Để có thể kinh doanh được ở Việt Nam sẽ cần phải vượt qua rất nhiều rào cản. Và 2023 chắc chắn sẽ là một năm thách thức, thậm chí phải tính đến “tồn tại trước đã”…
Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài tiên phong trong xu thế đầu tư vào Việt Nam đầu thập niên 1990, ông Peter Ryder - CEO của Indochina Capital đã có hơn 30 năm sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam.
Nhân dịp đón năm mới Quý Mão 2023, ông Peter Ryder chia sẻ về cơ duyên đến và gắn bó với Việt Nam, cùng những nhận định về thị trường bất động sản du lịch năm tới.
Đã hơn 30 năm, đến nay nhìn lại, ông có thể chia sẻ lý do ông quyết định đầu tư và gắn bó tại Việt Nam với một quá trình lâu dài như vậy?
Là một người Mỹ, tôi lớn lên và suy nghĩ rất nhiều về Việt Nam bởi cuộc chiến tranh trước đây. Khi cuộc chiến còn căng thẳng, tôi đang là học sinh phổ thông, thời kỳ khoảng từ năm 1968-1972, tôi thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Vì vậy, Việt Nam đã in đậm trong tâm trí khi tôi còn là học sinh và mới trưởng thành.
Tôi đã trải qua nhiều công việc, nhiều vai trò như nhà khảo cổ học, nhà nhân chủng học và ngân hàng đầu tư ở New York và sau đó ở Tokyo. Tôi ở Nhật Bản từ năm 1987-1990 và đã đi rất nhiều nước ở khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương nhưng vẫn chưa từng đến Việt Nam. Vào năm 1991, tôi quay trở lại New York.
Trong khoảng thời gian đó, tôi quyết định nghỉ công việc ở ngân hàng và khởi nghiệp. Ngay trước khi tôi rời khỏi văn phòng, một sự việc đã xảy ra. Tôi nhận được một bức fax. Nội dung của bức fax là bản đồ TP.HCM với một dấu mực khoanh tròn ở khu vực giữa Quận 5 và Quận 6, chính xác là Chợ Lớn, kèm dòng chữ “Ông có hứng thú với dự án này không?”. Đây chính là cơ duyên đã đưa tôi đến Việt Nam. Và rồi tôi lên máy bay, đến TP.HCM và lập tức nhận ra Việt Nam có tiềm năng rất lớn.
Khi đặt chân đến đến TP.HCM vào tháng 1/1992, một trong những điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên chính là được đón tiếp nồng nhiệt bởi tất cả những người Việt Nam tôi gặp, với tư cách là một người Mỹ, bởi cuộc chiến chỉ mới kết thúc 15 năm trước đó. Tôi cứ nghĩ rằng mọi người sẽ giận tôi, nhưng tôi lại cảm thấy ngược lại.
Tôi cũng ngay lập tức ấn tượng với tinh thần kinh doanh ở Việt Nam. Dự án mà tôi tham gia ở khu vực Chợ Lớn ngay gần Chợ Bình Tân. Thời điểm đó là giữa tháng 1/1992, chỉ vài tuần nữa là đến Tết, hoạt động kinh doanh tại các khu chợ này sôi động và tấp nập khiến tôi ngạc nhiên.
Điều thứ hai, tôi chứng kiến phần lớn những người đang làm việc tại khu vực đó là phụ nữ. Tôi nhận ra một trong những điều nổi bật nhất về Việt Nam chính là phụ nữ được chủ động quyết định cuộc sống của mình hơn nhiều so với những nước khác mà tôi đã đi qua; họ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong các ngành kinh tế và vì vậy tôi cũng tin tưởng hơn về tiềm năng của Việt Nam.
Tôi cảm thấy dễ chịu khi đến Việt Nam và tin rằng mình có cơ hội thành công ở đây. Tôi thực sự chưa từng nghĩ rằng sẽ làm việc tại một đất nước nào khác, dù thực tế trong hơn 30 năm qua một số người đã giới thiệu với tôi các dự án ở Campuchia, Singapore, Indonesia, và tôi đều từ chối.
Tôi thấy hạnh phúc và hài lòng với việc tập trung chủ yếu vào Việt Nam, dù giờ đây khi chúng tôi đã cho ra mắt Wink Hotels, nhiều khả năng chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các dự án Wink Hotels ra ngoài Việt Nam. Chúng tôi đã có cơ hội tại Singapore, đang tìm kiếm vị trí tiềm năng tại Phnom Penh, Campuchia và các địa điểm khác trên thế giới. Wink Hotel, thương hiệu Việt Nam mà chúng tôi sáng tạo ra, có lẽ cuối cùng sẽ đưa chúng tôi phát triển ra ngoài đất nước Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi và có những khó khăn nhất định trên thị trường bất động sản. Indochina Capital sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu phát triển 20 khách sạn Wink Hotels tại Việt Nam, thưa ông?
Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng 20 khách sạn Wink Hotel. Hiện đã có 8 khách sạn Wink, gồm cả khách sạn đã khai trương hoặc đang trong quá trình xây dựng. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm các địa điểm mới cho dự án và tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch của mình.
Để có thể kinh doanh được ở Việt Nam sẽ cần phải vượt qua rất nhiều rào cản. Các thủ tục phê duyệt và cấp phép là một vấn đề. Để xin cấp phép được cho dự án cần phải trải qua rất nhiều khâu, phải có được hàng trăm giấy phép, chính vì vậy thực sự phức tạp. Một trong những đề xuất của tôi với Chính phủ Việt Nam chính là cần phải đơn giản hóa thủ tục cấp phép các dự án.
Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn ngay từ ban đầu và chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ hiểu nghề, hiểu môi trường và chúng tôi rất kiên nhẫn, bền bỉ. Khi người ta nói rằng chúng tôi không thể làm được gì đó, chúng tôi luôn nỗ lực tìm giải pháp để thành công. Để kinh doanh thành công cần nhiều sự kiên nhẫn, bền bỉ và tất nhiên cả nguồn vốn nữa, và thật may mắn chúng tôi có những đối tác có tiềm lực tài chính tốt như Tập đoàn Kajima của Nhật Bản.
Còn những mục tiêu kinh doanh chính của Indochina Capital trong năm 2023 là gì, thưa ông?
Tồn tại được đã!
Tôi đùa vậy thôi chứ đó cũng thực sự là mục tiêu đầu tiên của chúng tôi. Ai cũng biết rằng 2022 đã là một năm khó khăn và 2023 chắc chắn sẽ là một năm thách thức với việc kinh doanh tại Việt Nam.
Tôi rất may mắn vì có đội ngũ nhân sự tuyệt vời, những nhân sự chủ chốt nhất đã làm việc ở đây ít nhất 15 năm, chúng tôi có một nhóm làm việc tin tưởng, đồng thuận, trung thành và rất hiểu về tài chính. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ của các dự án Wink Hotels, cả về mặt vận hành cũng như xây dựng. Vào đầu năm 2022, chúng tôi cũng đã chính thức ra mắt nền tảng bất động sản công nghiệp với tên gọi Core5 Vietnam. Đến cuối năm 2023, chúng tôi sẽ có ít nhất hai dự án bất động sản công nghiệp bao gồm nhà xưởng và nhà kho xây sẵn được khai trương và sẵn sàng cho thuê.
Chúng tôi cũng đang trong quá trình phát triển khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất tại tỉnh Phú Yên với bãi cát trắng mịn dài 800m. Indochina Kajima, liên doanh của chúng tôi với đối tác Kajima từ Nhật Bản, sẽ phát triển dự án này. Và cũng mới chỉ tháng trước, chúng tôi đã tổ chức lễ ký kết với Mandarin Oriental trong vai trò đơn vị vận hành của dự án. Chúng tôi hiện đã bắt đầu khởi động những hạng mục đầu tiên của dự án này.
Tuy nhiên, trong năm tới, chúng tôi sẽ cần phải thận trọng với nguồn vốn mới được đưa vào hoạt động cho đến khi nhận thấy sự ổn định trong hệ thống ngân hàng và diễn biến thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023 và lạm phát sẽ ảnh hưởng ra sao đến bất động sản du lịch?
Tôi xin phép trả lời câu hỏi thứ hai trước vì liên quan trực tiếp đến du lịch quốc tế. Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, tuy nhiên số lượng đến Việt Nam trong năm 2022 còn khá hạn chế, chỉ đạt 3,5 triệu trong khi Chính phủ từng kỳ vọng con số 5 triệu. Để có thể tăng trưởng được lượng khách du lịch nước ngoài, cá nhân tôi thực sự khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đơn giản hóa thủ tục cấp visa.
Ở Thái Lan, họ đã mở cửa biên giới toàn diện và lượng khách du lịch quốc tế đã gần quay trở lại ngưỡng của năm 2019. Thái Lan đã có một năm 2022 vô cùng thành công về du lịch. Việt Nam cần làm tất cả những gì có thể để tăng được số lượng khách du lịch quốc tế bằng cách tăng cường phát hành visa điện tử, kéo dài thời hạn của visa du lịch từ 1-3 tháng… Có rất nhiều thứ có thể làm.
Tất nhiên, lạm phát ảnh hưởng đến ngành du lịch bởi nó khiến cho chi phí khách sạn, vé máy bay hay ăn uống đều tăng lên, thế nhưng những yếu tố này không đủ để kéo lùi sự phát triển của ngành du lịch mà chính là chính sách của Chính phủ cần phải có nhiều sự cải thiện.
Gần đây đã có những vụ việc làm mất niềm tin vào thị trường bất động sản, lãi suất tăng lên quá cao cũng gây ra nhiều ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng lạm phát ở Việt Nam ở mức 3-4% còn rất thấp nếu so với nhiều nền kinh tế trên thế giới, như Mỹ và châu Âu ở mức 7-9%. Ngoài ra, lãi suất ở Việt Nam hiện rất cao và cần hạ xuống để tránh gây thêm thiệt hại cho thị trường bất động sản.
Cảm ơn ông về những chia sẻ.