Nút thắt thanh khoản cần phải có thời gian để giải quyết và mức thanh khoản quanh 10.000 tỷ khớp lệnh trên HoSE thực sự đã là mức đáng mơ ước và gấp khoảng 3 lần trước khi COVID bùng phát.
Chị Bích Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa mở thêm một tài khoản chứng khoán khác sau thời gian tài khoản hiện đang giao dịch thua lỗ quá nhiều. Theo chị Vân, hàng ngày phải nhìn tài khoản thua lỗ nhiều khiến chị không còn tâm trí làm việc khác nên tạm đóng lại và mở tài khoản mới để giao dịch. Những cổ phiếu mà chị Vân đang nắm giữ phần lớn là những cổ phiếu thuộc nhóm thép, bất động sản, chứng khoán và danh mục đang âm gần 30%.
Tham gia thị trường chứng khoán gần 2 năm, quãng thời gian mua đâu lãi đấy, mua giá cao rồi sau đó lại có giá cao hơn để bán, giá xuống thấp tiếp tục trung bình giá để nhanh “về bờ”, thậm chí lãi đậm sau một thời gian đã đi qua, chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, chị Vân cho biết đã không còn đủ lực để trung bình giá xuống.
Trường hợp tạm đóng tài khoản chứng khoán này, mở tài khoản chứng khoán khác để mua, bán thời gian qua không phải hiếm gặp khi VN-Index kể từ đầu năm giảm hơn 20% nhưng nhiều nhóm cổ phiếu đã giảm tới 30-40% nhất là ở những nhóm ngành như Chứng khoán, Thép, Bất động sản.
Thống kê của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành đều ghi nhận diễn biến kém tích cực, đặc biệt một số ngành có hiệu suất kém hơn VN-Index như Viễn thông (-22,7%), Bất động sản (-28%), Xây dựng (-36,7%), Ô tô (-36,8%), Thép (-40,4%), đặc biệt Chứng khoán ghi nhận mức sụt giảm 48,9%, là kết quả của thanh khoản suy yếu so với tháng trước.
Thống kê tháng 6/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới là 466.071 tài khoản giảm 2% so với tháng 5 và cũng là tháng có lượng tài khoản mở mới cao thứ 2 lịch sử. Tính chung cả 6 tháng đầu năm, cá nhân trong nước mở mới gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 21% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.
Diễn biến các nhóm ngành so với VN-Index
Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 6 đạt hơn 6,1 triệu, tương đương 6,2% dân số. Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Mặc dù số tài khoản mở mới ở mức cao nhưng thanh khoản thị trường lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong hơn 1 năm trở lại đây. Tháng 6/2022, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE chỉ đạt 13.182 tỷ đồng, giảm 57% so với đỉnh ghi nhận tháng 11/2021 với gần 31.000 tỷ đồng/phiên.
Trong phiên 7/7 vừa qua, HoSE thậm chí ghi nhận phiên thanh khoản thấp nhất kể từ khi hệ thống mới vận hành (chỉ hơn 9.000 tỷ đồng).
Dòng tiền rẻ đầu cơ rời bỏ thị trường khiến thanh khoản sụt giảm
Theo ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2020 – 2021 đã đi nhanh hơn so với kết quả thực của doanh nghiệp và nền kinh tế do dòng tiền đầu cơ trong thời kỳ dịch bệnh, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, nhiều ngành nghề đi xuống. Do vậy, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp gặp khó khăn có thể đi vào thị trường.
Ngoài ra, các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, lãi suất tiền gửi thấp, số đông mọi người sẽ có động thái dịch chuyển một phần tiền tiết kiệm của họ vào những kênh sinh lời tốt hơn. Vì thế khi dòng tiền rẻ đầu cơ này rời bỏ thị trường sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể của thanh khoản. Chỉ số thị trường sẽ cần tìm lại điểm cân bằng với dòng tiền đầu tư thực chất và bền vững hơn trước khi có thể phục hồi trở lại.
Khó có phiên thanh khoản vượt quá 15.000 tỷ trong thời gian ngắn sắp tới
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán HSC cho biết, mức thanh khoản 10.000 tỷ đồng khớp lệnh trên HOSE thực sự đã là mức đáng mơ ước và gấp khoảng 3 lần trước khi đại dịch COVID bùng phát.
Lý giải về nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, ông Huy cho biết, có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, tài khoản nhà đầu tư thua lỗ nặng và giảm margin. Mức độ giảm khoảng 20% của chỉ số VN-Index từ đỉnh không phản ánh đầy đủ mức độ sát thương của đợt giảm. Nhiều cổ phiếu giảm 50-80% từ đỉnh. Nếu dùng margin, nhiều nhà đầu tư thua lỗ 80-90% tài khoản là không hiếm. Vốn thực và dòng vốn margin đều suy giảm sau thời gian qua. Nhà đầu tư muốn vay margin trở lại cũng không đủ tài sản đối ứng. Nguyên nhân này cải thiện khi thị trường ổn định lại.
Thứ hai, siết chặt thị trường trái phiếu, một số doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không tìm ra nguồn cân đối. Nguyên nhân này cải thiện khi doanh nghiệp cân được nguồn, theo tôi cần 2-3 quý.
Thứ ba, dòng tiền trở lại sản xuất kinh doanh và chuyển kênh đầu tư khi thị trường chứng khoán không thuận lợi. Nguyên nhân này cải thiện khi bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn và chứng khoán trở nên hấp dẫn.
“Những vấn đề này cần thời gian để giải quyết và có lẽ thanh khoản không sớm trở lại nhanh được. Mức thanh khoản quanh 10.000 tỷ khớp lệnh là chấp nhận được. Khó có phiên thanh khoản vượt quá 15.000 tỷ trong thời gian ngắn sắp tới. Việc rút ngắn giao dịch xuống chiều T+2 có thể giúp thanh khoản tăng 5-10%”, ông Huy nói.