• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
29 Tháng Mười Một 2024 3:51:45 CH - Mở cửa
Soi 'sức khỏe' doanh nghiệp qua những con số kỷ lục về đầu tư
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 05/07/2022 8:30:56 SA
Lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 vượt mốc 70.000 doanh nghiệp, tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là hơn 2,7 triệu tỷ đồng... đang cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19. Vấn đề còn lại là "nuôi dưỡng" để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, vượt qua những cú sốc từ bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
 
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt đạt kết quả ấn tượng.
 
Kỷ lục số DN thành lập mới
 
Một trong những kết quả ấn tượng phải kể là những con số tích cực về tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp (DN). Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu tiên đạt 116.900, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,4 lần số DN rút lui khỏi thị trường.

 
Tổng số vốn DN đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2.730.033 tỷ đồng (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2021).
 
Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số DN thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 DN và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn trên.
 
Đặc biệt, tổng số vốn DN đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2.730.033 tỷ đồng (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2021).
 
Đánh giá về tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), nhận định những con số trên ghi nhận tín hiệu khởi sắc trong hoạt động DN. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh - lần đầu tiên số DN vượt mốc 70 nghìn DN...
 
Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2022 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy những yếu tố kép như cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa tăng đột biến và hiệu ứng gợn sóng của chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc khiến chỉ số BCI của lãnh đạo DN châu Âu giảm 4,4 điểm phần trăm trong quý II xuống 68,8 điểm. Tuy nhiên, 76% lãnh đạo DN châu Âu vẫn kỳ vọng rằng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III năm nay.
 
Tuy nhiên, 35% số lãnh đạo DN châu Âu được hỏi cho rằng cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là cách hiệu quả nhất để tăng vốn FDI, trong khi 24% cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là nhân tố chính.
 
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, do tình hình kinh tế toàn cầu biến động khó lường nên tổng tồn kho của sản phẩm da giày hiện tại lên tới 40% - một con số rất đáng lo ngại. DN đang khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng.
 
Bên cạnh đó, do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường nên nhiều địa phương không chào đón dự án đầu tư mới của DN da giày. Dẫn tới, nhà đầu tư phải chuyển dự án tới vùng sâu hơn, chi phí logistics trong vận chuyển bị đội lên cao. Ví dụ trung bình chi phí logistics của 1 container dao động trong khoảng 3,5 triệu đồng, có thể tăng lên 7-8 triệu đồng.
 
"Dù vậy, ngành da giày vẫn còn cơ hội phát triển lớn ở Việt Nam. Nhà đầu tư mong muốn các địa phương tiếp tục có chính sách thu hút, cải cách thủ tục hành chính để thuận lợi cho DN đầu tư. Các hãng thời trang lớn như Nike, Adidas... cho biết họ sẵn sàng đầu tư mở rộng vào Việt Nam", bà Xuân chia sẻ.
 
'Nuôi dưỡng' dòng vốn đầu tư
 
Điều này cho thấy, cộng đồng DN trong và ngoài nước đang mạnh dạn mở rộng đầu tư vào hoạt động sản xuất sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19. Tuy nhiên, bà Phí Thị Hương Nga cũng cho rằng qua khảo sát DN đang đối mặt với những khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, kéo theo giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, khan hiếm nguyên liệu do chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc, đứt gãy chuỗi sản xuất xảy ra ở một số ngành như điện tử. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra bị thu hẹp khiến thu hút đầu tư vào một số ngành vẫn còn khó khăn.
 
Đáng chú ý, về gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ, bà Nga cho biết Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, đến thời điểm hiện nay chưa có con số cụ thể về quá trình giải ngân. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá theo ghi nhận của DN, gói hỗ trợ 2% chưa thực sự triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. DN vẫn gặp khó khăn trong việc thụ hưởng gói hỗ trợ này.
 
Trước thực tế trên, bà Nga cho rằng cần có giải pháp bình ổn giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, hỗ trợ vốn cho DN, để DN có ngay vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục giải pháp gia hạn thuế, phí hiệu quả hơn cho DN.
 
Liên quan tới vấn đề xăng dầu, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết có 2 van điều tiết giá xăng dầu, một là Quỹ Bình ổn giá nhưng hiện không còn nhiều - nhiều DN xăng dầu đầu mối lớn bị âm quỹ.
 
Van thứ hai là thuế, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết giảm Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Dự kiến, Bộ Tài chính đề xuất giảm Thuế bảo vệ môi trường là 1.000 đồng/lít đối với xăng; giảm từ 300 - 500 đồng/lít đối với mặt hàng dầu. 
 
Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng Nhà nước cũng nên xem xét, cân đối giữa nguồn thu ngân sách để đảm bảo các cân đối vĩ mô và hỗ trợ đời sống người dân, DN trong phát triển kinh tế. Xăng là mặt hàng thiết yếu nên có thể cân nhắc giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
"Xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế, khi giá xăng dầu tăng kéo theo loạt hoạt động hàng hoá dịch vụ tăng giá theo, từ vận tải tới giá hàng hóa, du lịch… Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm, theo dõi các lần nước, thì giá các hàng hoá, dịch vụ đã lên thì khó giảm xuống", ông Khanh đánh giá cần thiết phải giữ ổn định giá xăng dầu. 

 
Ông Nguyễn Hồng Diên
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương
 
Hàng hóa trong nước dồi dào, giá cả tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình sắp tới còn rất nhiều thách thức, đặc biệt nếu dịch bùng phát trở lại thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tiêm chủng vaccine, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, các địa phương tập trung phát triển thương hiệu các mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt…

 
Ông Alain Cany
 
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
 
Mặc dù niềm tin của lãnh đạo DN châu Âu chứng kiến sự giảm nhẹ trong quý II, nhưng các yếu tố ảnh hưởng đến nó hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam. Một liên hoàn các ngoại tố đang góp phần gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu. Vấn đề này không phải của riêng Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh là con đường của tương lai, không chỉ vì nó sẽ giúp xây dựng nền tảng thịnh vượng cho nền kinh tế và con người Việt Nam, mà còn vì nó sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi đất nước thành một trong những thị trường mạnh nhất thế giới. Do đó, bất chấp những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, đây là thời điểm vô cùng thú vị và đầy hứa hẹn để kinh doanh tại Việt Nam.

 
 
Bà Nguyễn Thị Hương
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
 
Trung bình mỗi tháng cả nước có 19,5 nghìn DN gia nhập thị trường, số rút lui khỏi thị trường là 13,9 nghìn DN. Sau khi trừ hai con số trên, cả nước còn 5,6 nghìn DN tăng thêm mỗi tháng. Theo quan sát của tôi, đây là mức rất cao trong nhiều năm qua. Bình quân mỗi tháng các năm trước đây chỉ 3 nghìn DN tăng thêm. Điều này khẳng định sự thanh lọc của thị trường cũng như sự linh hoạt của DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.