Bất chấp tình hình lãi suất huy động đang có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi vay mua nhà ở các nhà băng vẫn "nhảy múa". Nhiều người đi vay đang mòn mỏi chờ lãi suất hạ nhiệt, tuy nhiên những diễn biến từ thị trường khiến những hy vọng cứ vụt lên rồi lại chợt tắt.
Trong tháng 2, hàng loạt cam kết của khối các ngân hàng đưa ra đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm nhưng đến nay không khó để tìm được những địa chỉ gửi tiền với mức lãi suất 10,5 - 12%/năm nếu gửi từ vài trăm triệu đồng trở lên, kỳ hạn trên 6 tháng.
Lãi vay vẫn ngất ngưởng
Lãi suất huy động cao, kéo theo lãi suất cho vay tăng chóng mặt. Cá biệt, có trường hợp lãi suất cho vay đối với cá nhân được thông báo vượt mức 15%, cao nhất lên đến 17,5%, khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà, đất để ở thực phải "chùn tay".
Sau gần 10 năm sống và làm việc tại Hà Nội, việc mua nhà ở tuổi 27 từng là niềm tự hào của anh Trần Thế Kiên (quê Bắc Giang). Tuy nhiên, hiện anh Kiên đang “nín thở” dõi theo diễn biến lãi suất ngân hàng, vì chưa đầy 2 tháng nữa, gói vay của anh sẽ hết ưu đãi, bước sang giai đoạn thả nổi.
“Tôi mua nhà vào cuối năm 2020, vào thời kỳ ưu đãi, lãi ngân hàng vào khoảng 25 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 50% thu nhập của hai vợ chồng. Sắp tới, với lãi suất thả nổi đang ở mức 11,5%/năm, con số phải trả hàng tháng sẽ lên gần 30 triệu đồng, và còn có thể cao hơn”, anh Kiên nói.
Tương tự, với khoản vay 1 tỷ đồng trả trong 5 năm cùng lãi suất cố định 7,6%/năm, hiện mỗi tháng, anh Vũ Văn Tiến (Hà Nội) phải trả 23 triệu đồng cả gốc và lãi cho ngân hàng, chiếm khoảng 60% thu nhập. Dù đang phải căng mình trả nợ, nhưng anh Tiến cho rằng mình “vẫn may vì vay sớm”.
Người mua nhà vẫn mòn mỏi chờ đợi lãi suất vay hạ nhiệt (Ảnh minh họa: HN).
Cùng ngân hàng này, theo anh Tiến, giờ lãi suất đã tăng lên hơn 10%/năm. Lãi suất vay cố định 12 tháng hiện ở mức 9,5%/năm nhưng cũng chỉ áp dụng cho 60% vốn vay, 40% còn lại phải chịu lãi suất thông thường từ 11,6 - 12%/năm. Một số bạn bè của anh có người đang chịu lãi 12 - 13%/năm.
Không chỉ chật vật để trả nợ, nhiều người vay mua nhà thậm chí đang nghĩ đến chuyện bán nhà để “cắt nợ” vì lãi suất thả nổi quá cao. Như trường hợp của anh Lê Hoàng (32 tuổi, nhân viên văn phòng) với khoản vay 2 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị căn hộ.
Anh Hoàng kể, cuối năm 2021 anh vay mua nhà tại một ngân hàng tư nhân để mua chung cư. Hợp đồng vay trong vòng 25 năm, lãi suất ưu đãi năm đầu tiên là 7,5%/năm. Cộng với tiền gốc 8 triệu đồng/tháng, mỗi tháng anh phải đóng khoảng 20,5 triệu đồng.
"Theo tính toán, khi hết ưu đãi, số tiền phải đóng sẽ lên 25 triệu đồng/tháng. Nhưng kể từ cuối năm 2022, bước vào giai đoạn thả nổi cùng lúc lãi suất huy động tăng cao, tôi phải đóng gần 30 triệu đồng/tháng. Nếu là trước đây thì không thành vấn đề, nhưng năm qua kinh doanh khó khăn, thu nhập của tôi giảm gần 50% nên tôi đang tính toán bán lại nhà nếu không thể cầm cự", anh Hoàng thổ lộ.
Bao giờ lãi suất vay giảm?
Như Vnbusiness đưa tin, kể từ ngày 13/2, các ngân hàng thống nhất bắt tay giảm lãi suất tiết kiệm. Hiện một số chi nhánh của các ngân hàng hàng đầu đã điều chỉnh biểu lãi suất về quanh mức 8,7%/năm.
Việc các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất tiết kiệm sẽ tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay. Đây là một thông tin tích cực, khiến nhiều người có ý định vay mua nhà khấp khởi chờ đợi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lãi tiết kiệm hạ nhiệt có thể kéo theo lãi cho vay giảm. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu phải tính toán kỹ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%.
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng khi giá xăng, giá điện và nhiều chi phí tiêu dùng khác vẫn tiếp tục đi lên. Vì vậy, để lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt, giảm về mức trên dưới 10% có thể sẽ cần thêm thời gian, ít nhất là phải chờ sang nửa cuối quý II/2023.
Dự báo này là có cơ sở bởi như đã từng xảy ra, vào cuối năm 2022 có thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm lãi vay với số tiền 3.312 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm, thế nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy giảm.
Một vấn đề đáng chú ý khác là bên cạnh lãi suất nhảy múa, việc vay vốn ngân hàng hiện tại cũng không hề đơn giản dù đã không còn ngặt nghèo như trước. Bởi, hầu hết ngân hàng đều rất dè dặt khi cho vay mua nhà vì e ngại nợ xấu.
Theo giới phân tích, với mức lãi suất vay 15 - 16%/năm thì không chỉ người vay mua nhà, mà cả doanh nghiệp cũng không thể sống được. Vì vậy, cần thêm tác động từ cơ quan quản lý để lãi suất cho vay hạ nhiệt nhanh hơn trong bối cảnh người dân đang mòn mỏi chờ đợi.
Thời gian tới, trước những biến động vẫn đang hiện hữu, các chuyên gia khuyến cáo người mua nhà nên cân nhắc kỹ về tỷ trọng vốn vay. Tỷ lệ an toàn là các khoản thanh toán không quá 30-40% thu nhập hàng tháng. Với nhà đầu tư, đây là thời điểm thích hợp cho cuộc đua đường dài, tuyệt đối không dùng đòn bẩy tài chính.