Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường… sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển.
Luật Thủ đô được xây dựng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường… Ảnh minh họa: Phong Cầm.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, TP. Hà Nội thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong số đó, có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD, 141 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 242,5 triệu USD, 273 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 544,3 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD.
Hà Nội xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI trong 10 tháng. Dự kiến tháng 11, 12 năm 2023, TP. Hà Nội ước thu hút FDI đạt khoảng 484,8 triệu USD.
Những yếu tố giúp Hà Nội luôn nằm trong top dẫn đầu các tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, không chỉ cho thấy vị thế "đất lành chim đậu", yếu tố chủ quan là Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.
Dự kiến, năm 2024, TP. HN phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD.
Năm 2025, TP. Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Hà Nội đang tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn quy hoạch phát triển Thủ đô tầm nhìn 2030 - 2034, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô.
TP. Hà Nội cũng tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…
Tiếp đến là các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Mới đây, Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND TP. Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đến nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên có 60 dự án đang hoạt động góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, Lãnh đạo Thành phố Hà Nội xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô. Thành phố đặt mục tiêu thu hút 30-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20-30 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2025, định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.
Thành phố sẽ hoàn thiện lại quy hoạch, trên cơ sở đó, lập các danh mục để thu hút đầu tư cho từng địa bàn, các lĩnh vực và cho các sản phẩm, để chọn lọc các dự án có sử dụng công nghệ cao, từ đó ban hành các kế hoạch, các chương trình, các cơ chế, chính sách để thu hút các dự án.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng khẳng định, TP. Hà Nội sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư; bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định; đảm bảo cung ứng thiết yếu (điện, nước, logistics), đẩy mạnh phát triển hạ tầng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa.
Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.
Đặc biệt, Luật Thủ đô được xây dựng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường… sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển.
Thục Anh