• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 5:38:03 CH - Mở cửa
Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp
Nguồn tin: Báo Quảng Ninh | 15/04/2023 9:15:00 CH
Sản xuất ngành công nghiệp ở Quảng Ninh thời gian qua chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP, giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của các ngành, trong quý I/2023, sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh có chiều hướng chững lại, chưa đạt kỳ vọng. 
 
 
Xuất khẩu than tại cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả).
 
Nhận diện đúng nguyên nhân
 
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp quý I/2023 của tỉnh mặc dù tăng 3,9%, nhưng thấp hơn 4,1 điểm % so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn 0,55 điểm % so với kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2023, chiếm tỷ trọng 46,5% trong GRDP, đóng góp 1,82 điểm % trong tăng trưởng GRDP.
 
Điều đáng chú ý, ngành công nghiệp khai khoáng luôn được coi là chủ lực, với vai trò tiên phong của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đóng góp tích cực cho tăng trưởng GRDP của tỉnh, tuy nhiên, trong quý I/2023, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,85% kế hoạch, thấp hơn 1,02 điểm % so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% trong GRDP, làm giảm 0,15 điểm % trong tăng trưởng GRDP.
 
Sản lượng than sạch sản xuất đạt 10,6 triệu tấn, thấp hơn 0,24 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn 0,19 triệu tấn so với kịch bản của tỉnh. Qua phân tích, đánh giá của ngành Than, nguyên nhân được xác định là do vướng mắc về quy hoạch, cấp phép mỏ sản xuất, khai thác than. Ví dụ, Mỏ than Cao Sơn, do vướng mắc về thủ tục cấp phép gia hạn khai thác, chồng lấn các dự án nên đơn vị khai thác huy động trang thiết bị máy móc, nhân lực hạn chế, dẫn đến quý I sản lượng khai thác chỉ đạt 948.000 tấn, bằng 50,9% so với cùng kỳ.
 
Mỏ than Cọc Sáu được phép khai thác vẫn đang xử lý bùn đất, chưa khai thác được do không có diện tích mở rộng nên quý I sản lượng khai thác đạt 143.000 tấn, bằng 40,52% cùng kỳ 2022.
 
Mỏ than Hà Tu diện tích khai thác bị thu hẹp nên quý I sản lượng khai thác đạt 463.000 tấn, bằng 62,87% so với cùng kỳ.
 
 
Sản lượng than sạch sản xuất trong quý I/2023 đạt 10,6 triệu tấn, thấp hơn 0,24 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022. (Trong ảnh: Sản xuất than tại Công ty CP Than Cao Sơn).
 
Cũng như ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 mặc dù có tăng 10,8% so kế hoạch song vẫn thấp hơn 12,55 điểm % so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 12,4% trong GRDP, đóng góp 1,4 điểm % trong tăng trưởng GRDP. Chỉ có 5/14 sản phẩm chế biến, chế tạo đạt và vượt kịch bản tăng trưởng GRDP quý I, bao gồm: Vòng tay thông minh đạt 164,3%, tấm silic đạt 125,5%, tấm sàn Vinil tines đạt 114,3%, thân mũ đạt 137,3%, dầu thực vật đạt 107%; còn lại 9/14 sản phẩm không đạt kịch bản, gồm: Bột mỳ các loại đạt 82,4%, màn hình ti vi đạt 69%, loa và tai nghe đạt 73,3%; vải dệt kim đạt 50%, sợi bông cotton đạt 74,4%, quần áo đạt 60%...
 
Nguyên nhân các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo lại chiếm số lượng lớn chưa đạt kế hoạch đề ra, đó là do giá cả leo thang, thị trường tiêu thụ cạnh tranh, hạn hẹp, xung đột vũ trang, chính sách tiền tệ thế giới luôn thay đổi dẫn đến các đơn vị sản xuất trong tỉnh không có đơn hàng phát sinh mới, dẫn đến hoạt động sản xuất cầm chừng.
 
 
Sản xuất bột mỳ tại Công ty TNHH Sản xuất bột mỳ Vimaflour (KCN Cái Lân). Ảnh: Mạnh Trường
 
Quý I/2023, Công ty TNHH Sản xuất bột mỳ Vimaflour mới sản xuất đạt 82,4% kế hoạch quý đề ra.
Điển hình, tại Công ty TNHH Sản xuất bột mỳ Vimaflour, bình quân mỗi ngày sản xuất 1.500 tấn bột mỳ, cung cấp cho hơn 30 nhãn hiệu bột mỳ cho các khách hàng trong sản xuất bánh kẹo, bánh mỳ, mỳ ăn liền và các ngành chế biến có sử dụng bột mỳ khác. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ khó khăn, đến hết quý I/2023, đơn vị mới sản xuất đạt 82,4% kế hoạch quý. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm trước, đơn vị đã sản xuất đạt gần 95% kế hoạch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.
 
Ngành công nghiệp sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước trong quý I/2023 cũng không khá hơn, khi chỉ số sản xuất chỉ tăng 3,5%, thấp hơn 2,99 điểm % so với cùng kỳ, thấp hơn 1,61 điểm % so với kịch bản tăng trưởng GRDP quý I, chiếm 17,8% trong GRDP, đóng góp 0,55 điểm % trong tăng trưởng GRDP.
 
Cần giải pháp cụ thể
 
Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3, kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH quý I/2023, các sở, ngành, địa phương đều khẳng định, chất lượng tăng trưởng kinh tế quý I chưa thực sự bền vững, trong đó thiếu sự đóng góp lớn của ngành công nghiệp.
 
Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu cả năm 2023 theo Nghị quyết số 12-NQ/TU (28/11/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND (9/12/2022) của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đòi hỏi quý II GRDP phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 9,51%, lũy kế tăng trưởng 6 tháng đạt 8,8%. Trong đó, xác định ngành công nghiệp - xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng quý II đạt 7,08%, lũy kế 6 tháng tăng 6,15%.
 
 
Sản xuất vải dệt tại Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà). Ảnh: Mạnh Trường
 
Sản xuất sản phẩm vải dệt tại Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).
Đạt được mục tiêu này đề ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 686/UBND-TH4 (29/3/2023) của UBND tỉnh, hiện nay các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đang tích cực rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển ngành công nghiệp, từ đó tập trung giải quyết dứt điểm bằng những việc làm, hành động cụ thể. Trước mắt, Sở Công Thương cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với ngành Than tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất khai thác các mỏ..., tạo điều kiện để ngành tăng cường đầu tư, hoàn thành các dự án nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng trong nước, trọng tâm là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả Thông báo số 67/TB-VPCP (ngày 7/3/2023) của Văn phòng Chính phủ.
 
Được biết, sau khi có chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngành Than đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác, sản xuất, kinh doanh than và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục, giấy phép liên quan đến các dự án xuống sâu, dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất, nhất là đối với các dự án đầu tư mang tính chất nền tảng, có tính quyết định đến tuổi thọ của mỏ.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Quý II là thời gian vàng để nâng cao sản lượng khai thác, sản xuất than cả năm, vì vậy, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất; tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư lớn như Đèo Nai, Cọc Sáu, Khe Chàm II, IV, nhất là dự án nâng công suất mỏ Cao Sơn 4,5 triệu tấn/năm. Đồng thời, thúc đẩy công tác thăm dò, phát triển tài nguyên, hoàn tất thủ tục gia hạn giấy phép khai thác và triển khai các dự án đầu tư mới; bám sát công suất thiết kế, các đơn vị rà soát lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 để cân đối lại sản lượng và tăng cường giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là các đơn vị khó khăn.
 
 
Sản xuất mũ xuất khẩu tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (KCN Việt Hưng).
 
Cùng với tháo gỡ khó khăn cho ngành Than, hiện các cấp, các ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đang bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, mở rộng nhà xưởng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ GPMB, giải quyết thủ tục pháp lý, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 KCN Đông Mai và dự án nhà ở xã hội tại KCN này.
 
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Đơn vị cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án của Tập đoàn Thành Công tại KCN Việt Hưng theo Quyết định số 2251/QĐ-UBND (ngày 12/7/2022) của UBND tỉnh; hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục pháp lý triển khai đầu tư các dự án thành phần thuộc Tổ hợp dự án Nhà máy, nhà xưởng cao cấp khu vực Đầm Nhà Mạc theo Quyết định số 739/QĐ-UBND (ngày 25/3/2022) của UBND tỉnh.
 
Để góp phần gia tăng năng lực sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp tích cực cho nguồn thu NSNN và tăng trưởng kinh tế cả trong trước mắt cũng như lâu dài, các sở, ngành của tỉnh cần chủ động, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án FDI thứ cấp vào địa bàn KCN, KKT; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện thủ tục về đất đai, quy hoạch và xây dựng; trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương thu hút và cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đảm bảo đúng hoặc sớm hơn so với tiến độ đăng ký của nhà đầu tư.
 
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Với chức năng, quyền hạn, Sở Công Thương cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất. Cùng với hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, đơn vị đang cùng với ngành Than rà soát các quy định về an toàn mỏ, bãi thải trước mùa mưa bão nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định; phối hợp với UBND các địa phương, Công ty Điện lực Quảng Ninh rà soát tình hình cấp điện tại các khu vực dân cư có chất lượng điện áp thấp, lưới điện không đảm bảo an toàn, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo; đặc biệt phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh rà soát nhu cầu sử dụng điện tại các KCN, KKT làm cơ sở đề nghị ngành điện triển khai đầu tư hạ tầng cấp điện đảm bảo an toàn, ổn định.