Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ sôi động trở lại vào năm 2023, nhất là nửa cuối năm, sau khi có dấu hiệu chững lại trong năm 2022, mang tới kỳ vọng cho giới đầu tư chứng khoán vào “sóng M&A” trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Dù vậy, "sóng" đưa lên cao nhưng cũng có thể nhấn chìm mọi thứ.
Mới đây, trong buối thảo luận về hoạt động M&A, lãnh đạo CTCP Thế giới số (Digiworld, mã:
DGW) đã tiết lộ về việc đặt mục tiêu hoàn thành 2 thương vụ M&A trong năm nay ở mảng thiết bị văn phòng và mảng hàng tiêu dùng. Quy mô các thương vụ tương tự thương vụ Archison đã diễn ra trong quý III/2022, và được kỳ vọng hoàn thành trong quý II hoặc quý III năm nay.
Bắt đầu xuất hiện dày đặc
Trước đó, khởi đầu năm 2023, các thương vụ M&A đã xuất hiện dày đặc hơn. Hàng loạt các ngân hàng như Vietcombank (
VCB), VPBank (
VPB), PG Bank (PGB) đều tấp nập lên kế hoạch cho các thương vụ M&A.
Khởi đầu năm 2023, các thương vụ M&A đã xuất hiện dày đặc hơn. (Ảnh minh họa)
Hay như Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã:
BWE) cũng vừa thông qua chủ trương nâng sở hữu và hợp nhất thêm 5 công ty mới. Trong đó có 4 công ty nước tại tỉnh Long An. Trước đó, tháng 4/2022, Biwase công bố đã mua lại cổ phần của 2 công ty nước ở Cần Thơ.
Theo kế hoạch, Biwase đang có chủ trương mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bến Tre...
Tương tự,
DNP Water - công ty con của Nhựa Đồng Nai (
DNP) đã mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu của Nước sạch Bắc Giang (
BGW). Sau giao dịch,
DNP Water trở thành cổ đông lớn của Nước sạch Bắc Giang, với tỷ lệ sở hữu gần 25%.
Dự báo từ nửa cuối năm 2023 - 2025, khi lãi suất và lạm phát được điều chỉnh hợp lý, hoạt động M&A sẽ phục hồi mạnh, nhất là ngành xây dựng và bất động sản.
Trong ngành bán lẻ, thị trường rất có thể sẽ tiếp tục đón nhận các giao dịch “khủng” từ ngành bán lẻ, như ThaiBev (Thái Lan) đã mua lại 36% cổ phần của Sabeco (SAB) sau khi bỏ ra 4,8 tỷ USD mua tới 54% cổ phần hồi năm 2017.
Ngoài ra, danh sách những tập đoàn, doanh nghiệp thoái vốn nhà nước với giá trị gần 250.000 tỷ đồng và hàng loại start-up kỳ lân mới thành lập có định giá vài tỷ USD sẽ là “đích ngắm” để thu hút vốn của nhiều nhà đầu tư ngoại.
Trước mắt, trong quý I/2023, một số thương vụ M&A có thể sẽ diễn ra, đó là Cholimex, Eximbank (
EIB), KIDO (
KDC)…
Có thể thấy, lâu nay, những thương vụ M&A hay những biến động M&A trong mùa đại hội cổ đông luôn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) "theo sóng". Và khi mùa đại hội 2023 đang đến gần cùng các thương vụ M&A đang “nóng” dần lên được cho là sẽ kích hoạt tâm lý mua bán của nhà đầu tư để "đón sóng".
Theo quan sát, trong những doanh nghiệp nêu trên, một số cổ phiếu đang có diễn biến rất tích cực và được các công ty chứng khoán đánh giá cao.
Chẳng hạn, cổ phiếu
VCB đã chính thức vượt qua mức đỉnh đã được thiết lập (phiên 6/2) khi bền bỉ leo dốc từ đầu năm 2023 đến nay.
Hay như trong vòng khoảng hơn 1 tháng đầu năm 2023, cổ phiếu SAB đã ghi nhận đà tăng điểm khá ấn tượng, từ mốc khoảng 172.000 đồng/cp (đầu tháng 1/2023) tăng vượt qua mốc 190.000 đồng/cp (đầu tháng 2/2023).
Kỳ vọng dễ thành... ảo vọng
Phải thừa nhận một điều rằng, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp nhỏ, thậm chí hoạt động yếu kém bỗng chốc tăng đột biến nhờ kỳ vọng doanh nghiệp được "tái sinh" sau M&A.
Hiện tượng cổ phiếu, nhất là các cổ phiếu “trà đá” dậy sóng ăn theo “game” mua bán doanh nghiệp không phải là chuyện mới, mà đã diễn ra trên TTCK nhiều năm nay. Nhà đầu tư luôn hưng phấn, săn tìm các doanh nghiệp đang có hoạt động thâu tóm với kỳ vọng doanh nghiệp sau khi được tái cấu trúc sẽ lột xác, cổ phiếu tăng giá.
Thực tế, không ít doanh nghiệp sau khi về tay chủ mới đã thay đổi ngoạn mục và đem lại trái ngọt cho cổ đông, nhà đầu tư. Nhưng cũng nhiều ví dụ cho thấy, kỳ vọng biến doanh nghiệp yếu kém quay trở lại tăng trưởng chỉ là ảo vọng. Bởi khi bắt tay vào tái cấu trúc, quá nhiều vấn đề xảy ra.
Lấy ví dụ về trường hợp của CTCP Gỗ Trường Thành (TTF), năm 2016 ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 1.271,1 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 1.417,6 tỷ đồng. Đến tháng 4/2017, ông Mai Hữu Tín – người được mệnh danh là “ông trùm giải cứu doanh nghiệp” tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp. Cổ phiếu TTF cũng từng được “săn đón”. Thế nhưng, tính đến cuối năm 2022, Gỗ Trường Thành vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 3.042 tỷ đồng. Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM tiếp tục đưa cổ phiếu TTF vào diện kiểm soát.
Hay như, giai đoạn cuối năm 2021, thị trường xôn xao trước đà tăng chóng mặt cũng như lao dốc không phanh của nhóm cổ phiếu liên quan tới cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, sau khi được “châm ngòi” bởi các thương vụ M&A. Song, các cổ phiếu này đều thuộc doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động khó khăn, không có điểm gì nổi bật, hiệu quả kinh doanh tương đối thấp và có giá trị thấp, nhiều cổ phiếu nằm dưới mệnh giá.
Và khi Đỗ Thành Nhân bị bắt liên quan đến các vụ việc thao túng nhóm cổ phiếu này, những kế hoạch đầy tham vọng, quyết tâm tái cấu trúc các doanh nghiệp này dần sụp đổ. Đây cũng là lúc nhiều nhà đầu tư vẫn đang mải miết “đu đỉnh” khóc ròng, số khác thì ngậm ngùi cắt lỗ.
Có thể thấy, sự hồi sinh của nhiều doanh nghiệp sau khi được cổ đông mới bơm tiền là có thật. Hiện tượng đua mua cổ phiếu ăn theo các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp giúp nhiều nhà đầu tư thắng lớn. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư trắng tay vì lao vào đúng đỉnh, sau đó lại đổ xô bán tháo bằng mọi giá vì nghe theo tin đồn.
Các chuyên gia cho rằng, để lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức về TTCK cũng như những kiến thức về tài chính doanh nghiệp phù hợp với định hướng đầu tư. Bên cạnh đó, chuẩn bị tâm lý vững vàng, thận trọng trước những thông tin để có quyết định “xuống tiền”.
Riêng với nhóm doanh nghiệp tham gia M&A trên thị trường, nhà đầu tư phải theo dõi sát sao động thái tái cấu trúc doanh nghiệp của nhóm cổ đông mới. Nếu doanh nghiệp thực sự lột xác sau khi “thay máu” cổ đông, kỳ vọng của nhà đầu tư là có cơ sở. Tuy vậy, ngay cả khi doanh nghiệp lột xác, việc tái cấu trúc cũng cần có thời gian, cho nên cổ phiếu tăng quá sốc trong thời gian ngắn sẽ tiềm ẩn rủi ro.