Việc đồng USD mạnh lên và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất vẫn đè nặng kim loại quý này.
Phiên sáng 26/9 giá vàng châu Á chạm mức thấp mới của hai năm rưỡi. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.638,59 USD/ounce, vào lúc 7 giờ 53 phút (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 trước đó cùng phiên.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng mất 0,6% xuống 1.645,8 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – đạt mức đỉnh mới kể từ năm 2002 do Fed dự kiến duy trì quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, hôm 25/9 bày tỏ niềm tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể chế ngự lạm phát mà không dẫn đến tình trạng người lao động bị mất việc làm hàng loạt, khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể. Kể từ khi tăng trên mốc 2.000 USD/ounce vào tháng Ba, giá vàng hiện đã giảm hơn 20%.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có khả năng bước vào một cuộc suy thoái, do người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa chấm dứt. Khảo sát cũng cho hay hoạt động kinh tế tại khu vực trên đã giảm sâu hơn trong tháng 9/2022.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do họ nắm giữ đã giảm 0,31% xuống 947,23 tấn trong phiên 23/9 vừa qua.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 18,68 USD/ounce, còn bạch kim tiến 0,7% lên 860,13 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 9 giờ 25 phút sáng ngày 26/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,65 - 66,47 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.