Theo dự đoán của PwC, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ là một trong những ngành dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam vào năm 2023.
Chăm sóc sức khỏe có thể sẽ là lĩnh vực hàng đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam năm 2023
Mặc dù trong năm 2022, các thương vụ M&A tại Việt Nam đã giảm cả về số lượng và giá trị giao dịch, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể sẽ đi ngược xu hướng vào năm 2023. Trong báo cáo mới đây, PwC dự đoán rằng, ngành chăm sóc sức khỏe có thể sẽ là một trong số ít lĩnh vực hàng đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2023.
Đây không phải là ý kiến của riêng PwC mà còn của một số doanh nghiệp đầu tư khác như VinaCapital, BDA Partners... Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital, nhận định rằng, lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, hoạt động phân phối thuốc và dịch vụ y tế của Việt Nam đang thực sự trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây.
Động lực của ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam
Theo công ty tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài Dezen Shira & Associates, có nhiều lí do khiến cho Việt Nam có khả năng trở thành thị trường thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Trong đó, chính sách mở cửa của Việt Nam; sự già hóa dân số; sự cải thiện về nhận thức và khả năng chi trả cho hoạt động y tế và những vấn đề còn tồn đọng trong hệ thống y tế công là những yếu tố then chốt.
Thứ nhất, sự cởi mở của thị trường đang khiến cho ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Khi tham gia vào hiệp định thương mại EVFTA, Viêt Nam đã loại bỏ thuế quan đối với khoảng 71% sản phẩm dược phẩm, đồng thời sẽ dần loại bỏ các loại thuế quan còn lại khi hiệp định được thực thi đầy đủ.
Là một phần của hiệp định, Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU nhập khẩu dược phẩm vào Việt Nam và thành lập các công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm.
Điều này sẽ khiến cho người tiêu dùng của Việt Nam được sử dụng các loại thuốc chất lượng cao hơn, đồng thời cũng làm tăng lợi nhuận của các công ty EU đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Thứ hai, kể từ năm 2017, dân số Việt Nam đã chính thức bước vào 'giai đoạn già hóa' với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo McKinsey, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam sẽ lên tới 75,4 tuổi và số lượng người cao tuổi sẽ chiếm đến hơn 17% dân số Việt Nam vào năm 2030.
Trong các gia đình Việt Nam, các thành viên rất thân thiết với nhau. Nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống sống chung nhiều thế hệ. Với sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng trung lưu Việt Nam, việc chi tiêu để cải thiện sức khỏe cho những người cao tuổi trong gia đình cũng tăng lên, từ đó làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thứ ba, đại dịch Covid-19 đã khiến cho người dân Việt Nam ngày càng chú ý nhiều hơn đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trong đại dịch, hệ thống y tế trong nước đã triển khai nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa. Những chiến dịch đó có thể là những video ngắn, những biểu đồ minh họa và những bài hát khuyến khích người dân rửa tay, đeo khẩu trang, bổ sung chất dinh dưỡng, chăm chỉ luyện tập thể dục, thể thao và tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Những hành động này đã có tác động lâu dài đến ý thức cộng đồng, khiến cho phần lớn dân số quan tâm đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của bản thân và gia đình.
Trong khi đó, hệ thống y tế Việt Nam vẫn gặp phải tình trạng quá tải tại các bệnh viện công. Do đó, thay vì chữa trị trong nước, nhiều người dân có mức sống cao đã ra nước ngoài để điều trị. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người dân Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa trị.
Tuy nhiên, nếu đầu tư và trang bị tốt, một mạng lưới bệnh viện tư nhân trong nước hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam, giải quyết vấn đề sức khỏe và tiết kiệm một lượng lớn tiền bạc cho nền kinh tế.
Nhìn chung, tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam có khả năng đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.
Tình hình M&A trong lĩnh vực y tế Việt Nam
Trong thời gian qua, ngành dược phẩm Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn, bao gồm: Mekophar (Việt Nam) và Nipro Pharma (Nhật Bản), Imexpharm (Việt Nam) và SK Group (Hàn Quốc), Pymepharco (Việt Nam) và STADA Service Holdings B.Vor (Đức), và Hataphar (Việt Nam) và Dược phẩm ASKA (Nhật Bản).
Với nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp, các công ty dược Việt Nam ngày càng được các doanh nghiệp nước ngoài ưa chuộng. Với các thương vụ M&A này, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhượng quyền hoặc mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước, sau đó xuất khẩu sản phẩm do họ sản xuất ra thị trường toàn cầu.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu đầy tham vọng: đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất dược phẩm có giá trị cao với kim ngạch xuất khẩu dược phẩm đạt 1 tỷ USD vào năm 2030. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ quan nhà nước đưa ra nhiều chính sách, hành động nhằm phát triển ngành dược phẩm trong nước.
Đối với ngành công nghệ y tế và y tế từ xa, mặc dù chưa có khoản đầu tư nước ngoài nào quá nổi bật trong thời gian qua, ngành này đang có những tín hiệu phát triển.
Một nghiên cứu về COVID-19 cho thấy, sau đại dịch, có tới 33% bệnh nhân trong độ tuổi lao động ở Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua ứng dụng di động. Ngoài ra, việc nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ y tế trong nước (như JioHealth và Med247) huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ y tế.
Về hệ thống các cơ sở y tế, các bệnh viện và phòng khám tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng của tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện công. Những năm gần đây, việc sử dụng hệ thống y tế tư nhân ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, những cái tên nổi bật nhất có thể kể đến các bệnh viện tư nhân trong nước như Vinmec, Pháp Việt, Thu Cúc...