Giá phân bón trong nước vừa trải qua đợt tăng giá mạnh thứ 3 trong vòng 50 năm qua. Theo lý giải của các doanh nghiệp phân bón trong nước là do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh bởi chiến sự Nga – Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt không được khấu trừ chi phí đầu vào nên doanh nghiệp thiệt hại 3.000 – 4.000 tỷ đồng/mỗi năm…
TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón có lúc tăng nhiều, có lúc tăng ít nhưng đánh giá chung là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây. Giá phân bón phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, là một mặt hàng toàn cầu nên có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thị trường ngoài tầm kiểm soát của nhiều nhà sản xuất lớn.
Vì sao thiệt hại 3.000 – 4.000 tỷ đồng/mỗi năm?
Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho biết thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89% làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Với nguyên liệu đầu vào như vậy, nên giá thành cao, giá bán cũng phải đưa lên cao làm giảm sức tiêu dùng của thị trường.
Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào nên đã bị thiệt hại trung bình gần 90-100 tỷ đồng/năm.
Mặt khác, theo phản ánh của các DN sản xuất phân bón, một trong những yếu tố khiến giá thành tăng lên trong thời gian gần đây đó chính là việc các đơn vị sản xuất phân bón không được khấu trừ chi phí đầu vào theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13.
Ông Phùng Hà, cho hay do tỷ trọng giá trị các mặt hàng phân bón chủ yếu tập trung trong nước, thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa lớn đối với các đơn vị trong ngành. Ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm.
Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế giá trị gia tăng sẽ giúp đơn vị trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm.
“Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Và đặc biệt, quan trọng là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới”, ông Hà cho hay.
Ở góc độ DN, lãnh đạo Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho hay Luật thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015, sau khi áp dụng chúng ta nghĩ rằng sẽ hỗ trợ cho bà con nông dân. Nhưng thực tế, DN thấy có nhiều vướng mắc, như DN sản xuất không được khấu trừ đầu vào.
Thực tế, Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là DN sản xuất lớn, các chi phí, nhu cầu nguyên liệu đầu vào rất lớn, đồng thời DN cần đầu tư máy móc, thiết bị để tăng hiệu quả cho sản xuất… vì thế nếu không được khấu trừ sẽ có những thiệt hại lớn.
Kiến nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế
“Trong suốt 7 năm qua, DN không được khấu trừ thuế đầu vào nên đã bị thiệt hại trung bình gần 90-100 tỷ đồng/năm”, ông Hồng cho hay điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Chính vì vậy, thời gian tới, DN kiến nghị cần thúc đẩy sửa Luật thuế này, làm sao để có mức áp thuế phân bón một cách hợp lý nhất.
Về phía Bộ NN&PTNT, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho hay lý do không áp thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón là nhằm giảm gánh nặng cho nông dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, quy định này dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế giá trị gia tăng được các DN tính vào chi phí sản xuất.
Ông Đạt dẫn kinh nghiệm từ thế giới cho thấy, một số nước không thu thuế giá trị gia tăng/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ … Một số nước có thu thuế giá trị gia tăng/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ …
Theo đó, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng cần thiết thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng của phân bón theo hướng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thay cho đối tượng không chịu thuế như quy định hiện hành.
Ông Đạt cho biết Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản gửi Bộ Tài chính, đồng thời có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất phù hợp để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.
Tuy nhiên, để hạ giá phân bón, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước cần phải tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm tối đa chi phí từ đó giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa cùng loại.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, khi Luật có hiệu lực thi hành thì Bộ Công Thương và các bộ có liên quan; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường quản lý giá phân bón không để giá phân bón tăng, góp phần chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước, không phụ thuộc nguồn nhập khẩu, khắc phục được việc giá cả biến động gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và người nông dân.