Tại cuộc họp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 diễn ra sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khối lượng giải ngân của thời gian còn lại của năm 2023 là khá lớn, khoảng 247 ngàn tỉ đồng. Do đó, ông yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao.
Những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa được như mong muốn là do khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư còn phức tạp; một số quy định còn chồng chéo… Ảnh minh hoạ: Trung Chánh
Sáng 27-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ, kết nối trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, theo TTXVN.
Thủ tướng nêu rõ, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với khối lượng giải ngân của thời gian còn lại của năm 2023 là khoảng 247 ngàn tỉ đồng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao.
Trong đó, các bên ưu tiên điều hành những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia như đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng… Ông cũng đề nghị tiếp tục duy trì hoạt động 5 tổ công tác của Chính phủ, duy trì các tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND các tỉnh làm tổ trưởng, để thúc đẩy đầu tư công; kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ, xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ năng ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công; tập trung vào giải phóng mặt bằng, thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công…
Theo TTXVN, 11 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 461 ngàn tỉ đồng, đạt 65,1%, cao hơn so với cùng kỳ là 6,77%. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa được như mong muốn là do khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư còn phức tạp; một số quy định còn chồng chéo, mới được điều chỉnh; công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý đấu thầu, ký hợp đồng bị kéo dài; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực; việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời…
Trúc Đào