỉ số mất khoảng 2,3 điểm, nhưng tổng tăng vẫn tới 6,36 điểm. Nói cách khác, VN-Index đã thoát khỏi ảnh hưởng của các trụ, nhờ phần cổ phiếu còn lại.
Ngay trong rổ VN30, ngoài VIC, VHM, còn có VJC giảm 1,26%, PNJ giảm 2,16%, MWG giảm 0,62% là những mã có tác động mạnh tới riêng chỉ số VN30-Index, trong khi GAS tăng 2,42%, GVR tăng 6,92% lại chủ yếu kéo VN-Index. Đó là lý do tại sao VN30 lại tăng yếu dù có độ rộng tốt.
Thị trường đầu phiên hôm nay giao dịch rất chậm và lình xình. Phải tới 10h trở đi VN-Index mới được đẩy qua tham chiếu. Tuy nhiên độ rộng lại cho thấy giao dịch mạnh hơn ở cổ phiếu: Ngay cả khi VN-Index giảm sâu nhất nửa đầu phiên thì độ rộng vẫn luôn duy trì nhiều hơn ở phía tăng giá. Cụ thể, chỉ số tạo đáy lúc 9h30 dưới tham chiếu 0,15% thì độ rộng vẫn là 169 mã tăng/157 mã giảm. Càng về cuối phiên số lượng mã tăng giá càng nhiều và chốt phiên sáng là 270 mã tăng/146 mã giảm.
VN-Index đang nỗ lực thoát khỏi sức ép từ các trụ.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch khá tốt và hầu như không bị tác động bởi hiện tượng ép trụ. Midcap đang tăng 1,37% với 52 mã tăng/9 mã giảm. Smallcap tăng 1,28% với 137 mã tăng/47 mã giảm. Toàn sàn HoSE có 10 cổ phiếu kịch trần, 160 mã tăng trên 1%. Với biên độ giá như vậy, chỉ số VN-Index đang không phản ánh đúng giao dịch ở cổ phiếu.
Trên cả hai sàn niêm yết sáng nay có 11 mã đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên, thì 7 mã tăng rất mạnh là KBC tăng 6,63%, DIG tăng 4,86%, HNG tăng 6,87%, HAG tăng 2,44%, GEX tăng 3,9%, PVS tăng 5,75%, IDC tăng 3,49%.
Giao dịch ở nhóm cổ phiếu midcap sàn HoSE cũng vượt trội, đạt 2.353,3 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn VN30 tới 90%. Rổ blue-chips đạt thanh khoản thấp cực sốc với xấp xỉ 1.240 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch kém chưa từng thấy kể từ tháng 11/2020. Chỉ 3 cổ phiếu là VPB, SSI và HPG đã chiếm gần một phần ba tổng giá trị khớp lệnh của cả rổ.
Thanh khoản thấp cũng là tình trạng chung khi hai sàn giao dịch chỉ đạt 5.288,6 tỷ đồng trong phiên sáng, giảm 5% so với sáng hôm qua. Tuy vậy như mới nói ở trên, một số cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt nhất thì vẫn tăng giá mạnh. Ngoài ra độ rộng tổng thể hai sàn vẫn nghiêng nhiều về phía tăng, tức là thanh khoản thấp xuất hiện trong trạng thái lực bán rất yếu.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ trên HoSE sáng nay, nhưng giao dịch không có nhiều sức ép. Tổng giá trị bán ra khoảng 431,9 tỷ đồng chiếm 8,1% tổng sàn này. Giá trị mua vào đạt 302,5 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng 129,4 tỷ đồng. VHM bị bán ròng 26,1 tỷ đồng, VCB -17 tỷ, VIC -13 tỷ, HPG -12,9 tỷ, VND -12,5 tỷ, SSI -12 tỷ, CTG -11,9 tỷ là các mã bị bán nhiều nhất. Phía mua ròng có DIG +15,9 tỷ là mã duy nhất đáng kể.