Trong lĩnh vực kinh tế, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình sản xuất luân canh, phát triển diện tích vùng chuyên canh cây ăn trái, áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn gắn với xây dựng mã số vùng trồng; hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm chanh không hạt, xoài theo hướng hữu cơ,... nông nghiệp phát triển đa dạng với các sản phẩm chế biến theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, các mô hình tích hợp đa giá trị, sản lượng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với công ty, doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra, tạo giá trị tăng thêm khoảng 36 tỷ đồng so với sản xuất không qua liên kết tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Năm 2023, có 23 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao, toàn huyện có 61 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và có mặt trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn...); duy trì thực hiện dịch vụ “Cây xoài nhà tôi” bán hàng trên website http://htx.cooplink.com.vn/, minh bạch thông tin qua mã QR-code.
Hoạt động dịch vụ, thương mại của huyện phát triển khá, hàng hóa phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đến nay, có 200 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; triển khai xây dựng mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử” tại Mỹ Xương. Trong năm, trên địa bàn huyện thành lập mới 69 doanh nghiệp và 25 chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp mới trên 670 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (tăng 96 hộ so với cùng kỳ), góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh Lê Chí Thiện (bìa trái) trao Bằng công nhận xã Mỹ Xương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022
Trong hoạt động du lịch, ra mắt thêm 4 điểm tham quan du lịch trải nghiệm, nâng tổng số toàn huyện có 13 địa điểm để du khách đến tham quan, trải nghiệm, thu hút gần 125.000 lượt khách đến tham quan, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu đạt khoảng 22 tỷ đồng. Công tác thu, chi ngân sách đảm bảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.252 tỷ đồng (vượt 55% dự toán năm), chi ngân sách địa phương 1.229 tỷ đồng (vượt 54% kế hoạch năm).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, chất lượng giáo dục - đào tạo nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo. Các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được huyện thường xuyên quan tâm. Qua đó, đã trao tặng gần 29.000 suất quà, trị giá trên 11 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 144 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm phát huy hiệu quả mang lại thu nhập ổn định và thu nhập cao cho người dân. Đến nay, huyện có trên 290 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 105% kế hoạch), trên 450 lao động đang học giáo dục định hướng; hơn 8.000 lao động có việc làm đạt 107% kế hoạch; thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đến cuối năm còn 672 hộ nghèo (chiếm 1,26%).
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, hướng tới, huyện tập trung phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về vốn, tham gia các chương trình đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới quy trình sản xuất và kết nối với các vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả đầu tư công theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn với mục tiêu củng cố, nâng chất tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng thời huy động nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.