Một lần nữa, giới đầu tư lo ngại rằng “liều thuốc” lãi suất tăng để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương sẽ đẩy các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái...
Sắc đỏ phủ khắp thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/9), trong khi tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất 22 năm và trái phiếu bị bán ồ ạt khiến lợi suất tăng chóng mặt. Một lần nữa, giới đầu tư lo ngại rằng “liều thuốc” lãi suất tăng để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương sẽ đẩy các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái.
Tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones thiếu chút nữa thì rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market, thị trường gấu) sau khi số liệu cho thấy hoạt động kinh doanh tháng 9 giảm mạnh ở khu vực Eurozone và giảm tháng thứ ba liên tiếp ở Mỹ. Màu đỏ đã nhấn chìm các bảng giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall sau khi các số liệu này được công bố, và tình hình tại các sàn giao dịch ở châu Âu cũng không có gì khá khẩm hơn.
Tỷ giá đồng Bảng Anh và giá trái phiếu của nước này giảm sâu thêm sau khi Chính phủ Anh công bố một chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn bằng ngân sách từ việc vay nợ nhằm giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua “cơn bão giá” hiện nay, đặc biệt là giá năng lượng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh có phiên tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Đồng Euro giảm giá xuống mức thấp nhất 20 năm và đồng Bảng thấp nhất 37 năm so với đồng USD. Trái lại, đồng bạc xanh tăng bùng nổ nhờ tín hiệu tuần này từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên cao hơn và giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự kiến ban đầu.
Ông George Goncalves, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Mỹ thuộc tập đoàn tài chính MUFG nói rằng Fed muốn các điều kiện tài chính thắt chặt lại và lãi suất cao chính là cơ chế sẽ dẫn tới một tình trạng thị trường mà các nhà đầu tư đã lâu không chứng kiến. “Đó là điều mà chúng ta không quen, và đó là lý do vì sao hầu hết mọi người đều ngạc nhiên. Đây sẽ là cuộc thi xem ai không chớp mắt lâu hơn giữa Fed và thị trường, và ở giữa là nền kinh tế hiện còn chưa phản ứng với sự thắt chặt chính sách tiền tệ này”, ông Gancalves nói với hãng tin Reuters.
Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 2,07%, xuống gần mức thấp nhất 2 năm. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chốt phiên với mức giảm 2,34%, hoàn tất tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Dow Jones mất 486,27 điểm, tương đương giảm 1,62%, còn 29.590,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt 1,7%, còn 3.693,23 điểm. Chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 1,8%, còn 10.863,93 điểm.
Diễn biến chỉ số S&P 500 từ đầu năm.
Đây là mức đáy mới của Dow Jones trong năm nay và đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa dưới mốc 30.000 USD kể từ ngày 17/6. So với mức kỷ lục, mức điểm chốt phiên này của Dow Jones thấp hơn 19,9%, chỉ còn thiếu 0,1 điểm phần trăm là đáp ứng định nghĩa thị trường gấu. Trong phiên, có lúc Dow Jones mất hơn 826 điểm. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq đều đang ở trong “lãnh địa” thị trường gấu.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng có tuần giảm thứ 5 trong vòng 6 tuần trở lại đây. Tính cả tuần, Dow Jones giảm 4%; S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 4,65% và 5,07%. Phiên ngày thứ Sáu là phiên giảm thứ tư liên tục của thị trường, sau khi Fed vào hôm thứ Tư tuyên bố tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm và phát tín hiệu có thể tiếp tục nâng với bước nhảy như vậy trong cuộc họp vào tháng 11.
“Thị trường đang có sự dịch chuyển rõ ràng và nhanh chóng từ mối lo về lạm phát sang mối lo về chiến dịch thắt chặt quyết liệt của Fed”, chuyên gia Quincy Krosby của LPL Financial phát biểu. “Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, phản ánh tâm lý bi quan rằng làm thế nào Fed có thể lập lại ổn định giá cả mà không gây ra một sự đổ vỡ nào đó.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh trong tuần này sau động thái nâng lãi suất của Fed, với lợi suất của cả kỳ hạn 2 năm và 10 năm cùng đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Trong một báo cáo, Goldman Sachs cắt giảm mức điểm dự báo của S&P 500 vào cuối năm nay, vì lý do lãi suất tăng. Các nhà phân tích của ngân hàng này dự báo chỉ số sẽ giảm thêm ít nhất 4% từ mức hiện tại.
Những cổ phiếu bị cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất khi suy thoái xảy ra cũng chính là những nhóm dẫn đầu sự giảm điểm của chứng khoán Mỹ trong tuần này, với nhóm tiêu dùng không thiết yếu của S&P 500 tụt 7%. Nhóm năng lượng lao dốc 9% cả tuần vì giá dầu giảm sâu. Các cổ phiếu tăng trưởng, bao gồm các “ông lớn” công nghệ Apple, Amazon, Microsoft, và Metal cũng đồng loạt “đỏ lửa” trong phiên ngày thứ Sáu.
Một loạt ngân hàng trung ương khác cũng nâng lãi suất trong tuần này, gồm ngân hàng trung ương của Anh, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ và Na uy. Tuy nhiên, những tín hiệu mới của Fed mới là nguyên nhân gây ra sự bán tháo trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu.
Theo ông Andrzej Skiba, trưởng bộ phận trái phiếu của công ty quản lý tài sản RBC Global Asset Management, nói rằng nhà đầu tư đang cố gắng xác định xem lạm phát sẽ còn “nóng” trong bao lâu và lãi suất sẽ tăng cao đến đâu. “Thị trường đang cảm thấy bất an vì chưa biết lạm phát sẽ diễn biến thế nào và liệu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có lập đỉnh ở ngưỡng cao của vùng 4% hay không”, ông Skiba nói, đề cập đến dự báo của Fed rằng lãi suất cơ bản sẽ đạt tối đa 4,6% vào cuối năm 2023.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.
Nỗi lo suy thoái và đồng USD mạnh gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu thô trong phiên này. Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent sụt 4,31 USD/thùng, tương đương giảm 4,8%, còn 86,15 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ mất 4,75 USD/thùng, tương đương giảm 5,7%, còn 78,74 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent giảm 5,3% còn giá dầu WTI giảm 7%.