BID là một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023. Chất lượng tài sản ngày một cải thiện sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu đáng kể chi phí dự phòng trong thời gian tới, thúc đẩy lợi nhuận. Tuy nhiên, giá cổ phiếu BID tới nay cũng đã tăng mạnh khoảng 50% từ mức sụt giảm chung toàn thị trường giai đoạn cuối năm 2022.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) là một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023.
Agriseco khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BID, hướng tới giá mục tiêu là 50.000 đồng/cp. Hình minh họa
Chất lượng tài sản ngày một cải thiện sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu đáng kể chi phí dự phòng trong thời gian tới, thúc đẩy lợi nhuận. Tuy nhiên, giá cổ phiếu tới nay cũng đã tăng mạnh khoảng 50% từ mức sụt giảm chung toàn thị trường giai đoạn cuối năm 2022. Do vậy, Agriseco Research khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu BID, hướng tới giá mục tiêu là 50.000 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của BID đạt 5.381 tỷ đồng (+91% so với cùng kỳ) nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 17.680 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng giảm 25% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 23.058 tỷ đồng (+70% so với cùng kỳ), hoàn thành 112% kế hoạch cả năm với đóng góp chính từ thu nhập lãi thuần tăng 20% so với cùng kỳ, lãi hoạt động ngoại hối tăng mạnh 66% so với cùng kỳ trong khi chi phí dự phòng giảm 19% so với cùng kỳ.
Tín dụng tăng trưởng tốt: Tổng tín dụng của BID tăng 12,1% so với đầu năm và sử dụng gần hết hạn mức được cấp là 12,7%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12,4% trong khi giá trị trái phiếu doanh nghiệp giảm 9% so với cùng kỳ và chỉ chiếm tỷ trọng gần 1% dư nợ tín dụng. Việc trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng tín dụng có thể giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro từ những biến động trên thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
NIM vẫn được duy trì: NIM cuối năm 2022 đạt 2,98% tăng so với mức 2,86% cuối năm 2021. Kỳ vọng NIM của BID thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì mức khả quan nhờ vị thế của một ngân hàng nhà nước cùng việc tích cực đẩy mạnh mảng bán lẻ và công nghệ số.
Kế hoạch tăng vốn: Trong năm 2023, BID dự kiến chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 455,27 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 9%. Điều này sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực về vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Chất lượng tài sản ngày càng cải thiện: Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại thời điểm cuối năm 2022 của BID dù tăng nhẹ lên 1,16% từ mức 0,98% cuối năm 2021 nhưng vẫn ở top thấp trong ngành. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được duy trì ở mức cao nhất trong các năm gần đây, trên 200% cùng việc đã trích lập dự phòng đủ 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu (thay vì phân bổ trong 3 năm) sẽ giúp BID củng cố bộ đệm an toàn vốn đồng thời tạo nguồn lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai.
Về góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu BID hiện đang tiến sát về vùng đỉnh cũ với thanh khoản có xu hướng giảm dần. Mặc dù hiện tại xu hướng ngắn hạn của BID hiện vẫn đang tăng giá, tuy nhiên hiện tượng phân kỳ âm giữa đường giá và RSI đã xuất hiện, do đó nhà đầu tư chưa nên tham gia mua vào ở vùng giá hiện tại.
Nhà đầu tư có thể lưu ý quanh vùng 40.000 đồng/cp là ngưỡng hỗ trợ quan trọng, với mức giá mục tiêu là 50.000 đồng/cp.