Sau hai năm đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp (DN) vận tải đều gần như kiệt quệ. Doanh nghiệp nào may mắn, hoạt động cầm chừng thì doanh thu cũng giảm đến 80%. Chưa kịp khởi sắc sau dịch Covid-19 được bao lâu, các doanh nghiệp vận tải lại phải liên tiếp hứng chịu những cơn “bão giá” mới do xăng, dầu gây ra, khiến họ lao đao, choáng váng.
Chưa kịp mừng vì sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được bao lâu, các doanh nghiệp (DN) vận tải lập tức phải đối mặt với một “cơn bão” mới. Đó chính là “bão giá” nhiên liệu, mà cụ thể là giá xăng, dầu. Vài tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã và liên tiếp tự phá “kỷ lục”. Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện giá xăng dầu đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, nhưng nhiều DN vận tải vẫn trong tình trạng lao đao, choáng váng…
Giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện giá xăng dầu đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, nhưng nhiều DN vận tải vẫn trong tình trạng lao đao, choáng váng….
Doanh nghiệp liệu có bớt khó khi giá xăng giảm?
Nếu như trước đây, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% cơ cấu giá thành vận tải, thì hiện nay khi giá xăng đang ở ngưỡng gần 30.000 đồng/lít, tỷ lệ này đã nâng lên khoảng 70%. Mặc dù, giá xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít vừa qua, nhưng theo các DN vận tải họ cầm cự hòa được là may, chủ yếu để duy trì để giữ mối hàng làm ăn, hay lốt tuyến bến xe khách.
Theo ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe khách Sao Việt), kể từ khi mở cửa, phục hồi sau dịch, đến nay, 50 xe giường nằm chở khách của hãng đã khôi phục được 70% công suất. Nhưng thực chất với giá xăng dầu như hiện nay, kể cả sau khi đã giảm 3.000 đồng/lít thì cũng chỉ an ủi được phần nào, vì chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến Hà Nội – Sa Pa vẫn rất cao, vào khoảng 6 triệu đồng, gấp đôi so với năm trước.
Tương tự, anh Trần Đình Hoàng - Giám đốc Công ty KOA Logistics cho biết: Hiện, công ty đang có 3 đầu container chuyên chạy tuyến Hải Phòng - Thanh Trì (Hà Nội), trung bình mỗi tháng, công ty phải chi khoảng gần 300 triệu đồng để mua nhiên liệu. “Khi nghe thông tin Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, tôi cảm thấy rất phấn khởi và tạm thời trút bỏ được gánh nặng. Mặc dù mức giảm này so với mức tăng “nóng” trong thời gian qua không phải quá lớn, nhưng ở thời điểm doanh nghiệp mới ổn định lại công việc kinh doanh sau đại dịch Covid-19 thì bất kỳ sự giảm giá nào cũng đáng trân trọng”, anh Hoàng nói.
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (chuyên tuyến Hải Phòng - Yên Nghĩa, Hà Nội): Doanh nghiệp vận tải giờ không chạy thì “chết” ngay lập tức, còn chạy thì “chết" từ từ. Doanh nghiệp đang sở hữu khoảng 200 đầu xe, nhưng hiện chỉ hoạt động ở mức độ chưa đến 50%. Giá nhiêu liệu tăng cao khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. "Cả trăm con xe của chúng tôi đang nằm bãi vì không có khách hoặc không có hàng hóa vận chuyển, trong khi các chi phí ngân hàng, bến bãi, duy tu bảo dưỡng… hàng ngày vẫn phải gồng gánh," ông Hải than thở.
Cũng theo ông Hải, một chuyến xe khách đi và về từ Hà Nội và Hải Phòng, tổng chi phí ít nhất cũng lên đến 4,5 triệu đồng; trong đó, chỉ tính riêng tiền nhiên liệu đã khoảng 3 triệu đồng, cộng với chi phí 2 đầu xuất bến, phí cao tốc, tiền công lái và phụ xe.
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu & Công luận, ông Nguyễn Đức Vui - Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết: Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong nước đều khó khăn. Xăng dầu giảm thì doanh nghiệp phải giảm giá cước xe từ từ, xăng tăng thì giá cước xe cũng tăng từ từ theo quy định của Nhà nước. Do 2 năm dịch bệnh và giá xăng dầu tăng phi mã, nên có khoảng 60% xe khách bỏ bến ra ngoài bắt khách, chạy dù nên lượng khách tới bến xe giảm đi đáng kể. “Trước đây, tần xuất hoạt động của bến xe trong 1 tháng khoảng 24.000 lượt/tháng nhưng với tình trạng giá xăng tăng cao như hiện nay thì giảm xuống chỉ còn 10.000 lượt/tháng. Để hoạt động hòa vốn thì các đơn vị DN vận tải phải có 50% khách trên xe, tuy nhiên do không có khách nên giá vé gần như giữ nguyên”, ông Vui nói.
Trước đây, tần xuất hoạt động của bến xe Gia Lâm trong 1 tháng khoảng 24.000 lượt/tháng nhưng với tình trạng giá xăng tăng cao như hiện nay thì giảm xuống chỉ còn 10.000 lượt/tháng.
Cũng theo ông Vui, thực tế chi phí nhiên liệu chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu giá thành của vận tải đường bộ. Một chuyến xe tuyến cố định bình thường chi phí xăng dầu chiếm đến 40%, ngoài ra doanh nghiệp vận tải còn phải chịu những chi phí khác bao gồm: phí xuất bến, phí cao tốc, phí bảo trì đường bộ…
Tương tự, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát phân trần: Tỷ lệ xăng dầu chiếm từ 30-40% giá thành vận chuyển, khi mà giá xăng dầu lên thì nó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải. Tình trạng bến xe giảm lượng khách so với trước kia do sau dịch COVID-19 người dân vẫn e ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng. Cộng với việc hiện nay có nhiều xe dù, xe ghép tuyến limosin cạnh tranh dẫn đến lượng khách giảm đáng kể, ảnh hưởng lớn đến các tuyến cố định trong bến.
“Số phương tiện bỏ bến là 50% do xăng dầu tăng, khách không có. Nếu như so với trước đây, tần xuất hoạt động của bến trong 1 tháng khoảng 36.000 lượt thì hiện tại còn khoảng 15. 000 lượt”, ông Thành nói.
Tình trạng bến xe giảm lượng khách so với trước kia do sau dịch COVID-19 người dân vẫn e ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng. Cộng với việc hiện nay có nhiều xe dù, xe ghép tuyến limosin cạnh tranh dẫn đến lượng khách giảm đáng kể, ảnh hưởng lớn đến các tuyến cố định trong bến.
Như vậy, xăng dầu tuy chỉ chiếm 2 - 3% chi phí của toàn nền kinh tế nước ta, nhưng lại có tác động rất lớn tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế. Khi xăng tăng giá, các loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ điều chỉnh tăng theo càng làm tăng áp lực cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa sau đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ và nông nghiệp.
Giảm thuế, phí cần thực hiện sớm...
Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng việc giảm giá xăng dầu hơn 3.000 đồng/lít, lớn nhất từ trước đến nay thể hiện sự đồng hành nỗ lực của Chính phủ, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội là tín hiệu vui tác động tích cực đến nền kinh tế.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đưa ra bình luận rằng giá xăng dầu giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/lít, giúp giảm áp lực lạm phát, tác động trực tiếp, tích cực đến các ngành hàng tiêu thụ nhiều nhiên liệu thường chiếm từ 30 - 40% chi phí của các doanh nghiệp như vận tải, hàng không, logistics, đánh bắt xa bờ...
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giá xăng dầu thế giới đang có đà giảm nhưng vẫn ở mức cao, mức này vẫn tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng chúng ta vẫn có thể nghiên cứu cắt giảm nữa đối với giá xăng dầu. “Cụ thể vừa qua mới giảm thuế bảo vệ môi trường, hiện còn 3 sắc thuế nữa mà 3 sắc thuế này đánh vào phần trăm (%) của giá bán xăng dầu trên thị trường, nếu giảm được các sắc thuế này sẽ giảm được nhiều. Tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu các phương án để giảm các sắc thuế còn lại, nhằm giúp cho kinh tế phục hồi phát triển trong thời gian tới”.
Giải pháp cho vấn đề giá xăng: Cải cách trong điều hành kinh doanh?
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nêu ý kiến: "Rất nhiều giải pháp đã được xem đến, các giải pháp đó tác động lên giá xăng dầu cũng chẳng được bao nhiêu. Đến lúc này Nhà nước cần có gói hỗ trợ xăng dầu thì mới hỗ trợ được giá xăng dầu và sản xuất mới ổn định".
Mới đây, nghị quyết của Bộ Tài giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu từ 500 - 1.000 đồng/lít là động thái tích cực nhằm hỗ trợ giá nhiên liệu trong nước trong giai đoạn khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức hiện nay, mà sẽ tiếp tục tăng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, quỹ bình ổn không thể gánh được quá lâu khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nêu một số giải pháp, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ thì các doanh nghiệp cũng cần có những nỗ lực, chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp vận tải và người lao động. "Vai trò của Nhà nước tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung với nguồn cung giá rẻ, tìm cách tiếp cận nguồn cung giá rẻ. Tiếp tục tăng nguồn cung trong nước trên cơ sở phục hồi công suất nhà máy Nghi Sơn và các đơn vị khác. Tiếp tục quản lý tốt thị trường, nếu tăng nữa xem xét giảm thêm một số khoản thu ngân sách".
Trong thời buổi xăng dầu liên tục tăng giá, đi xe buýt đây được xem là một sáng kiến nhằm giúp người dân tiết kiệm chi tiêu, đồng thời tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe gắn máy, xe cá nhân, hạn chế ùn tắc và TNGT.
PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM, một chuyên gia về giao thông đô thị cho biết: Từ năm 2002 đến năm 2010, hệ thống xe buýt của Thành phố phát triển tương đối tốt nhưng sau đó đi xuống dần.
Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân đầu tiên là về tổ chức quản lý. Việc tổ chức quản lý hệ thống giao thông công cộng (GTCC) ở nước ta nói chung và ở TPHCM nói riêng đang đi theo kiểu có đến đâu tổ chức đến đấy chứ không theo tư duy khoa học, tư duy hệ thống và cũng không học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài.
Hệ thống GTCC dành cho thành phố lớn trên 10 triệu dân đã và đang được nhiều nước làm rất tốt với nhiều phương thức đầu tư và vận hành, có trợ giá và không trợ giá. Trong đó, nơi thành công nhất là Hong Kong (trung Quốc), giải quyết được 90% nhu cầu đi lại của người dân và nhà nước không phải trợ giá cho doanh nghiệp.
Tập đoàn giao thông đô thị Hong Kong phục vụ 5,8 triệu lượt người/ngày, tỉ lệ đúng giờ đạt tới 99,9%, doanh thu đáp ứng 170% chi phí hoạt động, lợi nhuận trước thuế là 2,6 tỷ dollar Hong Kong (0,33 tỷ USD/năm). Ngoài ra, phải kể đến những nước làm tốt GTCC không cần trợ giá như Nhật Bản và một số nước khác đang theo hướng này.
Cụ thể hơn, theo ông Mai, đó là nhờ Hong Kong quan niệm GTCC là một hệ thống nằm trong cơ chế chính quyền của thành phố, hay còn gọi là chính quyền giao thông (PTA – Public Transport Authority), cho phép PTA được quyền làm những việc mà họ muốn làm trong khung pháp lý mà không phải xin cơ chế đặc thù.
PTA được trao quyền tự chủ về GTCC, có thể tự giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là vốn và mặt bằng theo phương thức giao thông định hướng đô thị (TOD - Transit Oriented Development) kết hợp cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
TOD và PPP giúp thu hút tối đa các nguồn lực tư nhân để phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo ra nhiều khoản đầu tư hơn cho kết cấu hạ tầng giao thông, tạo sự ổn định và tăng trưởng cho khu vực tư nhân; phân bố, quản lý rủi ro tốt và hiệu quả hơn.
Nhà đầu tư sẽ vừa đầu tư phát triển giao thông đô thị, vừa làm đô thị GTCC, kinh doanh bất động sản, nhà ở, chung cư cao cấp, cho thuê mặt bằng trong nhà ga, quảng cáo, kinh doanh cửa hàng bách hóa, siêu thị, khách sạn... ở cả 3 tầng: Trên cao, trên mặt đất và dưới ngầm. Từ đó có đủ kinh phí để hoàn vốn, chi cho hoạt động của GTCC, sinh lời cho cổ đông và tái đầu tư mở rộng, nâng cấp GTCC.
Nguyên nhân thứ 2, theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, là hành khách không được phục vụ đúng nghĩa. Ở nước ngoài, khi tham gia GTCC, hành khách chỉ cần mua vé một lần là có thể đi bất kỳ phương tiện nào (từ xe buýt nhỏ, xe buýt các loại, BRT, tàu điện, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao…, trừ taxi) trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Trong vòng bán kính 500 m trở lại luôn có các loại phương tiện GTCC đa phương thức hỗ trợ để tiếp cận nhanh hệ thống GTCC.
Còn ở Việt Nam, cứ đổi tuyến là lại phải mua vé khác và khả năng tiếp cận của người dân đến GTCC là khá xa (trên 500 m), đi bộ không dễ dàng vì vỉa hè bị chiếm chỗ, bất tiện.
Như vậy, người dân không có phương tiện để kết nối với GTCC, không tiếp cận được GTCC. GTCC kém dẫn đến việc người dân phải tự phát triển phương tiện cá nhân, đó là xe máy. Đến khi văn hóa đi xe máy đã quá quen thuộc và tràn ngập trên đường, trên mặt đất thì giờ đây, việc kêu gọi từ bỏ xe máy để đi xe buýt hay GTCC là một việc rất khó trong hoàn cảnh hiện nay.