Dự trữ ngoại hối của ngân hàng nhà nước Pakistan trong tuần này đã giảm xuống dưới 6 tỷ USD - mức thấp nhất trong gần chín năm - trong khi các nghĩa vụ chi trả hơn 8 tỷ USD đến hạn trong quý 1/2023.
Hàng nghìn container chứa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nguyên liệu thô và thiết bị y tế đã bị kẹt tại cảng Karachi của Pakistan khi nước này đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng ngoại tệ nghiêm trọng.
Sự thiếu hụt đồng USD nghiêm trọng đã khiến các ngân hàng nước này từ chối phát hành thư tín dụng mới cho các nhà nhập khẩu, ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đã bị thắt chặt bởi lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế mờ nhạt.
Abdul Majeed, quan chức của Cơ quan Hải quan Pakistan, cho biết: “Tôi đã làm trong ngành này 40 năm qua và tôi chưa từng chứng kiến thời điểm nào tồi tệ hơn thế."
Còn Giám đốc Cơ quan Hải quan Pakistan, Maqbool Ahmed Malik, cho biết: “Chúng tôi có hàng nghìn container hàng hóa bị mắc kẹt tại cảng vì thiếu USD,” đồng thời cho biết thêm rằng các hoạt động nhập hàng đã sụt giảm ít nhất 50%.
Dự trữ ngoại hối của ngân hàng nhà nước Pakistan trong tuần này đã giảm xuống dưới 6 tỷ USD - mức thấp nhất trong gần chín năm - trong khi các nghĩa vụ chi trả hơn 8 tỷ USD đến hạn trong quý 1/2023.
Theo các nhà phân tích, dự trữ ngoại hối của đất nước chỉ đủ để thanh toán cho khoảng một tháng nhập khẩu hàng hóa.
Nền kinh tế Pakistan đã lao dốc cùng với cuộc khủng hoảng chính trị, đồng nội tệ mất giá và lạm phát ở mức cao hàng thập kỷ, trong khi lũ lụt tàn phá và tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng càng gây thêm áp lực lên nền kinh tế.
Khoản nợ khổng lồ của quốc gia Nam Á này hiện là 274 tỷ USD, tương đương gần 90% Tổng sản phẩm quốc nội khiến Pakistan đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế./.
Vân Anh (TTXVN/Vietnam+)