Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2022 – 2030 sẽ giảm khoảng 1/3 so với tốc độ trung bình của 10 năm đầu thế kỷ này, ở mức 2,2%, khi các động lực tăng trưởng yếu dần.
Ông Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, đánh giá: “Một thập kỷ của sự mất mát có thể đã đang hình thành trong nền kinh tế toàn cầu. Sự suy giảm liên tục trong tốc độ tăng trưởng tiềm năng tác động nghiêm trọng đến khả năng giải quyết hàng loạt thách thức ngày càng mở rộng hơn, như nghèo đói, chênh lệch thu nhập, và biến đổi khí hậu”.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận một xu hướng đáng lo ngại: gần như tất cả nguồn lực kinh tế thúc đẩy thịnh vượng và tiến bộ trong ba thập kỷ qua đang mờ dần.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ giảm khoảng 1/3 trong giai đoạn 2022 – 2030 so với thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.
Với các nền kinh tế đang phát triển, sự suy giảm cũng nghiêm trọng không kém. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này sẽ giảm từ mức 6%/năm trong giai đoạn 2000 – 2010 xuống còn 4%/năm trong những năm còn lại của thập kỷ này.
Sự sụt giảm này thậm chí có thể nhanh hơn nữa nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoặc suy thoái diễn ra.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva trong bài phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc mới đây dự báo 2023 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu dự kiến chậm lại ở mức dưới 3%, do tác động từ đại dịch vẫn hiện hữu, xung đột kéo dài tại Ukraine, và tình trạng thắt chặt tiền tệ đè nặng lên các hoạt động kinh tế.
Ngay cả khi triển vọng tốt hơn vào năm sau, tốc độ tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ vẫn thấp hơn rất nhiều mức trung bình khoảng 3,8%.
Bà đánh giá trong trung hạn, triển vọng có thể vẫn sẽ yếu, khi sự không chắc chắn đặc biệt cao, bao gồm cả những rủi ro về phân mảnh địa kinh tế, khi thế giới có thể bị chia cắt thành các khối kinh tế cạnh tranh.
Cùng với đó, rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã tăng lên. Quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp sang lãi suất cao hơn nhiều với mục tiêu chống lạm phát chắc chắn sẽ tạo ra căng thẳng và tổn thương. Bằng chứng là những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở một số nền kinh tế tiên tiến.
Theo ông Indermit Gill, thế giới có thể đảo ngược nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu, nâng mức giới hạn tăng trưởng thông qua các chính sách khuyến khích làm việc, tăng năng suất và thúc đẩy đầu tư.
Phân tích cho thấy tăng trưởng GDP tiềm năng có thể tăng thêm 0,7 điểm phần trăm, đạt mức trung bình năm 2,9%, nếu các quốc gia áp dụng các chính sách định hướng tăng trưởng bền vững. Điều đó sẽ biến sự chậm lại dự kiến thành sự tăng tốc của tăng trưởng GDP.
Cụ thể, báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra một số hành động chính sách ở cấp quốc gia có thể tạo ra sự khác biệt trong thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Các hành động này bao gồm điều chỉnh các khuôn khổ tiền tệ, tài khóa và tài chính; tăng cường đầu tư trong các kĩnh vực như giao thông và năng lượng, sản xuất và nông nghiệp thông minh với khí hậu; cắt giảm chi phí thương mại; đầu tư vào dịch vụ.
Cùng với đó, các quốc gia cần tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động. Nguyên nhân là bởi khoảng một nửa tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng chậm lại dự kiến cho đến năm 2030 sẽ là do thay đổi nhân khẩu học, bao gồm dân số trong độ tuổi lao động đang giảm, và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm khi xã hội già đi.