Giá dầu châu Á diễn biến trái chiều trong phiên sáng 29/8 khi các nhà đầu tư kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Một cơ sở lọc dầu của Công ty dầu khí Shell ở đảo Bukom, ngoài khơi Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường lo ngại Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định rằng nước này sẽ đối mặt với tăng trưởng chậm trong một thời gian.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao kỳ hạn tăng 2 xu Mỹ lên 93,08 USD/thùng, giá dầu Brent giao kỳ hạn lại giảm 27 xu Mỹ (0,3%) xuống 100,72 USD/thùng.
Chỉ số đồng USD tăng 0,3% lên 109,16 lúc đầu phiên giao dịch. Đồng USD mạnh sẽ gây áp lực lên giá dầu vì làm cho giá dầu đắt hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các nguồn tin tuần trước cho biết OPEC sẽ xem xét cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên trong trường hợp nguồn cung dầu thô từ Iran trở lại thị trường khi thỏa thuận hạt nhân Iran được nối lại.
Nhà phân tích Tina Teng của trung tâm CMC Markets cho biết: “Trọng tâm của các nhà giao dịch sẽ quay trở lại yếu tố cung-cầu khi đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran đang tiến triển”. Còn các nhà phân tích của ANZ
Research cho rằng giá dầu được hỗ trợ cũng là dấu hiệu của nhu cầu tăng, một phần do giá khí đốt tự nhiên tăng ở châu Âu thúc đẩy các nhà máy điện và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chuyển sang sử dụng dầu diesel và dầu nhiên liệu.