Giá trị backlog (đơn hàng đặt trước) mảng xây dựng của C4G cuối năm 2022 còn đến 4.200 tỷ đồng. Với vị thế đầu ngành, công ty còn được kỳ vọng trúng thầu các dự án lớn thuộc sân bay quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 để duy trình tăng trưởng cho năm 2024.
Tập đoàn Cienco4 (mã chứng khoán
C4G) là một trong các doanh nghiệp được kỳ vọng lớn trong chủ đề đầu tư công “nổi sóng” từ cuối năm 2022 đến nay. Từ đầu tháng 11/2022 đến nay, cổ phiếu
C4G đã tăng hơn 50%, từ vùng giá 7.000 đồng lên gần 11.000 đồng.
Không chỉ được kỳ vọng về triển vọng ngành, kết quả kinh doanh của
C4G năm 2022 cũng khá khả quan. Trong quý 4/2022, công ty đạt doanh thu thuần hợp nhất đạt 929 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ; lãi ròng hơn 58 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ 2021 và là mức cao nhất kể từ khi lên sàn cuối năm 2018. Lũy kế cả năm 2022, Cienco4 ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.976 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 153% so với năm 2021.
Nhiều gói thầu lớn thúc đẩy doanh thu tăng trưởng
Trong báo cáo triển vọng Tập đoàn Cienco4 cập nhật ngày 28/2, VNDirect ước tính, lợi nhuận giai đoạn 2023-2024 của
C4G sẽ tiếp tục duy trì ở nền cao, nhờ giá trị backlog lớn và khả năng cạnh tranh các gói thầu lớn.
Tính đến cuối năm 2022, VNDirect ước tính giá trị backlog của
C4G khoảng 4.200 tỷ đồng, với đóng góp chính từ gói thầu dự án Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (ước tính khoảng 1.318 tỷ đồng); gói thầu XL-01 của dự án Bùng - Vạn Ninh (ước tính doanh thu mang lại khoảng 1.181 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, trong 6 tháng cuối năm 2022,
C4G đã trúng thêm 2 gói thầu: XL-04 trị giá 332 tỷ đồng thuộc Dự án Kết nối giao thông miền núi phía Bắc; gói thầu 17 trị giá 560 tỷ của Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai (
C4G kỳ vọng chiếm 50% gói thầu, liên doanh với CTCP Đầu tư Xây dựng Công trình 3).
Đầu năm 2023,
C4G tiếp tục trúng gói thầu XL-01 của dự án Hậu Giang-Cà Mau trong 13 gói thầu còn lại của Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, với thời gian thi công 36 tháng.
C4G liên doanh (kỳ vọng chiếm 30% gói thầu) với các doanh nghiệp như Trung Nam E&C, Trung Nam 18 E&C, CTCP Hải Đăng, Công ty TNHH Thi Sơn để thi công. Tổng giá trị của gói thầu này đạt 7.256 tỷ đồng - là gói thầu lớn nhất trong 13 gói thầu còn lại.
VNDirect kỳ vọng
C4G sẽ tiếp tục giành được các gói thầu với tổng giá trị ký mới ước tính 2.000 tỷ đồng từ các dự án trọng điểm quốc gia như đường băng sân bay quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 (TP HCM). Backlog ước tính cuối năm 2023 khoảng 5.563 tỷ đồng, sẽ giúp mảng xây dựng năm 2024 tiếp đà tăng trưởng.
Tính đến cuối năm 2022,
C4G đã hoàn thành 95-100% nhiều dự án lớn như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Metro Line Bến Thành Suối Tiên, Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Hầm chui Lê Văn Lương, góp phần đẩy mạnh doanh thu xây dựng của công ty, đạt gần 1.959 tỷ đồng, tăng 24 so với cùng kỳ. Trong khi đó, một số dự án lớn còn chậm tiến độ như cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, kỳ vọng cao sẽ được đẩy nhanh xây dựng khi Chính phủ quyết tâm trong giải ngân đầu tư công.
Năm 2023, VNDirect ước tính doanh thu mảng xây dựng của
C4G sẽ tăng trưởng 43% so với 2022, lên 2.818 tỷ đồng. Với các gói thầu kỳ vọng đóng góp chính vào doanh thu như cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Bùng - Vạn Ninh, Hậu Giang - Cà Mau, và các gói thầu của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 sẽ được đẩy mạnh thi công đúng tiến độ.
Năm 2022, biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng của giảm 3,9 điểm % so với cùng kỳ, đạt khoảng 6,3%, nguyên nhân chính đến từ hàng tồn kho giá nguyên vật liệu xây dựng như thép trong giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng mạnh lần lượt 42,5% và 5,7%.
Năm 2023, VNDirect cho rằng mảng xây dựng sẽ cải thiện lên mức 7,9% do giá nguyên vật liệu xây dựng giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 đã giảm mạnh, như thép giảm 5,6% so với cùng kỳ và có 15 lần giảm giá từ tháng 6-8/2022.
Tài chính lành mạnh cũng là lợi thế cạnh tranh cho
C4G khi tham gia đấu thầu. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của
C4G giảm mạnh từ mức 2,9 lần trong đầu năm xuống còn 1,32 lần, khi quý 1/2022,
C4G đã thu được 1.124 tỷ đồng từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Bên cạnh đó, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ giúp
C4G cải thiện năng lực tài chính mạnh mẽ hơn, khi đây là một trong 8 dự án BOT có bất cập được Bộ GTVT đề xuất xử lý sau khi đã có sự thống nhất với nhà đầu tư. Là một trong 2 dự án được đề xuất mua lại, VNDirect ước tính
C4G có thể thu về khoảng 1.100 tỷ đồng.
So với các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành tại cuối năm 2022, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của
C4G (1,32 lần) cũng thấp hơn đáng kể so với HHV (2,4 lần) và CTI (1,92 lần) – những doanh nghiệp cùng hoạt động trong cả lĩnh vực thu phí BOT & xây dựng hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, trong năm 2023,
C4G dự kiến phát hành theo tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu, kỳ vọng thu về khoảng 1.123 tỷ đồng để doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi ký thêm nhiều dự án mới.