Số lượng đơn xin thành lập các quỹ gia đình hay văn phòng gia đình (family office) ở Singapore đã ít lại sau khi chính phủ Singapore phát động chiến dịch chống rửa tiền
Singapore siết luật, số lượng đăng ký mở quỹ giảm
Quỹ gia đình là công ty quản lý gia sản được một gia tộc hay gia đình giàu có lập ra để quản lý tài sản của chính gia đình đó, hoặc công ty làm dịch vụ quản lý tài sản cho các gia tộc kinh doanh giàu có. Theo một số tiêu chí thông thường của các tập đoàn và ngân hàng quản lý tài sản, quỹ gia đình phải quản lý khối tài sản từ 50-100 triệu đô la Mỹ, và có chi phí hoạt động tối thiểu là 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, các quỹ gia đình tại Singapore có quy mô nhỏ hơn nhiều lần các con số trên.
Theo số liệu của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS), số lượng quỹ gia đình ở nước này đã tăng gần ba lần, từ 400 quỹ/văn phòng gia đình trong năm 2020 lên 1.100 quỹ cuối năm 2022. Không có thông tin chi tiết chính thức về quốc gia xuất xứ, nhưng không lại trừ khả năng nguồn tiền để lập quỹ này đến từ các nhân vật siêu giàu của Trung Quốc, những người đang tìm cách đa dạng hóa “quốc tịch” nguồn tài sản của họ.
Tuy vậy, mọi chuyện đã chậm lại từ tháng 8 vừa rồi sau khi cảnh sát Singapore bắt giữ 10 người nước ngoài bị cáo buộc liên quan đến các vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử của đảo quốc. Cảnh sát nói những người này đã tìm cách “tẩy rửa” nguồn tiền bất hợp pháp mà họ đã kiếm được tại Singapore.
Edmund Leow, đối tác cấp cao và người đứng đầu bộ phận thuế của công ty luật Dentons Rodyk tại Singapore, thừa nhận rằng số lượng yêu cầu thành lập quỹ gia đình đã giảm do chính phủ Singapore thắt chặt các quy định kiểm soát vốn. Vị luật sư cũng nói thêm rằng, một số cá nhân siêu giàu lập văn phòng gia đình tại Singapore nhằm có được thẻ thường trú tại đảo quốc. Tuy vậy, chính phủ Singapore đã bác bỏ khả năng này.
Tương tự, Kia Meng Loh, người đồng đứng đầu bộ phận quản lý tài sản gia đình và tài sản ròng cao tại Dentons Rodyk, cũng xác nhận số yêu cầu giảm hẳn. “Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, lúc cao điểm có tuần chúng tôi phải xử lý hai hoặc ba yêu cầu của khách nhưng nay chỉ còn hai ba vụ mỗi tháng. Ngược lại thì chất lượng của khách hàng tiềm năng lại cao hơn, bởi họ tin rằng họ có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong việc mở quỹ gia đình tại Singapore”, Kia Meng Loh cho biết.
Hiện một vài công ty luật Trung Quốc cũng đang xem xét thành lập văn phòng tại Singapore để thu hút giới siêu giàu Trung Quốc. Nhưng các công ty này cũng thận trọng về sự chậm lại của dòng vốn chuyển từ Trung Quốc đến Singapore sau các cuộc điều tra ở đảo quốc sư tử. Người phát ngôn của MAS nói với tờ Nikkei Asia rằng, vẫn tiếp tục nhận được một lượng lớn đơn xin ưu đãi thuế từ các văn phòng gia đình. Nhưng ông nói rằng “quá trình xét đơn đã trở nên lâu hơn, hiện mất khoảng chín tháng để xử lý đơn”.
Dòng tài sản Trung Quốc vẫn chảy về Singapore?
Francis Liu, CEO khu vực châu Á của ngân hàng tư nhân Lombard Odier của Thụy Sĩ, cho biết cuộc điều tra có thể khiến khách hàng thận trọng hơn trong việc mở thêm tài khoản. Thu hút tài sản của Hoa kiều Trung Quốc ở nước ngoài là một phần trọng tâm của ngân hàng tại các thị trường trọng điểm châu Á như Hồng Kông, Singapore hay Tokyo.
Theo Francis Liu, không thể đánh giá tác động của các cuộc điều tra của chính phủ Singapore đối với dòng tài sản đổ vào đảo quốc này “cho đến khi các vụ điều tra kết thúc”. Tuy nhiên, về lâu dài, ông tin rằng các tổ chức tài chính tại Singapore sẽ tiếp tục thu hút các khách hàng toàn cầu đang tìm kiếm sự đa dạng hóa.
Nhiều nhà phân tích vẫn hy vọng rằng dòng tài sản từ Trung Quốc sẽ tiếp tục chảy về Singapore trong tương lai. “Các yếu tố thúc đẩy người giàu Trung Quốc đến Singapore vẫn còn mạnh. Bảo vệ quyền riêng tư và nơi cư trú an toàn vẫn quan trọng đối với tệp khách hàng này”, người đứng đầu khu vực dịch vụ từ thiện của một ngân hàng tư nhân châu Âu khác cho biết.
“Tôi nghĩ động thái này vẫn chưa đến hồi kết thúc”, theo ông Gregory Kallinikos, CEO khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư StoneX Financial đặt trụ sở tại Singapore. “Số tiền từ Trung Quốc đổ vào Singapore là không nước nào sánh kịp. Tôi không nghĩ rằng nhiều người muốn đề cập đến chuyện này. Phía Trung Quốc cũng vậy. Câu hỏi bây giờ là số vốn đó sẽ được triển khai như thế nào? Cơ hội tiếp theo sẽ là gì?”, Kallinikos nhấn mạnh.
Theo giới ngân hàng và luật sư, các yêu cầu lập quỹ gia đình ở Singapore đến từ Trung Quốc là từ các doanh nhân trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ sinh học, vốn cổ phần tư nhân và quỹ phòng hộ.