• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,95 +8,42/+0,68%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 10:25:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,95   +8,42/+0,68%  |   HNX-INDEX   221,53   +0,86/+0,39%  |   UPCOM-INDEX   93,32   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.320,79   +11,07/+0,85%  |   HNX30   460,59   +1,58/+0,35%
23 Tháng Giêng 2025 10:33:21 SA - Mở cửa
Bàn về “vũ khí hóa” nghị sự chống khủng hoảng khí hậu và sinh thái: Rủi ro, thực tế và hậu quả
Nguồn tin: Kinh tế và Dự báo | 28/11/2023 7:00:00 CH
Trong những năm gần đây, tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, từ một vấn đề thuần túy về môi trường, nó đã trở thành một thách thức chính trị - xã hội phức tạp. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu cho rằng tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với an ninh quốc tế có thể mang tính lịch sử, thách thức hơn những mối đe dọa toàn cầu trước đây như phổ biến vũ khí hạt nhân, Đại suy thoái và khủng bố (1).
 
1. Về ý niệm “vũ khí hóa” biến đổi khí hậu
 
Theo ước tính của Swiss Re, biến đổi khí hậu toàn cầu có khả năng làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu trong khoảng 11–14%, tương đương ~23 nghìn tỷ USD vào năm 2050 (2). Trong khi nền kinh tế của các quốc gia giàu có như Mỹ được ước tính chỉ suy giảm 7%, thì các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với sự tàn phá nặng nề hơn nhiều, với mức độ suy giảm khoảng 20% hoặc có một số trường hợp phải chịu suy giảm tới 40% sản lượng kinh tế do họ dễ bị tổn thương hơn trước các hậu quả của biến đổi khí hậu (3, 4).
 
Ngay cả tính toán thiệt hại kinh tế nghe khổng lồ như thế, nhưng bây giờ đã bị giới phân tích khoa học thực thụ chỉ ra đó vẫn chỉ là những ước lượng thiển cận, còn xa mới phản ánh được tai họa thực sự Trái Đất phải gánh chịu (5). Hai báo cáo gần đây của cơ quan chuyên môn thẩm định rủi ro của Vương quốc Anh (IFA) và tổ chức Carbon Tracker đã cho thấy các mô hình kinh tế học chính thống đã liên tục đánh giá thấp thiệt hại kinh tế gây ra bởi biến đổi khí hậu khi không cân nhắc đến các điểm tới hạn sinh thái (tipping points), sự thay đổi lượng mưa (ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, như lũ lụt, hạn hán), và sử dụng các “giả định cực kỳ không hợp lý” (v.d., họ cho rằng các công việc trong nhà thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu). Nhà kinh tế học Steve Keen (ĐH College London) cho rằng đây là kết quả của việc các tạp chí kinh tế học chấp nhận “các sản phẩm cẩu thả” vì nó phù hợp với tính chính thống của kinh tế học và giúp “xác nhận những gì các nhà kinh tế mong muốn tin tưởng” (6). Thật vậy, tính toán kinh tế là một thứ vũ khí truyền thông rất hay được sử dụng, có tác dụng “tầm thường hóa” sự diệt vong của sự sống bằng cách quy đổi ra lượng tiền giấy in ra của các ngân hàng trung ương. (Chúng ta đều biết sự sống khi diệt vong thì không thể phục hồi, nhưng lượng cung tiền vẫn có thể tiếp tục tăng, thậm chí không giới hạn.) Sự “tầm thường hóa” này góp phần gây phân hóa sâu sắc hơn trong các tranh cãi và làm suy giảm độ tin cậy của khoa học khí hậu.
 
Chính vì sự phụ thuộc mang tính sống còn của con người và xã hội vào môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên, các vấn đề liên quan đến môi trường và sinh thái từ lâu đã là nguồn cơn của nhiều cuộc xung đột trên thế giới. Các nhà khoa học xã hội từ lâu đã quan sát được mối liên hệ dai dẳng và rộng khắp giữa tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên đảm bảo sự sống và các cuộc xung đột địa phương và giữa các quốc gia (7, 8). Việc thiếu hụt nguồn cung cấp nước ngọt trong lịch sử thường xuyên được vũ khí hóa cho các cuộc mâu thuẫn để đạt được các lợi thế chiến lược, vật chất hoặc tinh thần trước đối thủ, như ở Trung Đông và Châu Phi. Khi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các tình trạng khan hiếm này thì các cuộc xung đột có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, và ở quy mô lớn hơn, thậm chí là toàn cầu. Ví dụ như tình trạng gia tăng căng thẳng về nước do biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các khu vực khô hạn và bán khô hạn, sẽ tạo ra nhiều vấn đề và mâu thuẫn liên quan đến nguồn nước, chất lượng nước, và khả năng tiếp cận nước (9, 10).
 
Để tránh tạo ra và làm trầm trọng hơn các cuộc khủng hoảng và mâu thuẫn xoay quanh thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên gây ra bởi biến đổi khí hậu, nỗ lực chung toàn cầu để làm chậm và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trở nên cấp thiết. Trong khi cộng đồng khoa học phần lớn đã đạt được sự đồng thuận về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, và nguyên nhân biến đổi khí hậu từ phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người (11-13), phương cách các quốc gia và tổ chức chính trị ứng phó với khủng hoảng khí hậu lại đang chứa đựng nhiều khác biệt đáng kể. Những khác biệt này xuất phát từ thực tế là một phần xã hội vẫn còn hoài nghi hoặc phủ nhận hoàn toàn thực tế về biến đổi khí hậu (14). Những người phủ nhận biến đổi khí hậu thường bác bỏ bằng chứng khoa học hoặc nghi ngờ những kết luận khoa học mà cơ sở lập luận hay dữ liệu chưa đủ vững vàng. Một số khác dù có thể tin vào thực tế biến đổi khí hậu, nhưng lại cho rằng con người không phải là tác nhân chính, nên không đồng thuận với các nỗ lực làm ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng khí hậu (14).
 
Định nghĩa sơ khởi về hiện tượng “vũ khí hóa” nghị sự chống khủng hoảng khí hậu và môi trường
 
Bối cảnh phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro xung đột đã thúc đẩy chúng tôi đi đến một định nghĩa về hiện tượng “vũ khí hóa” nghị sự chống khủng hoảng khí hậu và môi trường dưới đây:
 
“Vũ khí hóa chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, bền vững môi sinh là một hệ thống chủ trương, hành động (bao gồm cả tuyên truyền) đề cập đến việc sử dụng chiến lược chính sách khí hậu như các biện pháp, công cụ để đạt được lợi ích chính trị, kinh tế hoặc địa chính trị, với ưu thế thuộc về bên có quyền chủ động áp đặt nghị sự. Hiện tượng này có khả năng dẫn tới một mức độ sai lệch đáng kể so với lý tưởng về hành động toàn cầu hợp tác, dựa trên cơ sở khoa học nhằm chống lại mối đe dọa chung đối với nhân loại.”
 
Quá trình “vũ khí hóa” góp phần tạo ra không gian thúc đẩy sự đối kháng, tranh chấp quyền lực, vị thế và tiềm tàng ẩn chứa rủi ro xung đột kéo dài, gây tổn hại cho chính nỗ lực khắc chế tổn thất và những đe dọa sống còn với sự sống hành tinh.
 
Những rủi ro cố hữu và hậu quả tiềm tàng của chiến lược “vũ khí hóa” rất khó lường và gây tác động nhiều mặt. Chính trị hóa biến đổi khí hậu có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu, truyền bá thông tin sai lệch và cản trở những nỗ lực thực sự nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Bài viết này nhằm mục đích giải thích sự phức tạp của việc vũ khí hóa chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, tìm hiểu những tác động của nó đối với quan hệ quốc tế, chính trị, nhận thức của công chúng và tính toàn vẹn chung của hành động vì khí hậu. Thông qua nỗ lực này, bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cách tiếp cận toàn cầu, thống nhất, có cơ sở khoa học đối với một trong những thách thức cấp bách nhất của thời đại chúng ta, và đặc biệt là tầm quan trọng của một hệ văn hóa mới có khả năng gây dựng các nghị sự và hành động hướng tới thặng dư giá trị sinh thái bền vững.
 
2. Thực tế diễn biến quá trình “vũ khí hóa”
 
Trên thực tế, nếu xem xét kỹ các chính thể có thể thấy nhiều dấu hiệu cho thấy nghị sự về biến đổi khí hậu đã và đang được vũ khí hóa ở nhiều mức độ khác nhau, từ phạm vi quốc tế giữa các quốc gia đến phạm vi trong nước giữa các đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo... (15-17).
 
Một số quốc gia đã bị cáo buộc sử dụng lý do chống biến đổi khí hậu như là cớ để chiếm ưu thế địa chính trị. Xin lưu ý, những cáo buộc với động cơ vũ khí hóa thông tin nhiều khi không có căn cứ xác thực và có nhiều phần suy diễn, áp đặt ý chí. Năm 2019, Trung Quốc bị cáo buộc lợi dụng biến đổi khí hậu làm cái cớ để mở rộng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực (18). Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi Quốc hội, “Sự phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2019,” nêu rằng “nghiên cứu dân sự có thể hỗ trợ sự hiện diện quân sự của Trung Quốc được tăng cường ở Bắc Băng Dương, có thể bao gồm việc triển khai các tàu ngầm tới khu vực như một biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân” (19). Bên cạnh đó, bên cáo buộc có thể sử dụng tiến bộ của mình trong các sáng kiến môi trường như một phương tiện để khẳng định vai trò lãnh đạo về mặt đạo đức hoặc công nghệ, gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác hoặc giành được lợi thế trên các diễn đàn toàn cầu.
 
Các mục tiêu làm giảm biến đổi khí hậu đôi khi cũng được các quốc gia sử dụng như lý do để tạo ra các lợi thế về kinh tế, thông qua việc thực thi các quy định nghiêm ngặt về môi trường, để áp đặt các rào cản thương mại hoặc gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), một siêu vũ khí khí hậu mới đầy sáng tạo và gây tranh cãi. CBAM, một biến thể của thuế biên giới carbon, cho phép EU áp dụng các khoản phí bổ sung nhằm khiến các đối tác thương mại tuân theo sự dẫn dắt của EU và nghiêm túc hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh những người ủng hộ cho rằng sáng kiến này là cần thiết, thì nó cũng vấp phải sự phản đối và đe dọa khiếu nại. Những người chỉ trích cho rằng, EU đang biến nghị sự biến đổi khí hậu thành một thứ vũ khí tài chính. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết trong hội nghị khí hậu COP26 năm 2021 rằng các kế hoạch tiên phong của EU về giảm lượng khí thải carbon có thể được sử dụng “gần như như một vũ khí thương mại” (20).
 
Biến đổi khí hậu còn bị gắn liền với đảng phái chính trị và được sử dụng như một nghị sự tranh cử, dẫn đến những chia rẽ sâu sắc về quan điểm biến đổi khí hậu giữa các đảng phái chính trị tại nhiều quốc gia (21). Các nghiên cứu của Pew Research Center đối với các nền kinh tế lớn thế giới cho thấy quan điểm về biến đổi khí hậu có sự khác biệt sâu sắc giữa các đảng chính trị lớn tại các quốc gia này. Đơn cử như ở Canada, Đức và Anh, những người theo các đảng bảo thủ cũng ít có khả năng tin rằng họ sẽ bị tổn hại do biến đổi khí hậu hơn nhiều so với những người theo các đảng tự do hoặc đảng xanh. Và ở Canada và Úc, những người ủng hộ các đảng bảo thủ có ít khả năng nghĩ rằng các nước giàu nên làm nhiều hơn các nước đang phát triển để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, ở Đức, những người theo Đảng Xanh cho rằng các nước giàu nên làm nhiều hơn cho nghị sự biến đổi khí hậu hơn những người thuộc cả Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo/Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo cánh hữu và Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả (22).
 
Không nơi nào mà sự chia rẽ đảng phái về vấn đề biến đổi khí hậu lại có khả năng gây ra nhiều hậu quả cho các nỗ lực quốc tế nhằm làm chậm sự nóng lên toàn cầu hơn ở Hoa Kỳ. Sự chênh lệch giữa các đảng phái tại quốc gia này rất rõ ràng, với 68% đảng Dân chủ quan tâm nhiều hơn tới biến đổi khí hậu so với tỷ lệ 20% của đảng Cộng hòa, tạo ra khoảng cách 48 điểm phần trăm. Phần lớn đảng viên Dân chủ (82%) cũng sẵn sàng hỗ trợ chính phủ trong việc giảm lượng khí thải CO2, trong khi chỉ có 50% cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ, tạo ra khoảng cách 32 điểm phần trăm (21).
 
 
Sự chia rẽ đảng phái về vấn đề biến đổi khí hậu tại Úc, Canada, Đức, và Anh (22)
 
 
Sự chênh lệch nhận thức rõ rệt trong các đảng phái về vấn đề biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho việc chính trị hóa (23). Các chính trị gia có thể khai thác các vấn đề về biến đổi khí hậu để tập hợp sự ủng hộ, sử dụng nó như một công cụ để củng cố cơ sở của họ hoặc chỉ trích đối thủ, thường không có cam kết thực sự về các vấn đề môi trường. Trong khi đảng Dân chủ thường sử dụng biến đổi khí hậu làm một phần của chiến dịch tranh cử để thu hút phiếu bầu, thì đảng Cộng hòa lại thường chỉ trích các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và đặt ưu tiên cho sự phát triển kinh tế, hay gia tăng sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp Hoa Kỳ (24).
 
Ngoài những cách “vũ khí hóa” được liệt kê ở trên, còn có những cách khác mà các vấn đề xung quanh biến đổi khí hậu có thể được vũ khí hóa. Ví dụ, một quốc gia có thể sử dụng chiến tranh thông tin để truyền bá thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu hoặc gây bất hòa giữa các quốc gia đang cùng nhau giải quyết vấn đề, đặc biệt là khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên khan hiếm, mất ổn định, và khó lường do biến đổi khí hậu. Trên bình diện khoa học, nơi tưởng chừng như sự thống nhất và quan điểm chia sẻ sứ mệnh chung cứu khí hậu Trái Đất không còn gì phải thắc mắc, thì sự “độc quyền” trong tiếng nói, ảnh hưởng lợi ích quốc gia lên nghị sự, vẫn đang là sự tồn tại nhức nhối và phổ biến (25).
 
3. Những rủi ro tiềm ẩn
 
Vũ khí hóa biến đổi khí hậu vượt xa những bất đồng chính trị đơn thuần về chính sách môi trường. Nó liên quan đến việc cố ý sử dụng biến đổi khí hậu như một tài nguyên chiến lược hoặc một con bài mặc cả trong quan hệ quốc tế, đàm phán thương mại hoặc các cuộc chiến chính trị nội bộ. Trong bối cảnh này, các chính sách về biến đổi khí hậu không chủ yếu được thúc đẩy bởi các mối quan tâm về tính bền vững của môi trường, mà thay vào đó được sử dụng để phục vụ các chương trình nghị sự chính trị hoặc kinh tế khác, thường không liên quan. Việc vũ khí hóa chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, trong khi phục vụ một số lợi ích chính trị hoặc kinh tế trước mắt, có thể dẫn đến một loạt rủi ro và hậu quả bất lợi cho sự phát triển bền vững. Những rủi ro và hậu quả này vượt ra ngoài phạm vi chính sách môi trường, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng quản trị an ninh toàn cầu, sự ổn định kinh tế và công bằng xã hội. Những vũ khí như vậy đa phần đều tạo ra sự phản kháng thay vì hợp tác, đồng thuận và làm xói mòn niềm tin của cộng đồng.
 
Trong quá trình vũ khí hóa biến đổi khí hậu, ranh giới giữa mối quan tâm thực sự về môi trường và hoạt động chiến lược trở nên mờ nhạt. Sự mờ nhạt này đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính xác thực và xác đáng của các hành động được thực hiện dưới chiêu bài giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nó cũng tạo ra những thách thức trong việc phân biệt những nỗ lực thực sự về môi trường với những nỗ lực được thúc đẩy bởi những động cơ khác được che giấu kỹ dưới vỏ bọc môi trường (15). Sự khó phân biệt này dễ tạo ra các phản ứng đề phòng, chống lại, hoặc thậm trí trả đũa từ các quốc gia hay đảng phái đối lập. Nó tương tự như việc phát triển một loại vũ khí mới (như tên lửa, v.v.). Khi phát hiện ra một loại tên lửa mới và cảm nhận được rủi ro và đe dọa từ nó, phe đối lập sẽ cố gắng phát triển loại vũ khí có khả năng khắc chế, chống lại, thậm chí chủ trương “tấn công phủ đầu” (theo triết lý “tiên hạ thủ vi cường”). Cách tiếp cận tương tự áp dụng cho việc sử dụng biến đổi khí hậu như một công cụ chiến lược: thay vì khuyến khích sự thích nghi và chung tay tham gia vào nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, các vũ khí này lại tạo ra sự phản kháng không mong muốn, như sự phủ nhận biến đổi khí hậu.
 
Ngoài ra, khi biến đổi khí hậu bị vũ khí hóa cho các mục tiêu chính trị, nó sẽ dễ dẫn đến các quyết sách mang tính cận thị và không có các cân nhắc kỹ lưỡng về mặt hiệu quả thực tế, dẫn đến rủi ro làm sâu sắc hơn các vấn đề bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Thomas và Warner đã chỉ ra rằng các giải pháp tỏ vẻ thích ứng và chống lại biến đổi khí hậu chỉ làm sâu sắc hơn sự dễ bị tổn thương của nhóm người có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, các quyết sách “tỏ vẻ” đấy lại tiếp tục sử dụng các nguồn lực chống biến đổi khí hậu để củng cố phúc lợi của những người đã có đủ điều kiện để ứng phó với các mối đe dọa khí hậu, cụ thể là các nhóm dân cư giàu có và có quan hệ chính trị ở cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu (15). Ngoài ra, lợi dụng khai thác sự khan hiếm tài nguyên hoặc sự di dời người dân do biến đổi khí hậu để giành quyền kiểm soát lãnh thổ hoặc thị trường có thể dẫn đến rủi ro xung đột vũ trang (26). Trong một bài báo năm 2019, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng có thể sẽ làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang và bạo lực trong các quốc gia trong tương lai, ước tính rằng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng từ 3% đến 20% nguy cơ xung đột vũ trang trong thế kỷ qua. Nghiên cứu cũng cho thấy nếu tỷ lệ phát thải toàn cầu không giảm thì nguy cơ bạo lực do khí hậu gây ra sẽ tăng gấp 5 lần (27).
 
Hiện nay, việc vũ khí hóa biến đổi khí hậu, mặc dù chủ yếu là ở trên mặt trận ý tưởng, chính trị, và tâm lý (28), có thể dễ dàng tạo ra các tiền lệ xấu, dẫn đến xung đột vũ trang và rủi ro an ninh toàn cầu trong tương lai, ngay cả khi các quốc gia và đảng phái đã đạt được sự đồng thuận về chống biến đổi khí hậu. Khi các hậu quả về biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn và không thể chối cãi, các quốc gia và đảng phái chính trị sẽ càng nhận rõ tầm quan trọng mang tính tồn vong của các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Điều này làm tăng tính phụ thuộc vào các công nghệ khí hậu và tài nguyên năng lượng sạch, bao gồm các giải pháp giảm phát thải và địa kỹ thuật mặt trời (solar geoengineering), cho nhu cầu sinh tồn và phát triển bền vững. Tiền lệ từ việc vũ khí hóa biến đổi khí hậu hiện tại sẽ là động lực để các quốc gia hay các đảng phái chính trị tiếp tục sử dụng các công nghệ khí hậu và tài nguyên năng lượng sạch như vũ khí để đạt được các lợi thế chiến lược so với đối thủ trong tương lai. Như thế, nó không chỉ làm giảm đáng kể hiệu quả các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, mà còn có khả năng làm leo thang căng thẳng và dẫn đến chiến tranh theo đúng nghĩa đen là xung đột vũ trang (29), do khi đấy mục tiêu chống biến đổi khí hậu có thể đã được xem là nhiệm vụ sống còn của mỗi quốc gia và đảng phái chính trị, chứ không còn là một trong những nghị sự quan trọng cần lưu ý nữa. Trong khoảng thời gian vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ đã và đang huy động các diễn ngôn địa chính trị để vũ khí hóa thiên nhiên thông qua việc sản xuất nhiên liệu sinh học tiên tiến (30). Những loại nhiên liệu mới này nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cho phép các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ thích nghi với các điều kiện khí hậu và địa chính trị đang thay đổi.
 
4. Những hậu quả quan sát được
 
Việc một số nước phát triển đẩy mạnh nghị sự biến đổi khí hậu như một công cụ tài chính và ép buộc các nước khác tuân thủ làm khắc sâu khoảng cách giữa các quốc gia trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Tháng 9 năm 2023, trong bài phát biểu của mình, tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đặt sự bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu vào trung tâm Cuộc tranh luận chung thường niên của Liên hợp quốc tại New York, than thở rằng cộng đồng quốc tế đã “làm tê liệt” trách nhiệm chăm sóc người nghèo trên thế giới (31). Điều này từ lâu đã được giới khoa học cảnh báo (32, 33): “Các chính sách giảm thiểu và thích ứng [đối với biến đổi khí hậu], nếu triển khai kém hiệu quả, sẽ làm trầm trọng thêm sự bất cân xứng về quyền lực và bỏ rơi các cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua việc khuếch đại các loại bất an và khó khăn của họ.”
 
Ý tưởng của việc đánh thuế Carbon (CBAM) đã thúc đẩy một số chính phủ bắt đầu phát triển hệ thống riêng của họ để tránh các biện pháp chống phá giá khí hậu, trong khi những chính phủ khác đã phản đối và đe dọa khiếu nại ở cấp cao (34). Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới, đã coi CBAM như một rào cản thương mại, mặc dù nước này cũng đang có kế hoạch mở rộng thị trường giao dịch khí thải của riêng họ (35). Nga, quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ hai tới EU, cho biết cơ chế này có thể dẫn đến tăng giá cho các mặt hàng quan trọng như thép cuộn và nhôm, dù xuất khẩu của họ sang khối này đã giảm do cuộc xung đột ở Ukraine. Ngay cả chính phủ Mỹ cũng có sự hoài nghi đối với ý tưởng này. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu, dưới sự lãnh đạo của Pháp, chỉ trích nền tảng của chương trình xanh của Washington – một gói trợ cấp cho các khoản đầu tư xanh mà các quan chức EU cho rằng có thể vi phạm các quy tắc cạnh tranh của WTO. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã lo ngại rằng Luật Giảm Lạm phát (IRA) của Tổng thống Biden phân biệt đối xử trong cách xử lý các công ty xuất khẩu sang Mỹ, dẫn đến nguy cơ mất việc làm và đóng cửa các nhà máy trong lĩnh vực công nghệ xanh quan trọng của họ, dẫn tới việc EU bị lệ thuộc vào nhập khẩu công nghệ xanh, trong khi có thể những phát kiến lại đến từ chính EU.
 
Việc chính trị hóa sâu sắc vấn đề biến đổi khí hậu trong nội bộ nền chính trị Mỹ cũng có thể cản trở đáng kể chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu không chỉ ở Mỹ, mà còn ở quy mô toàn cầu (36). Khi đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ đề xuất luật chống biến đổi khí hậu như một phần trong cương lĩnh tranh cử của họ và dùng biến đổi khí hậu như một dạng vũ khí tấn công các chính sách của Đảng Cộng hòa, thì biến đổi khí hậu sẽ trở thành mục tiêu cho đảng Cộng hòa tập trung “phá hủy”. Vì thế, Đảng Cộng hòa thường sẽ cố gắng phủ nhận và cực đoan hóa các quan điểm phủ nhận biến đổi khí hậu và cho rằng việc chống biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Đảng Dân chủ không thể nắm quyền lực mãi, do đó các chính sách về môi trường sẽ đối diện rủi ro bị bãi bỏ hoặc vô hiệu hóa một phần hay toàn phần khi đảng Cộng hòa trở lại nắm quyền. Trong tình trạng xung đột chính sách cực đoan như thế, thì việc tìm kiếm tiếng nói chung sẽ trở nên ngày càng khó khăn. “Vũ khí hóa” nghị sự môi trường trong tranh chấp vị thế chính trị đảng phái khiến cho sự đồng thuận chính trị về các chính sách môi trường trở nên khó khăn. Kết quả là nghị sự tối quan trọng lại không có sự nhất quán, mất đi tính ổn định và có độ tin cậy thấp trong đánh giá của cộng đồng quốc tế: “sớm nở tối tàn”.
 
Ví dụ đã lần lượt xuất hiện ở quốc gia lớn có tầm ảnh hưởng bậc nhất với cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu: Hoa Kỳ. Một trong những hành động đầu tiên Tổng thống Joe Biden đưa ra khi vừa nhậm chức là đóng cửa đường ống dẫn dầu KeystoneXL từ Canada và hạn chế khai thác dầu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Quyết định này được các nhà môi trường ca ngợi là một bước quan trọng hướng tới việc hạn chế phát thải khí nhà kính liên quan đến việc khai thác và chế biến dầu từ cát hắc ín (37). Đối lập với chủ trương chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden, gần đây dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện, Mike Johnson, Chủ tịch Hạ viện mới được bầu, đã thông qua kế hoạch cắt giảm khoảng 40% nguồn tài trợ của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) (38). Bên cạnh việc cắt giảm ngân sách EPA, các dự luật của Đảng Cộng hòa cũng đề xuất loại bỏ khỏi luật, thuế và cải cách chăm sóc sức khỏe một số quy định liên quan đến biến đổi khí hậu đã được Đảng Dân chủ thông qua vào năm ngoái (38). Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trước đấy đã đặt câu hỏi về tính khoa học đằng sau biến đổi khí hậu, phản đối các nỗ lực sử dụng năng lượng sạch và nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ ngành dầu mỏ, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong năm ngoái (39).
 
Trong năm 2023, một chính trị gia Cộng hòa khác, Thống đốc Florida, Ron DeSantis, đã cố gắng tỏ ra cực đoan hơn cả Cựu Tổng thống Donald Trump, khi ông từ chối tất cả những khoản đầu tư, tài trợ lớn mà việc nhận nó đồng nghĩa với công nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu do hoạt động kinh tế-xã hội của con người gây ra. Ví dụ như trợ cấp liên bang trị giá 5 triệu USD để xây dựng chương trình hỗ trợ tiền cho cư dân bị ảnh hưởng muốn trang bị thêm các thiết bị đồ dùng gia đình giúp hạn chế tổn thất năng lượng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Florida sẽ không thể tiếp cận nguồn tài chính 341 triệu USD cho cư dân, liên quan tới Luật Giảm Lạm phát (IRA). DeSantis cũng từ chối luôn 3 triệu USD quỹ IRA hỗ trợ chống ô nhiễm, cũng như chương trình “Solar for All” (Điện mặt trời cho tất cả) giúp người nghèo nhận được các tấm pin mặt trời. Đây cũng là chương trình trọng điểm của chính sách chống khủng hoảng khí hậu của Tổng thống Biden. Chính vì sự cực đoan này mà người dân Florida phải đối mặt với sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão Idalia 2023, cơn bão có liên hệ trực tiếp với biến đổi khí hậu, mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ Liên bang (40).
 
Ở phạm vi quốc tế, Cựu Tổng thống Donald Trump, vào ngày 1/6/2017, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ ngừng mọi hoạt động tham gia vào Thỏa thuận Paris 2015 về giảm thiểu biến đổi khí hậu vì ông cho rằng thỏa thuận này sẽ “làm suy yếu” nền kinh tế Hoa Kỳ và khiến nền kinh tế Hoa Kỳ bị đặt ở “thế bất lợi vĩnh viễn” (41). Quyết định này bao gồm cả việc chấm dứt khoản tài trợ trị giá 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh, được Cựu Tổng thống Barack Obama, thuộc Đảng Dân chủ, cam kết đóng góp năm 2016. Năm 2021, chính quyền Tổng thống Biden đã tái gia nhập Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã phản đối nỗ lực của chính quyền Biden trong việc thực thi Thỏa thuận Paris (42). Chính vì sự thiếu nhất quán và tin cậy của các cam kết khí hậu, do bị vũ khí hóa cho mục tiêu chính trị, các nỗ lực và sự hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu đã bị suy yếu đáng kể (43).
 
Bởi vì sự bất ổn và thiếu tin cậy về các cam kết khí hậu ở Hoa Kỳ mà giới khoa học, những người hiểu rất rõ về những thảm họa có thể xảy ra nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn và giảm thiểu kịp thời, đã bị lôi kéo vào vòng xoáy tranh chấp chính trị. Điều này tạo ra dấu hiệu giới khoa học đang đánh mất đi sự trung lập và khách quan chính trị của mình. Cụ thể là trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống của Tổng thống Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump năm 2020, Nature và Science, đã công khai thể hiện sự ủng hộ cho Tổng thống Joe Biden (44, 45). Khi đấy, giới khoa học đã tự biến một phần sức mạnh và uy tín khoa học thành vũ khí, trong đó, cốt lõi là khoa học khí hậu. Điều này vô hình chung đã tạo cho khoa học hình ảnh của một nhóm lợi ích, hưởng thụ vị thế chính trị của một đảng phái chính trị đang thắng thế. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, Đảng Dân chủ sẽ không thể mãi nắm quyền. Vì thế, chuyện giới khoa học bị tước đi các vị thế và tài nguyên khi Đảng Cộng hòa quay lại nắm quyền cũng là điều dễ hiểu (v.d. Chủ tịch Hạ viện mới của Hoa kỳ vừa đồng ý cắt gần 40% nguồn tài trợ cho EPA, gây phản ứng gay gắt trong cộng đồng khoa học) (38). Vào khoảng thời gian Cựu Tổng thống Trump còn đang đương nhiệm, ông thậm chí còn yêu cầu EPA xóa bỏ trang web về biến đổi khí hậu, chứa các liên kết đến nghiên cứu khoa học về hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như dữ liệu chi tiết về lượng khí thải (46). Vì thế, việc các chính trị gia phương Tây ưa thích tấn công khoa học vì lợi ích đảng phái cũng có thể xem như là một hậu quả của việc “vũ khí hóa” khoa học cho các cuộc tranh đấu chính trị (47).
 
Hơn thế nữa, giới khoa học cũng phải đối mặt với sự sụt giảm niềm tin nghiêm trọng của người dân đối với khoa học. Nghiên cứu của Zhang (48) mới đây đã cho thấy việc đánh mất đi sự trung lập và khách quan với lợi ích đảng phái chính trị đã góp phần làm suy giảm niềm tin của một lượng không nhỏ cử tri, nhất là trong số những người ủng hộ Cựu Tổng thống Trump. Sự suy giảm này không chỉ xảy ra đối với một tạp chí khoa học như Nature mà còn lây lan rộng ra đối với các nhà khoa học nói chung. Theo khảo sát gần đây của Pew Research Center, niềm tin vào ảnh hưởng tích cực của khoa học đối với xã hội và niềm tin vào các nhà khoa học của người dân Mỹ đã bị sụt giảm mạnh (49). Cụ thể, so với năm 2016, số người tin rằng khoa học có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội đã giảm 10%, từ 67% xuống còn 57%, trong khi số người tin rằng khoa học có ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội đã tăng gấp đôi từ 4% lên 8%. Hơn 1/4 số người được hỏi cho biết họ không quá tin tưởng hoặc không tin tưởng vào việc các nhà khoa học sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất của người dân, tăng từ mức 12% vào tháng 4 năm 2020. Sự suy giảm niềm tin diễn ra ở cả hai đảng, nhưng trầm trọng nhất đối với người dân thuộc Đảng Cộng hòa, khi gần 40% không quá tin tưởng hoặc không tin tưởng vào việc các nhà khoa học sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất của người dân. Với sự sụt giảm niềm tin nghiêm trọng như thế, thật khó để giới khoa học có thể chờ mong sự hưởng ứng và đồng lòng từ người dân trong công cuộc chống biến đổi khí hậu dựa trên các thông tin khoa học.
 
Việc giới khoa học bất cẩn công khai chọn phe và khiến cho một phần của khoa học bị vũ khí hóa trong chính trị có thể là do “giới tinh hoa” của cộng đồng khoa học (bao gồm các tạp chí uy tín lâu đời) đã có phần hơi thiếu sự tỉnh táo cũng như tự đề cao ảnh hưởng của học giới tới quan điểm xã hội. Do đó, giới học giả “elite” đã tự cho mình quyền xa rời tính trung lập để công khai thể hiện sự ủng hộ một phe phái chính trị. Nhưng cuối cùng, có vẻ chính họ cũng đã phần nào nhận thấy sai lầm. Sau khi nghiên cứu về sự sụt giảm niềm tin vào khoa học của Zhang (47) được công bố, Nature cũng đã ngay lập tức có một bài đăng cố gắng biện bạch lý do vì sao họ lại công khai tham gia ủng hộ Tổng thống Biden (50). Tuy vậy, hiệu quả của nỗ lực đó có thể rất bé so với tổn thất có lẽ đã xảy ra rồi. Lẽ ra, các tạp chí khoa học nên khiêm tốn và dè dặt hơn khi sử dụng quyền lực thông tin, quyền phát ngôn của mình, để tránh trở thành một vũ khí mang tính đảng phái trong hệ thống vũ khí chính trị (51), giống như châm ngôn có từ xa xưa: Quyền năng lớn thì trách nhiệm đi kèm càng lớn (Great power comes with great responsibility). Một nghị sự môi trường và biến đổi khí hậu vì sự tồn vong của Trái Đất và nhân loại sẽ thuyết phục và mang lại ích lợi toàn thể vượt trội so với việc trợ giúp chiến thắng của đảng Dân chủ trước phe Cộng hòa.
 
5. Sự cần thiết của cách tiếp cận mang tính toàn cầu, đa phương và hợp tác
 
Trong bối cảnh hiện nay, chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu đã và đang được các quốc gia và đảng phái chính trị vận dụng như một dạng vũ khí được phối hợp sử dụng với các chiến lược chính trị, kinh tế, và địa chính trị. Các trường hợp và ví dụ được thảo luận nhấn mạnh thực tế rằng chính sách khí hậu có thể được sử dụng như một công cụ cho nhiều mục đích khác nhau, đôi khi đi chệch khỏi mục đích chính là bảo vệ môi trường. Hiện tượng này làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về tính hiệu quả và tính toàn vẹn của các nỗ lực khí hậu toàn cầu.
 
Nếu quá trình vũ khí hóa nghị sự về biến đổi khí hậu tiếp tục, thì việc đạt được sự đồng thuận chung và hợp tác chống biến đổi khí hậu sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, do bất đồng và xung đột ý thức gia tăng, kéo theo đấy là sự sụt giảm niềm tin vào khoa học. Vì thế, điểm mấu chốt có thể rút ra từ cuộc thảo luận này là sự cần thiết phải có một cách tiếp cận cân bằng, đa chiều, và duy trì được sự tập trung vào mục tiêu chính: giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên bằng chứng khoa học và hợp tác toàn cầu. Đồng thời, việc thừa nhận và giải quyết sự phức tạp trong cách chính sách khí hậu giao thoa với các lĩnh vực khác là điều cần thiết để đảm bảo rằng những nỗ lực này không phản tác dụng.
 
Để đạt được điều này, có lẽ chúng ta sẽ cần xây dựng một hệ thống giá trị văn hóa khác (52, 53). Một hệ thống giá trị văn hóa xem bảo vệ và tôn tạo môi trường, môi sinh là điều kiện tiên quyết để đảm bảo lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội, và địa chính trị chứ không phải xem môi trường tách bạch với các lợi ích về kinh tế, chính trị, và xã hội, và dùng nó để “đổi chác” với các lợi ích khác.
 
Vậy khả năng xây dựng một hệ thống văn hóa như thế có thực tế không? Chúng tôi nghĩ là có, vì môi trường bền vững là nền tảng cho sự vận hành của xã hội, cũng như các hoạt động kinh tế, chính trị, và văn hóa. Nếu sự cân bằng hiện tại của hệ sinh thái Trái Đất bị phá vỡ thì nền tảng cho sự vận hành xã hội loài người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, rạn nứt nghiêm trọng, thậm chí là sụp đổ (54,55). Vì vậy, mặc dù tồn tại nhiều sự khác biệt giữa hệ giá trị văn hóa của các quốc gia, tổ chức, tập thể, và cá nhân, nhưng đứng trước nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong thì sự đồng thuận vẫn có thể sẽ xuất hiện.
 
Việc hạn chế vũ khí hóa nghị sự khí hậu cũng đồng nghĩa với tăng cơ hội đồng thuận, nhất quán trên cơ sở giá trị thông tin khoa học đáng tin cậy, nguyên lý tôn trọng ý kiến khác biệt giữa các bên, củng cố hòa bình và giá trị lương tri thời đại. Đây cũng chính là cơ sở của những kết quả tiến bộ bền vững, có khả năng kiểm soát của nhân loại./.