Theo các chuyên gia, triển vọng ít cơn gió ngược hơn trong năm 2024 sẽ giúp xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực trở lại, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn gặp phải trong sản xuất kinh doanh, tăng sức hấp thụ vốn… và góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm tới. Tuy nhiên điều quan trọng đối với xuất khẩu hiện nay không phải là tốc độ tăng trưởng mà là chất lượng đạt được trong mức tăng trưởng ấy.
Khó đạt mục tiêu trên 700 tỷ USDTheo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023 mới đạt 619,36 tỷ USD (giảm 8,2% - tương ứng giảm 55,56 tỷ USD - so với cùng kỳ năm trước), còn cách rất xa mục tiêu vượt 700 tỷ USD trong năm nay. Nếu xuất nhập khẩu duy trì quy mô kim ngạch trên 60 tỷ USD/tháng như những tháng gần đây thì kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sẽ chỉ quanh mức 680 tỷ USD, giảm khoảng 50 tỷ USD so với năm 2022 (đạt hơn 730 tỷ USD).Dù giảm nhiều so với năm 2022, nhưng kim ngạch đạt được trong năm nay vẫn là con số cao thứ 2 trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam và nên nhìn nhận đây là kết quả tích cực trong một năm đầy khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Điều đáng mừng là khi nhìn vào xu hướng của năm 2024, chúng ta thấy nhiều điểm tích cực đã xuất hiện, đặc biệt triển vọng kinh tế toàn cầu, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm tới khả quan hơn so với các dự báo trước đó.
Việc thích ứng với chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp xuất khẩu
Theo dự báo của TS. Nguyễn Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 sẽ tăng khá tích cực so với 2023 và thậm chí có thể vượt con số đạt được năm 2022. Cụ thể, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 685 tỷ USD; năm 2024 đạt 743,57 tỷ USD theo kịch bản cơ sở (vượt mức 730,21 tỷ USD của năm 2022). Trong đó, dự báo xuất khẩu và nhập khẩu đều có sự hồi phục và dự kiến mức xuất siêu trong năm tới sẽ quanh khoảng 16 tỷ USD.
Giả sử con số 743,57 tỷ USD này đạt được, đây sẽ là một đỉnh mới được thiết lập của ngoại thương Việt Nam, song rõ ràng nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì mức tăng cũng không quá lớn so với những kỳ tích chúng ta đã từng có được trước đây. Báo cáo “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam năm 2023, một số nhận định và dự báo xu hướng năm 2024” của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) công bố mới đây cũng nhận định, sự chậm lại của các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho "cỗ xe" kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều, bất chấp những lợi thế từ các Hiệp định FTA và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đem lại.
"TS. Nguyễn Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 685 tỷ USD; năm 2024 đạt 743,57 tỷ USD theo kịch bản cơ sở (vượt mức 730,21 tỷ USD của năm 2022)."
Cần tăng chất thay vì chỉ quan tâm đến số lượng
Thực tế, sự tăng/giảm của xuất khẩu rất phụ thuộc vào sức cầu của các thị trường bên ngoài, trong khi yếu tố này còn rất nhiều bất định. Đơn cử, Mỹ và EU là những thị trường đối tác nhập khẩu lớn và Việt Nam thường xuyên có mức xuất siêu cao nhưng các dự báo và phân tích cho đến nay cho thấy, tình hình khó khăn ở các thị trường này có thể còn kéo dài qua năm 2024. Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) gần đây cho biết, sau khi thương mại toàn cầu dự kiến sụt giảm 5% trong năm nay so với năm ngoái, triển vọng thương mại vẫn tiếp tục bấp bênh và ảm đạm vào năm 2024.
Chính vì vậy theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân, sự phục hồi của kinh tế trong nước gắn chặt với kinh tế thế giới. Vì thế trong thời gian tới, dự báo nhu cầu tín dụng cho sản xuất sẽ vẫn thấp cho đến khi đầu ra của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là xuất khẩu, khởi sắc trở lại.
Về mặt thị trường, để thúc đẩy xuất khẩu bên cạnh nỗ lực khai thác các thị trường lớn và truyền thống, việc mở thêm được các thị trường xuất khẩu mới là rất quan trọng, nhất là trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam. Được biết Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)… để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, qua đó góp phần hóa giải những khó khăn và phục hồi xuất khẩu trong ngắn hạn.
Dài hạn hơn, một trong các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Việt Nam là xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, khai mở các thị trường có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu này cũng rất phù hợp với đòi hỏi ngày càng chặt chẽ của các thị trường khi tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trở thành yêu cầu tất yếu.
Đơn cử, Thỏa thuận Xanh EU (EGD) - một chương trình tổng thể của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến 2050 được thông qua ngày 15/1/2020 dự kiến sẽ có những tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khảo sát của VCCI vào tháng 8/2023 cho thấy, có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan chưa từng nghe qua hoặc biết về EGD cũng như tìm hiểu kỹ về những chính sách, quy định cụ thể triển khai thỏa thuận này.
PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore cho rằng, thay vì quan tâm đến tăng trưởng xuất khẩu phải đạt 5% hay 10% mỗi năm như trước đây, cần quan tâm đến chất lượng đạt được bên trong phần tăng trưởng ấy như thế nào. Nôm na là phải làm sao để mỗi 100 USD xuất khẩu trong đó có nhiều giá trị gia tăng hơn. Muốn vậy, ngành công nghiệp phụ trợ phải được ưu tiên hơn, cùng với đó là cần hướng đến xuất khẩu xanh, gắn với xanh để xuất khẩu tốt hơn và gia tăng chất trong phần tăng trưởng xuất khẩu có được.
Đỗ Lê