Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ vẫn đang hoành hành tại Sri Lanka, đợt tăng giá điện 66% trong khoảng thời gian gần đây đang khiến nhiều người dân tại quốc gia này lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.
Theo Reuters trích dẫn Cục Điều tra và Thống kê Sri Lanka ngày 21/2, chỉ số giá tiêu dùng quốc gia (NCPI) trong tháng 1/2023 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ở mức tương đối cao là 53,2%. Giá lương thực tăng 53,6% trong tháng 1 so với một năm trước, trong khi tỷ lệ lạm phát phi lương thực cao hơn 52,9%.
Đợt tăng giá điện 66% gần đây của chính phủ Sri Lanka càng khiến các hộ gia đình và người kinh doanh. Chủ quầy hàng Mohammed Lafeel tại thành phố Colombo là một ví dụ điển hình đang bị rơi vào tình thế khó xử. So với mức lạm phát đỉnh điểm 69,8% hồi tháng 9/2022, Reuters cho biết tỷ lệ lạm phát tại đất nước này trong tháng 1/2023 đã hạ nhiệt xuống 55%. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá cao và nó gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của ông Lafeel.
Ông không đủ khả năng để chi trả nhiều tiền điện như vậy, tuy nhiên lại không thể kinh doanh và kiếm sống nếu không có điện. Do đó, ông cũng giống như nhiều người dân khác tại quốc gia này buộc phải vay thêm tiền để xoay sở, khiến các khoản nợ ngày càng chồng chất.
Do có ít khách hàng tới mua các món đồ của ông hơn trong bối cảnh ai cũng phải vật lộn với khủng hoảng tài chính, thu nhập của ông đã giảm khoảng 1/3. Nếu tính cả khoản vay 835 USD để làm đám cưới cho con gái mình và khoản vay để nối lại điện sau khi nhà ông bị cắt điện vì không thanh toán hóa đơn, ông đang phải gánh trên vai các khoản nợ gần như không thể trả trong điều kiện hiện tại.
Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực khác cũng chịu số phận tương tự. Theo ông N.K. Jayawardena, chủ tịch hiệp hội các tiệm bánh lớn nhất tại Sri Lanka là All Ceylon Bakeries Association, việc tăng giá điện là “không công bằng do đó gây ra quá nhiều khó khăn. Hiện khoảng 200 trong số 5.000 tiệm bánh trên toàn quốc đã đóng cửa trong khi các cửa hàng duy trì hoạt động thì buộc phải sa thải nhân viên.
Thợ mộc Mohamed Sathurudeen cùng đồng ý với ý kiến trên khi cho rằng người dân Sri Lanka không có khả năng chi trả tiền điện cao như vậy do đang gặp khó khăn lớn về kinh tế.
Trên thực tế, đây là lần tăng giá điện thứ 2 của chính phủ Sri Lanka sau đợt tăng giá 75% hồi tháng 8/2022 trước đó. Theo chính phủ, tăng giá điện đang là biện pháp mới nhất nhằm giúp nước này giành được khoản vay 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Chỉ khi có khoản vay này, Sri Lanka mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá năng lượng tăng mạnh và việc cắt giảm thuế của chính quyền trước đó.
Trong diễn biến mới nhất ngày 21/2, Nội các Sri Lanka cho biết các cuộc đàm phán với IMF đang ở giai đoạn cuối. Văn phòng Tổng thống Ranil Wickeremasinghe – người vừa nhậm chức vào tháng 7 năm ngoái - cho biết chính phủ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng 3 và giảm dần lãi suất cao kỷ lục theo lạm phát.