• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.248,26 -1,29/-0,10%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:05:01 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.248,26   -1,29/-0,10%  |   HNX-INDEX   222,33   +0,64/+0,29%  |   UPCOM-INDEX   92,82   +0,02/+0,02%  |   VN30   1.316,71   -0,24/-0,02%  |   HNX30   462,33   +2,08/+0,45%
21 Tháng Giêng 2025 11:14:48 SA - Mở cửa
Chợ truyền thống lao đao
Nguồn tin: Người Lao Động | 16/12/2023 9:35:00 CH
Giá cả không cạnh tranh, chậm thay đổi phương thức bán hàng... là lý do chính khiến nhiều chợ truyền thống, từng là những trung tâm kinh doanh sầm uất, trở nên ế ẩm
 
Ki-ốt bán quần áo ở chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) vốn đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình chị Bùi Thơm. Thế nhưng, mấy tháng nay, có ngày chị chỉ bán được vài chục ngàn đồng, không đủ tiền trả chi phí thuê ki-ốt 7 triệu đồng/tháng.
 
Tiểu thương tính bỏ chợ
 
Gắn bó với việc kinh doanh quần áo ở chợ Ninh Hiệp 15 năm nay, chị Thơm cho hay dù trải qua nhiều thời điểm buôn bán èo uột do tình hình kinh tế khó khăn nhưng chưa lúc nào ế khách như năm nay.
 
 
Các tiểu thương “giết” thời gian hằng ngày bằng cách lướt điện thoại
 
Đưa tay chỉ những con đường, bãi đỗ xe vắng tanh xung quanh, chị Thơm rầu rĩ: "Thời gian gần đây tôi chẳng buôn bán được gì, nhập lô hàng nào về cũng lỗ". Chị dự định năm sau sẽ đóng cửa ki-ốt, chuyển ra ngoài bán hàng ăn.
 
Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), bà Lê Tâm, tiểu thương kinh doanh giày dép, cũng cho biết có khi cả ngày không bán được đồng nào. Bà đang tính đến chuyện nghỉ bán, ở nhà phụ trông cháu vì không đủ sức duy trì cửa hàng.
 
"Buôn bán ở chợ Đồng Xuân đã hơn 30 năm, giờ từ bỏ công việc này quả thật tôi rất buồn" - bà Tâm bộc bạch.
 
Tình trạng ế ẩm diễn ra ở hầu hết các chợ truyền thống tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương phía Bắc, dù đang vào mùa kinh doanh hàng Tết. Theo các tiểu thương, chợ truyền thống ngày càng ế khách là do tình hình kinh tế khó khăn, giá bán không cạnh tranh, đông đảo người tiêu dùng đã chuyển sang mua hàng online…
 
Nhiều tiểu thương ở chợ Ninh Hiệp cho biết việc mở cửa hàng kinh doanh online đang nở rộ. Thậm chí, không ít người nước ngoài còn sang Ninh Hiệp mở shop thời trang buôn bán qua mạng. "Tiểu thương truyền thống khó thể cạnh tranh với họ. Ví dụ, một chiếc áo chúng tôi nhập về với giá 220.000 đồng nhưng khi họ bán trên mạng thì chỉ 140.000 đồng. Như vậy thì làm sao chúng tôi bán được hàng?" - một tiểu thương lo lắng.
 
 
 
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bagico, kể từng nhận được nhiều lời đề nghị tư vấn của các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài về việc mở trung tâm phân phối hàng hóa tại Việt Nam nhưng bà đã từ chối. Ở nhiều nước, những trung tâm mua sắm sầm uất một thời nay cũng giảm 50% lượng hàng, do nhà sản xuất chuyển qua bán online.
 
"Họ mở kênh bán sỉ, lẻ trên mạng và thành lập các kho hàng gần biên giới, ship sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, việc các chợ truyền thống trong nước ế ẩm thì không có gì lạ" - bà Thực nhận xét. Theo bà, phương thức bán hàng giờ đã thay đổi, nếu tiểu thương chợ truyền thống không bắt kịp sẽ rơi vào tình cảnh "ngồi chơi xơi nước".
 
Hỗ trợ bán hàng online
 
Nhiều ý kiến cho rằng tương lai của chợ truyền thống hết sức mờ mịt. Trong khi trông đợi một cách mơ hồ về việc khách hàng sẽ quay lại chợ, nhiều tiểu thương hằng ngày chỉ còn biết "giết" thời gian bằng cách lướt điện thoại, tụ tập "tám" chuyện, ngồi hóng khách...
 
Không ít tiểu thương cũng ý thức rằng cần phải thay đổi để tồn tại nhưng lực bất tòng tâm vì không biết bắt đầu từ đâu. Theo chị Trần Thu Minh, tiểu thương chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), giờ muốn chuyển qua bán hàng trên mạng cũng không dễ.
 
"Nếu livestream bán hàng thì phải có ngoại hình đẹp, nội dung hay và có ê-kíp hỗ trợ. Đó là những thứ mà nhiều tiểu thương khó thể đáp ứng. Với tôi, hằng ngày vẫn cần mẫn đăng hình quần áo mới nhập về trên Zalo, dù chẳng có mấy người quan tâm" - chị Minh nêu thực trạng.
 
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO TikTok Việt Nam, tăng trưởng thương mại truyền thống ngày càng thấp hơn thương mại điện tử. Điều đó cho thấy chợ truyền thống và tiểu thương đang gặp khó khăn. Vì thế, cơ quan chức năng và các nền tảng số cần có nghiên cứu chuyên sâu, có chương trình hỗ trợ để giúp tiểu thương ứng dụng thương mại điện tử cho các hoạt động buôn bán truyền thống.
 
TikTok Việt Nam đang phối hợp với các địa phương triển khai chương trình hỗ trợ chợ truyền thống và tiểu thương nâng cao kỹ năng số, ứng dụng thương mại điện tử, tăng doanh số bán lẻ. "Ngay trong tháng 12 này, sẽ có ngày hội kết hợp thương mại truyền thống với các sàn thương mại điện tử" - CEO TikTok thông tin.
 
Để hỗ trợ tiểu thương, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhấn mạnh cần có sự đồng hành, tiếp sức của các nền tảng số, cũng như từ chính cơ quan quản lý nhà nước. VECOM cũng đang phối hợp với một số địa phương triển khai chương trình ứng dụng thương mại điện tử.
 
"Tại một địa phương, VECOM sẽ phối hợp với cơ quan chức năng chọn 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, hợp tác xã - vốn có lợi thế sản phẩm, hiểu thói quen tiêu dùng của người dân. Sau đó, chúng tôi làm việc với các trường trên địa bàn, chọn ra 50 sinh viên để đào tạo kỹ năng bán hàng online. Các bạn này sẽ quay lại giúp tiểu thương bán hàng qua các nền tảng số. Nếu mô hình này được nhân rộng ở các chợ truyền thống thì chuyện ứng dụng thương mại điện tử mới thực tế" - ông Trọng kỳ vọng. 
 
Phải thay đổi tư duy
 
Tổng Thư ký VECOM cho rằng tiểu thương chợ truyền thống và doanh nghiệp nên chú trọng kinh doanh những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế, thậm chí có thể xuất khẩu trực tuyến. "Nếu bán sản phẩm ngoại nhập trong khi nhà sản xuất, phân phối của họ đang đẩy mạnh bán online sang Việt Nam thì chắc chắn mình sẽ thua" - ông Trần Văn Trọng khẳng định.
 
Chuyện hộp cao, chai dầu gió... bán trên Amazon với giá cao gấp nhiều lần thị trường trong nước cho thấy nhiều sản phẩm Việt được người dùng thế giới ưa chuộng. Ông Trọng nhấn mạnh: "Chúng ta phải thay đổi tư duy để hội nhập. Trong một thị trường mà các chủ thể tham gia không thay đổi thì thị trường đó rất khó phát triển và các chủ thể không thể vươn ra quốc tế".