• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 11:08:10 CH - Mở cửa
Xây dựng thương hiệu nông sản trong hệ sinh thái chế biến để xuất khẩu
Nguồn tin: Báo Hải quan | 14/04/2023 7:55:00 SA
Từ câu chuyện của thương hiệu sâm Hàn Quốc, sữa bò Ireland… cho thấy để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản cần có cả một hệ sinh thái công nghiệp đi kèm để mang lại giá trị lớn cho các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị.
 
 
Chế biến, đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu.
 
Chìa khóa chế biến sâu
 
Tham dự tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do báo Thanh niên tổ chức mới đây, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood - người được mệnh danh là “phù thủy marketing” đã chia sẻ câu chuyện về ngành công nghiệp sữa của Ireland. Từ một lít sữa có giá chỉ 10.000-30.000 đồng, Ireland đã phát triển công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp thực phẩm để tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá tới hàng trăm nghìn đồng. Chính nhờ đó mà người nuôi bò và những người tham gia trong chuỗi giá trị này đều cảm thấy hạnh phúc và luôn muốn làm ra sản phẩm sữa tốt nhất để cạnh tranh khắp thế giới.
 
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương: Lựa chọn sản phẩm có lợi thế
 
 
Theo chương trình Thủ tướng Chính phủ giao từ năm 2019, phải phát triển thương hiệu thực phẩm đối với 9 mặt hàng: chè, cà phê, tiêu, hạt điều, rau quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi, mật ong. Nhưng trước mắt không thể đưa hết những mặt hàng này vào làm thương hiệu mà cần có sự chọn lựa, tính toán xem mặt hàng nào có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh để xây dựng. Ngay như mặt hàng gạo cũng rất khó làm thương hiệu vì Việt Nam có tới 100 giống lúa, không biết chọn giống nào, trong khi Thái Lan và các nước khác chỉ có 1-2 giống. Quan trọng nhất là phải xây dựng thương hiệu sản phẩm trong hệ sinh thái chế biến, giúp nâng cao giá trị gia tăng và vượt qua rào cản để xuất khẩu.
 
Câu chuyện của thương hiệu sâm Hàn Quốc cũng tương tự như vậy. Một củ sâm Hàn Quốc có giá chỉ vài USD nhưng Hàn Quốc không bán củ sâm đó mà tạo ra cả một hệ sinh thái cho sản phẩm này. Các trường đại học, viện nghiên cứu liên tục ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm từ củ sâm dùng cho trẻ em, người già, làm đẹp… Nhà nước bảo trợ cho những showroom sâm uy tín mà bất cứ du khách nào đến Hàn Quốc cũng phải ghé qua để nghe về sâm Hàn Quốc và mua những sản phẩm được tạo ra từ sâm. Các khuyến nghị về lợi ích của sâm Hàn Quốc cũng liên tục được tung ra cùng với việc quảng bá thông qua phim ảnh…
 
Từ 2 câu chuyện kể trên, ông Trần Bảo Minh nhấn mạnh, làm thương hiệu không phải chỉ là làm sản phẩm, dán nhãn lên rồi mang đi xuất khẩu mà cần xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp để tạo ra lợi nhuận lớn. Khi tất cả các đối tượng tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi, đều có lợi nhuận và đều muốn bỏ tiền vào đầu tư thì lúc đó nông sản Việt Nam mới có được thương hiệu.
 
Dù chưa có được những thương hiệu quốc gia đình đám như sâm Hàn Quốc, sữa Ireland, nhưng trên thực tế, một số DN của Việt Nam đã xây dựng được những thương hiệu riêng có dấu ấn trên thị trường quốc tế. Bí quyết của những DN cũng nằm ở công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cho biết, sau khi tình cờ phát hiện một vùng trồng cà phê arabica lớn ở Sơn La, ông đã liên hệ với một công ty của Mỹ để mua dây chuyền máy móc từ Columbia và cùng các kỹ sự xây dựng nhà máy chế biến cà phê lớn tại đây.
 
“Sau khi xây dựng được thương hiệu Blue Sơn La, giá cà phê tươi ở đây từ 6.500 đồng/kg đã có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, sản xuất được khoảng 400.000 tấn. Giá bán cà phê arabica của Sơn La cũng cao hơn rất nhiều các loại cà phê nội địa của Việt Nam hiện nay” – ông Thông cho biết. Để làm được điều này, theo ông Thông, phải đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sâu một cách bài bản và kiên định làm thương hiệu.
 
Tương tự, tại TTC Group, bên cạnh thương hiệu đường TTC Sugar, DN này cũng đã xây dựng nhà máy chế biến nước dừa Cocoxim lớn nhất Việt Nam. Nhờ đó, từ chỗ chủ yếu chỉ dùng để làm nước màu, giá trị thấp, hiện 90% sản phẩm nước dừa đóng hộp của Cocoxim được xuất khẩu đi các nước. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC Group cho biết, mới đây, TTC Group còn làm thêm sản phẩm sữa dừa và được cộng đồng người Hồi giáo - vốn không sử dụng sữa có nguồn gốc từ động vật, đón nhận tích cực.
 
Cần vùng nguyên liệu lớn
 
Đến từ Thái Lan, đất nước có rất nhiều sản phẩm tương đồng với Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu mạnh, ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam nhận xét, Việt Nam cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều quốc gia khác cũng có thể sản xuất được. Theo đó, cần lựa chọn sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. “Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải luôn nâng tầm tiêu chuẩn chất lượng lên cao hơn để thế giới chấp nhận và phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia” – ông Boonlap Watcharawanitchakul chia sẻ.
 
Ông Boonlap Watcharawanitchakul cũng chỉ ra rằng, nhiều vùng tại Việt Nam đã sản xuất được con tôm có kích cỡ lớn khoảng 15 con/kg, nhiều nước chưa làm được điều này trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới rất cao. Theo đó, cần truyền thông mạnh mẽ để ai muốn thưởng thức tôm cỡ lớn thì phải tìm đến Việt Nam.
 
Trong câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, một vấn đề được nhiều chuyên gia và DN đặt ra đó là việc tổ chức sản xuất quy mô lớn để tạo ra lượng nguyên liệu lớn, đồng nhất về chất lượng. Ví dụ như trong ngành gạo, GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu trong ngành này chỉ ra rằng, hầu hết DN không có diện tích lớn để canh tác, muốn có gạo xuất khẩu thì chủ yếu phải mua qua thương lái. Ngay cả Vinafood là công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có vùng nguyên liệu. Bản thân ông Hồ Quang Cua – cha đẻ của giống lúa ST25 cũng chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng để có nguyên liệu đồng nhất. Trong câu chuyện thành công của cà phê Blue Sơn La, đường TTC Sugar, nước dừa Cocoxim… cũng cho thấy vai trò rất lớn của vùng sản xuất quy mô lớn.
 
Từ thực tế đó, ở góc độ địa phương, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đề xuất, để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và DN thiết lập các vùng chuyên ngành sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
 
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng thừa nhận rằng nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại là khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản. Theo đó, cần phải có vùng sản xuất lớn, quản lý chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.
 

Cổ phiếu liên quan