Bộ Công an có nhiệm vụ triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế, ngăn ngừa các hoạt động lợi dụng hình thức chuyển dịch đầu tư, thâu tóm, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" để rửa tiền, chuyển giá, trốn thuế... gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, xét kiến nghị của Bộ KH&ĐT tại Báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022 và các tháng đầu năm 2023.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 20/11/2023 đạt 28,85 tỷ USD.
Theo đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp các địa phương tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, công tác giám sát và thực thi pháp luật để có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời; đẩy mạnh công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế đối với dự án công nghệ cao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách hiệu quả với lộ trình phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và thích ứng hiệu quả khi triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu và điều chỉnh khung ưu đãi đầu tư của Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ Công Thương đẩy nhanh việc ban hành và thực thi chính sách để ngành công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian sắp tới, để các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong làn sóng đầu tư giai đoạn tới; thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng theo Quy hoạch điện VIII mới được thông qua và sớm khắc phục tình trạng thiếu điện tại một số địa phương....
Đặc biệt, Bộ Công an có nhiệm vụ triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế, ngăn ngừa các hoạt động lợi dụng hình thức chuyển dịch đầu tư, thâu tóm, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" để rửa tiền, chuyển giá, trốn thuế... gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Theo số liệu từ thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 11 tháng (tính đến 20/11/2023) đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Có 56/63 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư cấp mới, tăng vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam. Trong đó Quảng Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đạt 3,11 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng số vốn đạt 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hải Phòng với tổng vốn đạt 2,9 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần.