• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
01 Tháng Mười Hai 2024 6:38:52 SA - Mở cửa
Tạo ‘bước nhảy’ cho ngành hàng rau quả Việt tiến lên cường quốc xuất khẩu
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 15/12/2023 8:27:20 SA

Trong năm 2024 sắp tới, với góc nhìn lạc quan, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để vươn tới trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều việc phải làm, kể cả việc học hỏi “bước nhảy” từ ngành hàng rau quả ở một số quốc gia tiên tiến cũng là cách nhằm tạo ra “bước nhảy” cho ngành hàng rau quả Việt. 

Dự đoán về triển vọng kim ngạch xuất khẩu (XK) cho ngành hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2024 sắp tới, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng có khả năng sẽ vượt qua con số 6 tỷ USD và thậm chí có thể đạt tới mốc 7 tỷ USD.

Sẽ lập đỉnh mới cho năm 2024 sắp tới?

Như vậy có thể thấy con số dự báo này vượt xa mục tiêu kim ngạch XK rau quả đặt ra trước đó của Bộ NN&PTNT là năm 2024 sẽ đạt 4,5 tỷ USD, và đến năm 2025 là 5 tỷ USD.

Trái cây Việt cần học hỏi “bước nhảy” của trái cây ngoại để tạo ra “bước nhảy” cho mình trên thị trường toàn cầu.

Thực ra, dự đoán của ông Nguyên là hoàn toàn khả thi, sẽ lập đỉnh mới cho năm 2024 sắp tới nếu nhìn lại cả năm 2023 sẽ thấy kim ngạch XK rau quả có thể đạt được dấu mốc trên 5,5 tỷ USD, là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Còn trong năm tới, với thị trường Trung Quốc và những thị trường chủ lực khác ngày một rộng mở thì việc tăng kim ngạch là điều có thể thực hiện được.

Nhất là khả năng sang năm 2024, sau quá trình đàm phán ký hiệp định thư với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ XK chính ngạch sản phẩm dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Chưa kể, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ  được phép XK vào nước ngày thì kim ngạch sẽ càng tăng lên đáng kể. 

Theo giới chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường 1,4 tỷ dân như Trung Quốc là rất lớn. Và cộng tất cả các nước XK sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong chuyến khảo sát mới đây ở Trung Quốc thì thấy rằng dư địa cho rau quả của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này là còn rất lớn. 

Ông Tiến cho biết nếu đi sâu vào các địa phương trong nội địa của Trung Quốc sẽ thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân ở đây đối với các loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, xoài cùng những loại trái cây khác là còn rất nhiều.

Có thể nói từ “bước nhảy” của mặt hàng trái sầu riêng nói riêng và một số mặt hàng trái cây chủ lực sẽ là chất xúc tác, là động lực quan trọng để ngành hàng rau quả Việt thực hiện tham vọng thu thêm hàng tỷ USD, trở thành “cường quốc” về XK rau quả trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, để cụ thể hóa tham vọng đó đòi hỏi các ngành hàng này cần có những “bước nhảy” quan trọng, nhất là việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, quảng bá thương hiệu. Đây cũng là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành hàng rau quả nhận thức được các điểm hạn chế để khắc phục nhằm có thể tiến xa.

Lấy ví dụ từ EU, đây là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, một phần là do chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực này.

Học hỏi “bước nhảy” của trái cây ngoại

Ngoài ra, thị phần của rau quả Việt tại EU khiêm tốn là do nhận diện thương hiệu mặt hàng rau quả Việt còn thấp. Nguyên nhân là do chúng ta còn thiếu thương hiệu quốc gia, thương hiệu DN cho các ngành hàng rau quả Việt và thiếu những kênh phân phối hàng rau quả do người Việt làm chủ. 

Mặt khác, một số rau quả Việt Nam XK qua EU nhưng lại lấy thương hiệu của nước khác khi tiêu thụ làm cho thương hiệu của rau quả Việt bị ảnh hưởng. Do đó, bài toán xây dựng thương hiệu rau quả Việt tại thị trường EU đang là vấn đề rất cấp thiết trong thời gian tới.

Song song đó, các nhà XK rau quả Việt cũng cần tiếp tục học hỏi “bước nhảy” từ những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Thái Lan, để mở rộng hoạt động XK rau quả, theo giới chuyên gia, Thái Lan đã có sự chuẩn bị kỹ càng để vượt qua các rào cản phi thuế quan như rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chống bán phá giá (ADP), trợ cấp xuất khẩu (XS), tự vệ đặc biệt (SSG) và hạn ngạch thuế quan (TRQ).

Không chỉ vậy, xét về khâu quảng bá, Thái Lan là nước có lượng khách du lịch lớn, các nhà kinh doanh rau quả đã tận dụng lợi thế này để XK tại chỗ với kim ngạch đáng kể. Hằng năm, Thái Lan đón khoảng 15 triệu khách du lịch, mỗi khách bình quân mua 5 USD trái cây thì doanh số cũng đạt khoảng 75 triệu USD. Đây được xem là một hình thức tiếp thị hiệu quả.

Hoặc như Australia, ngành sản xuất rau, hoa, quả của nước này được cho là đang đi đúng hướng trong mục tiêu đạt 20 tỷ USD giá trị XK vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hiện tại thì có thể đạt được điều đó sớm nhất vào năm 2025-2026. Liên đoàn Nông dân Quốc gia Australia  cũng đang thúc đẩy mục tiêu toàn ngành nông nghiệp đạt 100 tỷ USD vào năm 2030, và lĩnh vực rau quả đã là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất.

Để phát triển ngành rau quả, Australia đã xây dựng chính sách 3 điểm: Cải thiện mức lãi trong thu nhập của nông dân. Tăng cường sức cạnh tranh của mặt hàng rau, hoa, quả. Nâng cao tính bền vững của ngành này.

Hoặc như việc quảng bá rau quả cũng đáng để cho ngành rau quả Việt học hỏi. Như trong tháng 12/2023 này, để thâm nhập sâu thị trường Việt, Cơ quan phát triển thương mại quốc tế và đầu tư, thuộc Chính Phủ Australia cùng đại diện Văn phòng Thương mại và Đầu tư bang Victoria đã tổ chức sự kiện quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng tại Tp.HCM hai loại trái đào và trái xuân đào. 

Đây là hai loại trái cây của Australia mà các nhà quảng bá cho rằng nằm trong những loại trái ngon nhất thế giới, rất tốt cho sức khỏe. Điều đó là nhờ phương pháp làm vườn tiên tiến, kết hợp công nghệ phân loại và kiểm soát truy xuất nguồn gốc hành trình từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Chưa kể, để đến gần với người tiêu dùng Việt thì hai loại trái đào và xuân đào của Australia tuy mới thâm nhập thị trường Việt  Nam nhưng đã được bày bán rộng rãi trong hệ thống bán lẻ hiện đại ở Tp.HCM, gồm các chuỗi siêu thị và các cửa hàng trái cây nhập khẩu như MM Mega Market, Aeon, WinMart, KingFood Mart, Co.op Mart, Thuy Anh Fruits…

Nói chung, việc học hỏi “bước nhảy” từ ngành hàng rau quả ở một số quốc gia tiên tiến cũng chính là cách để tạo ra “bước nhảy” cho ngành hàng rau quả Việt nhằm trở thành cường quốc XK trong lĩnh vực này. Để từ đó có thể thu về con số hàng tỷ USD, tăng gấp đôi, gấp ba lần so với kim ngạch đã đạt được trong năm 2023.  

Thế Vinh