Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống tài chính nói riêng và kinh tế nói chung. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn "giậm chân tại chỗ" trong nhóm cận biên do vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để thị trường chứng khoán minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang được hai tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi do TTCK Việt Nam được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức thị trường cận biên.
Những “rào cản” chính
Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018 do vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” - vốn đang ở được xếp ở mức “hạn chế” (Restricted). Nguyên nhân là do thông lệ thị trường về việc kiểm tra trước giao dịch, đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch. Thị trường cũng chưa gặp phải các giao dịch thất bại nào, do đó mục “thanh toán - chi phí liên quan tới giao dịch thất bại” chưa được đánh giá.
Được biết, sau khi giá cổ phiếu giảm trên toàn thế giới vào tháng 10/1987, các ngân hàng trung ương trong G10 đã tăng cường các thủ tục thanh toán và loại bỏ rủi ro khi việc giao dịch chứng khoán có thể được thực hiện mà không cần thanh toán, hoặc thanh toán có thể được thực hiện mà không cần giao hàng. Quy trình DvP làm giảm các rủi ro này cho bên đối tác.
Sau nhiều năm, TTCK Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ trong nhóm cận biên do vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. (Hình minh họa)
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta chỉ rõ, vấn đề lớn nhất của DvP hiện nay trên TTCK Việt Nam là tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài của các công ty chứng khoán (CTCK) có phần bị hạn chế. Trong đó nổi cộm là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán.
Đối với ký quỹ trước giao dịch (Pre-funding), bản chất của vấn đề là tiền và chứng khoán được chuyển giao đồng thời, nghĩa là người mua phải có đầy đủ tiền trước khi đặt lệnh giao dịch. Điểm mấu chốt mà NĐT quan ngại là tiền phải chuyển vào TTCK Việt Nam 100% trước khi đặt lệnh giao dịch chứ không phải là chuyển vào thời điểm phải thanh toán. Và chuyển tiền vào TTCK Việt Nam trước khi đặt lệnh giao dịch được hiểu rằng có thể lệnh được khớp hoặc có thể không. Nếu lệnh không được khớp thì tiền lại phải chuyển ra, điều này liên quan đến việc mất cơ hội đầu tư khác, liên quan đến chuyển đổi đồng tiền, đến ngoại hối, chênh lệch tỷ giá cũng như khoảng thời gian mất đi để thực hiện những thủ tục này.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh về việc tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài, bởi đây là tiêu chí mà cả 2 tổ chức xếp hạng MSCI và FTSE Russell đều lưu ý đối với việc nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Thực tế, tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài ở Việt Nam tương đối thấp. Chẳng hạn, một số cổ phiếu ở nhóm ngân hàng chỉ giới hạn tỷ lệ 30%, và cổ phiếu nhiều doanh nghiệp khác bị giới hạn tỷ lệ sở hữu 40%. Chưa kể, theo phản ánh của các tổ chức nước ngoài, NĐT nước ngoài không biết “room” ngoại cụ thể của doanh nghiệp là bao nhiêu nên khó để đưa ra quyết định đầu tư. Những yếu tố này không tạo sự hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài.
Giải “bài toán” nâng hạng
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin, hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ thực hiện theo các quy định sau: điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên; theo quy định tại pháp luật về từng ngành nghề cụ thể; theo quy định tại danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với NĐT nước ngoài, trường hợp không quy định cụ thể, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ; các trường hợp khác có tỷ lệ sở hữu nước ngoài không hạn chế…
Như vậy, có thể xác định vấn đề sẽ nằm ở những ngành nghề có quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài và những ngành nghề thuộc danh mục hạn chế tiếp cận thị trường, bởi những trường hợp khác đang thực hiện theo thông lệ quốc tế hoặc không có hạn chế.
“Vì thế, muốn giải quyết vấn đề về sở hữu nước ngoài, Việt Nam sẽ cần thay đổi các quy định với từng ngành nghề, cũng như rà soát lại danh mục những ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với NĐT nước ngoài”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Liên quan tới vấn đề Pre-funding, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết TTCK Việt Nam không nhất thiết phải có quy định về ký quỹ, song phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Khảo sát trên thế giới cho thấy trong trường hợp không ký quỹ, trường hợp NĐT không thanh toán chỉ tương đương mức tổn thất khoảng 3 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Dựa vào nghiên cứu trên, ông Lực đã đưa ra 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Đó là Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tránh xảy ra những lỗi sai sót. Bên cạnh đó, kiểm soát hành vi của NĐT bằng cách tăng chế tài xử lý, xử phạt 1.000 – 5.000 USD hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền. Cuối cùng là tăng thẩm quyền cho các CTCK trong việc thẩm định rủi ro.
Theo ông Lực, CTCK có thể tự đưa ra quyết định một NĐT cần ký quỹ trước giao dịch hay không, đồng thời được phép đưa ra cơ chế xử lý rủi ro, được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán khi NĐT không thể thanh toán.
“Để giải quyết được điều này, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót. Bên cạnh đó, kiểm soát hành vi của NĐT bằng cách tăng chế tài, xử phạt” ông Lực nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho rằng áp dụng mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các CTCK) là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc Pre-funding.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, hiện nay đang có 2 phương án. Thứ nhất, nếu như lúc trước buộc NĐT phải ký quỹ tại CTCK, sau đó mới có một lượng tiền sẵn sàng để mua, thì giờ CTCK bỏ tiền ra ký quỹ trước cho NĐT, tức chuyển rủi ro từ NĐT sang CTCK, buộc CTCK phải đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, tài sản trong tài khoản của họ đang có những gì bởi trong trường hợp họ không nộp tiền để thanh toán khoản ký quỹ đó thì CTCK bắt buộc phải bán giải chấp hoặc bán tài sản đó ra để xử lý.
“Đồng nghĩa CTCK phải đánh giá kỹ và nhiều hơn đối với các NĐT nước ngoài phòng trường hợp rủi ro NĐT nước ngoài đó ko nộp tiền vào”, chuyên gia Yuanta nói với VnBusiness.
Phương án thứ hai là giảm tỷ lệ ký quỹ xuống khoảng 30% thì NĐT nước ngoài vẫn cảm thấy “dễ chịu” hơn thay vì nếu họ chuyển tiền vào nhưng không mua thì tiền nằm “chết” nhiều. Có nghĩa là CTCK chi ra 70%, còn NĐT nước ngoài bỏ vào 30%.
Liên quan đến Pre-funding, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu đi vào vận hành vào cuối tháng 12/2023. Hệ thống này sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu NĐT nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. Về lâu dài, việc triển khai mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề Pre-funding.
“Các CTCK có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho NĐT nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%”, đại diện VinaCapital cho hay.
Việc đưa vào vận hành hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ nhanh chóng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước năm 2025 của Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia Yuanta bày tỏ lo lắng về rủi ro khi thị trường được nâng hạng hoặc khi vào thị trường mới nổi. Đó là về vấn đề vốn hóa của TTCK Việt Nam hiện nay.
Thực tế, rất nhiều quốc gia khi được nâng hạng lên nhóm mới nổi sau khoảng một năm như Pakistan hoặc Argentina đã bị loại ra vì một số lý do, trong đó có nguyên nhân là vốn hóa bị giảm quá mạnh. Đây cũng là một dấu hiệu rủi ro lớn đối với TTCK Việt Nam.
“Nếu vốn hóa của TTCK Việt Nam không đủ lớn để vào thị trường mới nổi thì khả năng cao trong thời gian ngắn sẽ bị “đạp” trở lại”, chuyên gia Yuanta nói.
Về vấn đề này, ông Minh cho rằng cần bổ sung cổ phiếu vốn hóa lớn. Bởi TTCK Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc vào hai “ông lớn” là ngân hàng và bất động sản, trong khi cổ phiếu của ngành nghề sản xuất không đủ lớn để “cover” được. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản phụ thuộc vào tính chu kỳ rất lớn, lên mạnh giảm mạnh, ảnh hưởng rất nhiều vốn hóa của thị trường.
“Để giảm tình trạng này, cần phải niêm yết thêm những cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước như viễn thông (bao gồm cổ phiếu thuộc “họ” EVN và PVN) vào nhóm vốn hóa lớn để giảm bớt rủi ro từ nhóm bất động sản cũng như nhóm ngân hàng”, ông Minh nêu quan điểm.