Ngân hàng Silicon Valley Bank đã dừng hoạt động sáng 10/3 (giờ Mỹ), đánh dấu sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ.
Các nhà chức trách California đã đóng cửa SVB và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC có vai trò là một bên quản lý tài sản, tức là sẽ thanh lý các tài sản của ngân hàng này để trả cho các khách hàng, bao gồm cả người gửi tiền và người cho vay của SVB.
FDIC - một cơ quan chính phủ độc lập đảm bảo cho các tài khoản tiền gửi và các tổ chức tài chính nước ngoài, cho biết tất cả người cho vay được bảo hiểm tiền gửi phải tiếp cận các khoản tiền gửi được đảm bảo không muộn hơn sáng 13/3.
Vấn đề bắt đầu phát sinh ngày 8/3 khi SBV thông báo bán tháo một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này đã gây hoảng loạn ở các công ty đầu tư mạo hiểm và họ đã khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi ngân hàng này.
Thị trường chứng khoán của SBV đã đột ngột sụp đổ ngày 9/3, kéo theo các ngân hàng khác sụp đổ cùng nó. Sáng 10/3, cổ phiếu SBV bị tạm dừng giao dịch và ngân hàng đã từ bỏ nỗ lực nhanh chóng tăng vốn hoặc tìm người mua. Cổ phiếu một số ngân hàng khác như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank cũng bị tạm dừng giao dịch.
Thời điểm FDIC tiếp quản ngân hàng SVB vào giữa buổi sáng cũng là điều đáng chú ý vì cơ quan này thường đợi đến khi thị trường đóng cửa rồi mới can thiệp.
"Điều kiện của SVB đã xấu đi quá nhanh khiến cho nó không thể kéo dài dù chỉ 5 tiếng nữa. Đó là bởi những người gửi đang rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng vỡ nợ và việc đóng cửa trong ngày là điều không thể tránh khỏi", CEO của Better Markets - ông Dennis M. Kelleher cho hay.
Sự sụp đổ của SVB một phần là do việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã trấn an dư luận về tình trạng hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ đột ngột của SVB.
"Chúng tôi có các công cụ cần thiết để đối phó với những vụ việc như những gì xảy ra với SVB", ông Adeyemo nói./.