Nhờ cơ cấu thị trường đã thay đổi khá mạnh, cùng với tăng chế biến sâu đã giúp Công ty Cổ thực phẩm Sao Ta, một trong những doanh nghiệp xuất tôm chủ lực tại ĐBSCL, đạt doanh thu xuất khẩu cao.
Sản xuất tôm chiên tempura tại nhà máy của Sao Ta
Năm 2022, doanh số của Công ty Cổ thực phẩm Sao Ta (một trong những doanh nghiệp xuất tôm chủ lực tại ĐBSCL) đạt gần 230 triệu USD, tăng gần 10% và lợi nhuận khả năng đạt trên 340 tỷ đồng (kế hoạch 320 tỷ đồng) sau hợp nhất là điểm sáng thành quả hoạt động của doanh nghiệp.
Có những điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đó là cơ cấu thị trường đã thay đổi khá mạnh. Thị phần ở Nhật Bản tăng lên đáng kể, từ 28,1% (2020), 38,9% (2021) lên 43,8% năm 2022. Điều sâu xa hơn là sản phẩm chế biến sâu là thực phẩm chủ yếu cho người Nhật đã chiếm khoảng 55% sản phẩm chung. Cả hai yếu tố này nằm trong sách lược “Thị trường, khúc thị trường, sản phẩm, khách hàng” Sao Ta đã đề ra từ cuối năm 2020 đã có thành quả rõ rệt.
Đây là nền tảng hết sức cơ bản cho những năm sắp tới khi tôm giá rẻ Ecuador tấn công quá mạnh vào thị trường Hoa Kỳ khiến thị phần tôm Việt ở đây có xu hướng giảm dần.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty, để tăng thị phần, ngay từ năm 2021, Sao Ta thu hút người tiêu dùng Nhật Bản qua giá mua bán khá mềm, bởi năm này nhờ nuôi tôm trúng nên giá thành cuối cùng tôm Sao Ta giảm, nên Sao Ta có nền tảng cho bước đi và cả năm vẫn có mức lợi nhuận tốt.
Năm 2022, nuôi tôm không tốt bằng nhưng bù lại giá tiêu thụ đã tốt hơn vì người tiêu dùng Nhật Bản đã cảm nhận chất lượng ổn định của sản phẩm Sao Ta. Qua đó, lợi nhuận năm nay cao hơn năm trước và cao nhất trong 26 năm hoạt động của Sao Ta.
Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, với những khó khăn nhất định bởi tác động của nền kinh tế, năm 2023, khi các thị trường lớn hết sức yên ắng, nhất là bão tuyết cuối năm 2022 ở Hoa Kỳ ít nhiều làm giảm sức tiêu thụ, khiến tồn kho chưa giải phóng kịp thời… Sao Ta vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày, tuy không nhiều nhưng so hoàn cảnh chung vẫn là điểm sáng.
“Năm nay, ao nuôi tôm sẽ nhiều hơn, nhà máy mới khởi động từ đầu năm, tập dợt đội ngũ cho phương án tăng tốc khi thời cơ đến, kho hàng được xem xét để giảm thiểu tối đa chi phí. Song song, Sao Ta luôn coi trọng cho lâu dài, phấn đấu cho mục tiêu doanh nghiệp bền vững ổn định lâu dài”- ông Lực chia sẻ.
Người đứng đầu doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể trong những giai đoạn thị trường tiêu thụ khó khăn.
Đó là, nỗ lực thu thập thông tin, phân tích đánh giá để đưa ra quyết sách. Nếu đánh giá thị trường khó khăn sẽ kéo dài, cần nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho bằng giá mềm nhằm hạn chế kẹt vốn, kẹt kho. Song song hết sức chú ý công việc quản trị hàng tồn kho nhằm, cụ thể như trang bị công suất kho lạnh có tính toán cho dự trữ lúc cần thiết nhằm chủ động kho trữ và nguyên liệu.
Luôn tìm hiểu thông tin về tình hình cung ứng trong ngoài nước cũng như xu thế nhu cầu của người tiêu thụ để có tính toán trong việc tiêu thụ và trữ hàng của mình thiết thực và hiệu quả. Rà soát tồn kho kịp thời để tranh thủ mọi cơ hội kinh doanh…
Chỉ mua nguyên liệu đáp ứng cho đơn hàng đang có, tránh tăng tồn kho; cắt giảm chi tiêu, nêu cao ý thức tiết kiệm, rà soát các định mức tiêu hao, rà soát tối ưu hoá quy trình chế biến. Tập trung nguồn lực vào sản xuất chính, không đầu tư tràn lan...