Năm 2023, khả năng tăng trưởng kinh tế Đồng Nai sẽ cao hơn bình quân chung của cả nước, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng chưa đạt được nên ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung.
Năm 2024, Đồng Nai phấn đấu tăng trưởng GRDP trong khoảng 6,5-7%, trong bối cảnh khó khăn vẫn còn tiếp diễn đòi hỏi các địa phương, sở, ngành phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Những vấn đề trọng tâm cần khắc phục
Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026. Tuy nhiên, những khó khăn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và xung đột quân sự ở nhiều khu vực cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả là năm 2023, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 246,4 ngàn tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2022; thu ngân sách nhà nước khoảng 58 ngàn tỷ đồng, đạt 94% dự toán đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 21,7 tỷ USD, giảm 11,7%; nhập khẩu 15,7 tỷ USD, giảm 17,1%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, trong năm 2023, trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội của địa phương gặp rất nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất của các DN ở Đồng Nai tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Bên cạnh đó, thời gian qua, việc triển khai thủ tục đầu tư nhiều dự án bị ách tắc do vướng quy định, chính sách. Tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh còn chậm cũng ảnh hưởng đến nhiều dự án, công trình quan trọng và thu hút đầu tư. Các yếu tố trên góp phần làm cho giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với dự toán. Số DN đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký mới giảm; số DN giải thể và tạm ngừng kinh doanh tăng.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, kết quả đạt được chưa như mong đợi ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có một số nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là trong thực hiện quy chế làm việc của UBND tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các đơn vị, công tác giám sát thực thi nhiệm vụ của một số đơn vị, địa phương chưa cao. Các sở, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chậm trễ khi thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là công tác giải ngân lĩnh vực đầu tư công. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…
Chủ động triển khai các giải pháp
Năm 2024, Đồng Nai đặt ra một số mục tiêu quan trọng về kinh tế là tốc độ tăng GRDP từ 6,5-7% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2023; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 124 ngàn tỷ đồng và tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.
Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Toàn tỉnh có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó là một số nhiệm vụ như: tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 68,5%; kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội...
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, các mục tiêu về kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần phải phấn đấu để đạt được. Do đó, các sở, ngành, địa phương quyết tâm phấn đấu ngay từ đầu năm 2024 để đạt kết quả tốt nhất trên từng lĩnh vực.
Một trong những giải pháp quan trọng trong năm tới là triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ trong đầu tư các công trình trọng điểm, các dự án có tác động lớn, đặc biệt là dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, năm 2024 dự báo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nên cần chủ động điều hành đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách bền vững.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình, năm 2024, Đồng Nai đặt kế hoạch dự toán thu ngân sách 56,1 ngàn tỷ đồng. Các đơn vị trong ngành sẽ tập trung chỉ đạo đôn đốc thu, tăng cường khai thác nguồn thu ngay từ đầu năm. Trên cơ sở đó, các địa phương tập trung đánh giá tình hình thu ngân sách của các địa phương để giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước…