Các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi dữ liệu bán lẻ tháng 3 được công bố.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 143,22 điểm, tương đương 0,42%, xuống 33.886,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,21% còn 4.137,64 điểm. Cùng chung đà giảm, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,35%, chốt phiên ở ngưỡng 12.123,47 điểm.
Diễn biến của chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 15/4 ăn mòn mức tăng “khiêm tốn” của cả ba chỉ số trong tuần này. Khép lại tuần giao dịch vừa qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,2%, tuần tăng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận mức tăng 0,79%, Nasdaq tăng 0,29%, tuần tăng thứ tư trong năm tuần gần nhất.
Đà giảm được ghi nhận rộng khắp trên các nhóm ngành. Bất động sản giảm mạnh nhất trong nhóm S&P 500 với 1,7% trong bối cảnh lĩnh vực này chịu tác động tiêu cực từ môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt.
Doanh số bán lẻ tại nền kinh tế số một thế giới giảm 1% trong tháng 3, nhanh gấp hai lần dự báo của giới chuyên gia. Người tiêu dùng chi tiêu ít hơn đối với nhiều nhóm hàng hóa, đặc biệt là nhiên liệu.
Thông tin trên khiến cho báo cáo kết quả kinh doanh quý I của một số ngân hàng lớn không mang nhiều ý nghĩa. JPMorgan Chase ghi nhận doanh thu kỷ lục giúp cổ phiếu của ngân hàng này tăng hơn 7%. Lợi nhuận của Wells Fargo và Citigroup cũng đều cao hơn dự báo của giới chuyên gia trong quý đầu năm. Kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng được nhà đầu tư hết sức quan tâm trong bối cảnh một số định chế tài chính sụp đổ thời gian qua.
Tuy nhiên, trước khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế, mùa báo cáo lợi nhuận quý I được dự báo mang ít gam màu sáng. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Refinitiv nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sụt giảm 5% quý vừa qua khi họ phải đương đầu với lạm phát và lãi suất cao.
Trên thị trường năng lượng quốc tế, các chỉ số giá dầu đồng loạt bật tăng sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,22 USD, tương đương 0,3%, lên 86,31 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,36 USD, tương đương 0,4%, lên 82,52 USD/thùng.
Chốt tuần, Brent tăng 1,5%, WTI tăng 2,4%. Cả hai chỉ số giá dầu ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp trong bối cảnh quan ngại khủng hoảng ngân hàng thuyên giảm trong khi OPEC+ bất ngờ quyết định giảm sản lượng. Chốt tuần, Brent tăng 1,5%, WTI tăng 2,4%.
Trong báo cáo tháng mới nhất, IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ có thể tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 lên ngưỡng cao kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày nhờ vào đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu nhiên liệu máy bay chiếm tới 57% tổng mức tăng đó, cơ quan này nhận định.
Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo các quyết định cắt giảm sản lượng thời gian qua (từ OPEC+ và Nga) có thể gây ra tình trạng thiếu cung, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng.
Cơ quan này dự báo tổng cung dầu toàn cầu giảm khoảng 400.000 thùng/ngày tính tới cuối năm 2023 do OPEC+ cắt giảm 1,4 triệu thùng trong khi sản lượng tại các quốc gia nằm ngoài khối này chỉ tăng 1 triệu thùng.
Góp phần kéo tăng giá dầu, số lượng giàn khoan khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Mỹ, chỉ dấu dự báo nguồn cung trong tương lai, giảm ba tuần liên tiếp, theo dữ liệu từ Baker Hughes. Trong tuần vừa qua, tổng số giàn khoan dầu là 588 trong khi giàn khai thác khí đốt giảm từ 158 xuống còn 157.
GÃ ĐẦU TƯ - Tổng hợp