Cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Anh đưa ra cảnh báo, hơn 3/4 triệu hộ gia đình ở Anh có nguy cơ vỡ nợ trong các khoản thanh toán thế chấp trong hai năm tới.
Đồng bảng Anh tại ngân hàng ở London ngày 25/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thư gửi Ủy ban Tài chính Hạ viện Anh vào ngày 11/01, Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) cho
biết, khoảng 200.000 hộ gia đình Anh đã không thể trả các khoản vay mua nhà vào giữa năm 2022.
Theo FCA, có tới 570.000 hộ gia đình “có nguy cơ thiếu khả năng thanh toán” trong vòng hai năm tới, vì chi phí thế chấp sẽ chiếm hơn 30% thu nhập của các hộ gia đình.
Các số liệu này nhấn mạnh áp lực ngày càng tăng do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối vớingười dân Anh. Nếu 770.000 hộ gia đình vỡ nợ, điều đó có nghĩa là khoảng 9% các khoản thế chấp của Anh đã bị quá hạn.
FCA đã đưa ra dự đoán dựa trên mức giảm 10% trong thu nhập thực tế của các hộ gia đình, do tăng trưởng tiền lương giảm sau lạm phát, hiện đang ở mức 10,7%.
“Một số hộ gia đình sẽ bị giảm thu nhập thực tế nhiều hơn, có thể do mất việc làm, và những hộ gia đình khác có thể bị giảm ít hơn”, FCA cho biết trong thư gửi Ủy ban Tài chính Hạ viện, đồng thời cho biết thêm rằng các số liệu này hiện mới là “sơ bộ”.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 10/01 cũng cho biết,có khoảng 1,4 triệu hộ gia đình phải đối mặt với các khoản thanh toán lãi cao hơn vào năm tới khi các khoản thế chấp có lãi suất cố định của họ hết hạn.
Điều này sẽ đưa nhiều người hơn vào danh mục “có nguy cơ” của FCA, được định nghĩa là bất kỳ ai chi hơn 30% tổng thu nhập hộ gia đình cho các khoản thanh toán thế chấp.
Tuyên bố của FCA đã làm gia tăng cảnh báo vào tháng 12/2022 của Ủy ban Chính sách Tài chính của Ngân hàng Trung ương Anh. Theo đó, Ủy ban này cho biết, khả năng tài chính của các hộ gia đình ở Anh đang bị “co kéo” do lãi suất tăng và lạm phát tăng vọt, mặc dù các hộ gia đình vẫn chưa có “dấu hiệu khó khăn tài chính trên diện rộng”.
FCA lưu ý rằng, một số hộ gia đình có thể cắt giảm chi tiêu cho những thứ khác hoặc tiết kiệm để trả các khoản thế chấp và cho biết FCA sẽ nghiên cứu thêm về tác động của những diễn biến khác, chẳng hạn như thất nghiệp, đối với tình trạng vỡ nợ.
FCA cũng kêu gọi lĩnh vực bảo hiểm xem xét miễn phí hủy hợp đồng và các khoản phí hợp đồng khác để hỗ trợ khách hàng đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Tháng trước, một số ngân hàng lớn nhất của Anh, gồm HSBC, Barclays, Lloyds và NatWest, đã đồng ý sử dụng gói biện pháp hoãn trả nợ đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng để bảo vệ các hộ gia đình đang gặp khó khăn khỏi bị thu hồi tài sản và các khoản phạt./.