Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 7,03%, với mức tăng trưởng này xếp thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước và 9/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung...
Thành phố Huế từ góc nhìn trên cao
Chiều 30/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp thường kỳ tháng 11.
Theo thông tin tại cuộc họp, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh này ước đạt 7,03%, chưa đạt kế hoạch đề ra từ 9-10%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,12%; khu vực dịch vụ tăng 8,64%; khu vực nông nghiệp tăng 5,88%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,93%. Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 72.865 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 63,1 triệu đồng (2.680 USD/người), tăng 8,5-9,5% so cùng kỳ.
Mức tăng trưởng này xếp thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước và 9/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 4,7-5,8%).
Về sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của tỉnh này, nông nghiệp chiếm 11,1%, công nghiệp và xây dựng chiếm 32,9%; dịch vụ chiếm 47,6%. Trong đó, Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng mạnh với mức tăng 8,64%; ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, tổng lượng khách du lịch cả năm tăng mạnh ước đạt 3,2 - 3,3 triệu lượt khách, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng chỉ đạt 5,12%; lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 11 tháng của Thừa Thiên Huế ước đạt 28.500 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ; cả năm ước đạt 31.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374,078 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hoạt động trở lại tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
Về thu ngân sách Nhà nước 11 tháng, Thừa Thiên Huế ước đạt 9.217,5 tỷ đồng, bằng 93% dự toán, bằng 71% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 21,6% so với cùng kỳ.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, nếu tính các nguồn vốn đầu tư công khác tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao bổ sung trong năm, thì tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh này đã giao là 8.924,76 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm báo cáo là 5.731 tỷ đồng/8.924,76 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch. Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh hiện cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Tỉnh trên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong 10 tháng đầu năm đạt 92% kế hoạch, xếp thứ 4/63 tỉnh thành cả nước. Dự kiến giải ngân cả năm kế hoạch vốn 2023 giao đầu năm là 5.697,993 tỷ đồng/5.923,257 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh - Lê Thọ)
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex, Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế,...
Về giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2023, ông Phương nhấn mạnh, cần rà soát các dự án đầu tư công, đánh giá mức độ quan trọng các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 10%; đồng thời, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành ngân sách, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Nguyễn Thuấn