Theo Bộ Tài chính, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), ước làm giảm dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 khoảng 57 nghìn tỷ, tương đương giảm 2% so với dư nợ cuối 2021.
Liên quan đến sự tăng giá của đồng USD và tác động đến xuất nhập khẩu; ảnh hưởng của việc tăng giá này đến nợ công của Việt Nam cũng như tình hình trả nợ và tình hình điều hành tỷ giá..., trong thông tin báo chí phát đi ngày 3/8, Bộ Tài chính vừa chính thức có phản hồi.
Theo Bộ Tài chính, tình hình nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc tăng giá của đồng USD, diễn biến dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong tiên lượng từ đầu năm và trong tầm kiểm soát.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ Chính phủ ước khoảng 3.283 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu đồng tiền trong danh mục nợ Chính phủ bao gồm: tiền VND có dư nợ 2.184 nghìn tỷ đồng; USD là 455 nghìn tỷ đồng; JPY là 346 nghìn tỷ đồng; EUR là 179 nghìn tỷ đồng; các loại tiền khác là 119 nghìn tỷ đồng.
Cơ cấu các đồng ngoại tệ trong danh mục nợ Chính phủ. Nguồn: Bộ Tài chính
Căn cứ theo tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến ngày 01/8 thì 1 USD bằng 23.400 VND, tăng 1,1% so với đầu năm 2022. Ước làm tăng dư nợ Chính phủ bằng USD quy VND khoảng 5 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Với EUR, 1 EUR bằng 24.385 VND, giảm 9,5% so với đầu năm 2022. Ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng EUR quy VND khoảng 17 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Với JPY, 1 JPY bằng 180 VND, giảm 13% so với đầu năm 2022. Ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng JPY quy VND khoảng 45 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Do đó, theo Bộ Tài chính, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), ước làm giảm dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 khoảng 57 nghìn tỷ (giảm 2% so với dư nợ cuối 2021).
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm.
Theo cơ quan này, do các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo - trong khi nợ nước ngoài giảm dần; từ đó, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.