Giá sản xuất của Mỹ đã bất ngờ giảm trong tháng 7/2022, giữa bối cảnh chi phí cho các sản phẩm năng lượng giảm và lạm phát của nhà sản xuất cơ bản dường như đang có xu hướng đi xuống.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/8 cho thấy Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng Bảy đã giảm 0,5%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Trước đó, PPI của Mỹ tăng 1,0% trong tháng Sáu. Còn trong 12 tháng tính đến tháng 7/2022, chỉ số này đã tăng 9,8% sau khi tăng 11,3% trong tháng Sáu.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đã dự báo PPI của Mỹ trong tháng Bảy sẽ tăng 0,2% so với tháng trước đó và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo báo cáo, giá hàng hóa tại Mỹ đã giảm 1,8% sau khi tăng 2,3% trong tháng Sáu. Việc giá xăng giảm 16,7% vào cùng giai đoạn đã đóng góp tới 80% cho mức giảm trên. Giá dầu diesel, khí hóa lỏng và khí đốt dân dụng cũng giảm mạnh.
Tuy nhiên, giá thực phẩm đã tăng 1,0% sau khi giảm 0,2% trong tháng trước. Chi phí dịch vụ cũng tăng 0,1% sau khi tăng 0,3% trong tháng Sáu.
Nếu loại trừ các thành phần lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại dễ biến động, PPI lõi của Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng Bảy, thấp hơn một chút so với mức 0,3% của tháng Sáu. So với cùng kỳ tháng 7/2021, PPI lõi tiến 5,8% sau khi tăng 6,4% trong tháng trước đó.
Ông Mahir Rasheed, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Oxford Economics cho biết việc lạm phát của Mỹ có thể đã đạt đỉnh là một dấu hiệu đáng hoan nghênh đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Nhưng chuyên gia này nhận định động lực cho giá cả tăng cao quanh mức kỷ lục vẫn sẽ kéo dài đến cuối năm nay.
Thông tin trên về PPI được đưa ra khi Fed đang cân nhắc tăng lãi suất cho vay qua đêm chuẩn thêm 50 hay 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 20-21/9.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã liên tiếp nâng lãi suất chính sách lên mức 225 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022, khi ngân hàng trung ương này tìm cách hạ nhiệt lạm phát mà không ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế./.