Đáng chú ý, mặc dù được biết đến là một Fintech có tiếng ở khu vực Đông Nam Á nhưng tại Việt Nam, Truemoney rơi vào thảm cảnh thua lỗ triền miên trong những năm gần đây.
Những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á luôn là điểm đến hấp dẫn của Fintech (công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính), nhất là khi các hoạt động kinh tế có nhiều khởi sắc và nhiều chính sách tạo điều kiện cho Fintech phát triển.
Một trong số Fitech xuất hiện tại thị trường Việt Nam phải kể đến TrueMoney thuộc Công ty Cổ phần Truemoney Việt Nam do ông Nguyễn Thiện Tâm giữ vai trò CEO. Truemoney Việt Nam trực thuộc Tập đoàn tài chính C.P Group của Thái Lan.
TrueMoney Việt Nam cung cấp các dịch vụ tài chính điện tử thông qua Ví điện tử TrueMoney và Cổng thanh toán TrueMoney. Ví TrueMoney có 40 triệu khách hàng tin dùng, 65.000 đại lý trong hệ thống và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán đến dịch vụ online trên ví điện tử.
Đáng chú ý, mặc dù được biết đến là một Fintech có tiếng ở khu vực Đông Nam Á nhưng tại Việt Nam, Truemoney rơi vào thảm cảnh thua lỗ triền miên trong những năm gần đây.
Cụ thể, về tình hình kinh doanh, từ năm 2018 đến 2022, doanh thu của Truemoney Việt Nam đã rơi từ đỉnh hơn 600 tỷ xuống chỉ còn vỏn vẹn hơn 6 tỷ. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020-2021 là năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu của Truemoney bất ngờ “suy kiệt” trầm trọng. Điều này đi ngược lại với một số app tài chính khác trên thị trường khi đây chính là giai đoạn vay để chi trả của người dân tăng cao.
Không chỉ doanh thu, lợi nhuận của Truemoney còn cho thấy tình trạng kinh doanh bết bát của doanh nghiệp do CEO Nguyễn Thiện Tâm điều hành. Bởi lẽ, dù vào năm 2018, doanh thu đạt đỉnh hơn 600 tỷ đồng nhưng Truemoney vẫn báo lỗ hàng trăm tỷ.
Tính trong cả giai đoạn 5 năm gần đây không một năm nào Truemoney sinh lời, triền miên thua lỗ là tình trạng của Fintech đình đám này khiến khoản lỗ lũy kế đội lên hơn 600 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, khối tài sản của Truemoney liên tục “teo top” trong giai đoạn 5 năm gần đây. Từ 228 tỷ năm 2018 về mức 69 tỷ năm 2022. Nhìn vào con số thu hẹp nhanh chóng về tài sản này có thể thấy Truemoney đang bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn nếu không muốn nói có dấu hiệu khủng hoảng trầm trọng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Truemoney Việt Nam liên tiếp tăng cao và đạt mức hơn 660 tỷ vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, vốn chủ của Truemoney liên tiếp rơi vào thảm cảnh âm nặng. Kết thức năm 2022, vốn chủ sở hữu của Fintech đình đám này đã âm tới gần 600 tỷ.
Mặc dù điều hành Trumoney kinh doanh thua lỗ nặng nề như vậy nhưng điều khiến giới kinh doanh băn khoăn là tiền đâu để CEO Nguyễn Thiện Tâm tiếp tục đầu tư mở chuỗi cửa hàng cho vay cầm đồ với thương hiệu “Truemoney vay”.
Theo dữ liệu về doanh nghiệp. chuỗi cho vay cầm đồ của Truemoney được thành lập bởi pháp nhân là Công ty TNHH dịch vụ TFS vẫn do ông Nguyễn Thiện Tâm làm Tổng giám đốc, vốn điều lệ của TFS đang ở mức 82 tỷ đồng.
Cửa hàng “Truemoney vay” đầu tiên ra đời là cơ sở tại Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. Sau đó, “Truemoney vay” liên tục mở rộng các cơ sở phủ kín địa bàn Hà Nội.
Mặc dù trong bối cảnh thua lỗ kéo dài, vào cuối năm 2022 vừa qua, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và TrueMoney Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược tại trụ sở văn phòng C.P Việt Nam (Biên Hòa, Đồng Nai).
TrueMoney Việt Nam được C.P Việt Nam lựa chọn là đối tác Fintech độc quyền phát triển và triển khai các giải pháp tài chính cho hệ sinh thái của C.P Việt Nam trên nền tảng hệ thống của TrueMoney bao gồm: Nhà cung cấp, Nhà phân phối, Nhân viên, Cửa hàng đại lý của C.P Group.