VN-Index bất ngờ bật tăng lúc đóng cửa dù độ rộng vẫn nghiêng nhiều về phía giảm cho thấy có tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Dòng tiền vào mua chiều nay vẫn rất nhỏ, kéo thanh khoản cả phiên giảm tới 25%, xuống mức thấp nhất 4 phiên, trong khi khối ngoại ngắt nhịp mua ròng 6 phiên liên tiếp...
VN-Index được kéo bật qua tham chiếu trong đợt ATC, nối dài chuỗi phiên tăng điểm sang ngày thứ 7 dù chỉ là yếu tố tăng kỹ thuật.
VN-Index bất ngờ bật tăng lúc đóng cửa dù độ rộng vẫn nghiêng nhiều về phía giảm cho thấy có tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Dòng tiền vào mua chiều nay vẫn rất nhỏ, kéo thanh khoản cả phiên giảm tới 25%, xuống mức thấp nhất 4 phiên, trong khi khối ngoại ngắt nhịp mua ròng 6 phiên liên tiếp.
Những nỗ lực đảo chiều của chỉ số đã có chút hiệu quả trong phiên chiều, lúc 1h50 VN-Index đã vượt qua tham chiếu trước khi rơi xuống trở lại. Kết thúc đợt khớp lệnh liên tục chỉ số giảm 2,53 điểm. Đột ngột đợt ATC lực kéo xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đẩy chỉ số này vọt qua tham chiếu 2,04 điểm, tương đương tăng 0,19%.
Để thay đổi điểm số nhanh nhất, các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã biến động giá tích cực. VCB đang tham chiếu thành tăng 0,54%; VIC đang giảm 0,19% thành tăng 0,19%; VHM đang giảm 1% quay về tham chiếu; BID đang giảm 0,33% thành tăng 0,43%; MSN đang giảm 0,39% thành tăng 1,55%. Hầu hết các cổ phiếu này đều đảo chiều ở đợt ATC với thanh khoản nhỏ. Điều đó cho thấy lợi thế của mặt trái khi giao dịch ít.
VN30-Index chốt phiên cũng được giật qua tham chiếu, tăng 0,25% dù độ rộng cân bằng 14 mã tăng/14 mã giảm. TCB tăng 1,63%, MSN tăng 1,55%, MBB tăng 1,67%, VNM tăng 0,67% là các trụ mạnh nhất của chỉ số này. Trong khi đó với VN-Index, thêm VCB tăng 0,54% là mã dẫn đầu.
Nhìn chung việc tăng hay giảm ở chỉ số cũng không có nhiều ý nghĩa vì về cơ bản, thị trường vẫn đang đi ngang biên độ rất hẹp. VN-Index giảm sâu nhất 0,57% và tăng cao nhất 0,19%. Độ rộng cuối ngày ghi nhận 147 mã tăng/216 mã giảm nhưng phía tăng chỉ có 60 mã tăng trên 1% và số giảm có 73 mã giảm trên 1%. Như vậy phần lớn cổ phiếu có dao động nhỏ.
Điều này có được là do thị trường vẫn mới chỉ chịu áp lực chốt lời ngắn hạn yếu. Giá giảm chủ đạo do cầu giảm. Kết quả là thanh khoản xuống mức thấp nhất 4 phiên gần đây với 7.984 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Tổng giá trị giao dịch 3 sàn cũng chỉ hơn 9.300 tỷ đồng, giảm 26% so với hôm qua.
Xếp theo thanh khoản, nhiều cổ phiếu hút được dòng tiền tốt vẫn tăng giá.
Điểm tích cực là hiện tượng phân hóa tạo ra các cơ hội khác nhau ở cổ phiếu, nhiều mã vẫn có dòng tiền tốt và không chịu ảnh hưởng của biến động từ chỉ số. HoSE hôm nay có 21 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ 6 mã giảm giá, 1 mã tham chiếu còn lại là tăng. Dù rất ít cổ phiếu tăng giá mạnh, nhưng việc duy trì được màu xanh cũng cho thấy lực bán vẫn đang được cân bằng từ phía mua. Nhóm này thanh khoản đủ lớn để tạo độ tin cậy trong dao động.
Một thay đổi khá bất ngờ trong phiên hôm nay là dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài suy yếu đáng kể. Buổi sáng khối ngoại đã mua rất nhỏ, sang chiều cũng không khá hơn gì, chỉ giải ngân thêm khoảng 388,1 tỷ đồng trong khi vẫn bán ra 404,2 tỷ đồng. Thường thì quỹ Fubon sẽ giải ngân ròng buổi chiều, nên hiện tượng suy yếu cầu ngoại cho thấy có khả năng quỹ này cũng đang chậm lại tốc độ huy động vốn mới. Thống kê từ ngày 14/3 tới 27/3, cường độ giải ngân của quỹ này từ mức khoảng trên 100 tỷ/ngày, đã sụt xuống dưới 80 tỷ đồng gần nhất. Tính chung cả phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng 208,9 tỷ đồng trên HoSE.
Đây là phiên bán ròng đầu tiên sau 6 phiên mua ròng liên tiếp. Nếu tính từ ngày 6/3 tới nay, hôm nay là phiên bán ròng thứ 2. Sau đợt tái cơ cấu của hai quỹ ETF ngoại thì thị trường chỉ còn trông chờ vào quỹ Fubon. Dòng tiền nay suy giảm sẽ khiến cường độ mua của khối ngoại giảm, trừ phi các quỹ khác hoạt động mạnh trở lại.