Xuất khẩu thủy sản đang có những dấu hiệu dần hồi phục bởi thị trường thế giới đang bước vào mùa lễ hội - mùa cao điểm tiêu thụ các mặt hàng thuỷ sản.
Điều này được kỳ vọng để xuất khẩu thủy sản có thể bứt tốc những tháng cuối năm và không tuột mốc 10 tỷ USD.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, đã có những tín hiệu tích cực đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đó là sự phục hồi của nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và tín hiệu tích cực nhất trong các mặt hàng xuất khẩu là cá tra.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9 vừa qua, xuất khẩu cá tra đã ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu kể từ đầu năm nay, dù mức tăng chỉ là 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng với sự giảm khá sâu từ đầu năm khiến cho giá trị cá tra xuất khẩu vẫn âm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện Trung Quốc vẫn dẫn đầu Top các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay. Đứng thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam là Mỹ. Đây cũng là thị trường lớn ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mức giảm 54%. Nguyên nhân bởi lượng tồn kho từ năm ngoái của thị trường quá cao.
Nhưng mặt hàng cá tra đang có nhiều điểm sáng, trước hết là kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế bán phá giá lần thứ 19 đã giảm đáng kể so với kết quả cuối cùng của lần thứ 18. Thêm nữa là kết quả đánh giá tích cực của Đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) về hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá thuộc bộ Siluriformes của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Đây là tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong thời gian tới.
EU cũng đang dần trở lại cuộc đua về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam với ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trở lại trong tháng 9 vừa qua.
Cũng trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Nhật Bản, Mexico, New Zealand… cũng ghi nhận tăng trưởng dương nhập khẩu cá tra Việt Nam từ 10 - 70%...
Riêng tại thị trường Nhật Bản, kể từ tháng 3/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tục sụt giảm. Đến tháng 9, xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản khi được hưởng nhiều ưu đãi từ cắt giảm thuế quan trong Hiệp định CPTPP cùng với số lượng người dân đến từ các nước châu Á sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đang dần tăng lên. Điều này không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam nhiều hơn mà còn đưa hàng sang Việt Nam gia công.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP, năm nay, xuất khẩu thủy sản rất khó khăn, nhưng Nhật Bản vẫn có nhu cầu thủy sản và doanh nghiệp cũng rất quan tâm xuất khẩu vào thị trường này. Điều này được chứng minh khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản có mức giảm thấp hơn so với mức giảm của cả ngành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam cũng nhấn mạnh: Mức độ yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm của Nhật Bản với thực phẩm rất cao. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng có niềm tin rất cao với các bạn hàng nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam luôn phải duy trì đảm bảo an toàn thực phẩm ở mức cao.
Với mặt hàng tôm, mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ vẫn giảm 23%. Trung Quốc đứng thứ 2 nhưng giảm có 6%. Nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada… vẫn giảm ở mức hai con số.
Nhưng mặt hàng gần đây đã nhận được những tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ… với mức tăng trưởng dương. Điển hình, Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương.
Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường này, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm, VASEP nhận định. Với sự phục hồi của thị trường Mỹ, VASEP dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam.
Sự bứt phá còn đến với các loài hải sản như cá tuyết, cá minh thái, ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm…. Những sản phẩm khác như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô… đang có nhu cầu nhập khẩu tăng so với năm trước.
Mặc dù vậy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, mực… vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, khiến doanh số xuất khẩu thủy sản chung chưa thể bứt phá. VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,1 - 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta dự đoán, thành quả năm nay xoay quanh con số từ 85 - 90% so với năm 2022. Bởi theo chu kỳ, lúc này bước vào cao điểm giao hàng, đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh và nhất là giá cả chưa cải thiện.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần có giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian tới./.
Bích Hồng