• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 1:42:14 SA - Mở cửa
Thanh Hóa: Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp may mặc gặp khó
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa | 05/04/2023 6:40:00 SA
Những tháng đầu năm 2023, chỉ có ít doanh nghiệp (DN) của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh bảo đảm đơn hàng, còn lại đa số thiếu hụt từ 30 đến 70%, khiến DN may mặc khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giữ chân người lao động.
 
 
Sản xuất tại Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Ảnh: Hương Thơm
 
DN “khát” đơn hàng
 
Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam tại xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019, hiện đang sử dụng khoảng 1.000 công nhân. Năm 2022 dù gặp khó khăn do bất ổn chính trị, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, song công ty vẫn giữ vững được thị trường và các đơn hàng. Nhờ đó, việc sản xuất, kinh doanh của công ty trong năm qua đạt 6 triệu sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra.
 
Tự tin với kết quả đạt được, năm 2023 Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam mở rộng thêm 5 chuyền sản xuất, tuyển thêm hơn 100 công nhân. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn hàng của công ty sụt giảm 30%. Theo đó, việc làm của người lao động không được bảo đảm. Từ đầu năm đến nay công nhân hầu như không được tăng ca, nên ảnh hưởng đến thu nhập.
 
Đại diện công ty cho biết: 100% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện tình hình tiêu dùng ở thị trường này đang giảm sút nên đơn đặt hàng theo đó cũng giảm theo. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, đây là thời điểm mà công ty gặp khó khăn nhất về đơn hàng. Thông qua việc nắm bắt thông tin từ các bạn hàng, thời gian tới, dự báo tình trạng thiếu hụt đơn hàng sẽ còn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng.
 
Hơn 2 tháng nay, Công ty TNHH IVORY Việt Nam tại thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc không thể bảo đảm việc làm cho hàng nghìn công nhân vì thiếu đơn hàng. Chị Hoàng Thị Phượng ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, cho biết: “Từ đầu năn đến nay, tôi và hàng nghìn công nhân khác trong phân xưởng luôn phải cắt giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, thu nhập vì thế giảm chỉ còn 50% so với những năm trước”. Được biết từ đầu năm 2023 đến nay, công ty bị sụt giảm khoảng 50% đơn hàng. Thiếu hụt đơn hàng, nên DN đành áp dụng biện pháp cắt giảm giờ làm của công nhân. Thậm chí có thời điểm DN còn phải luân chuyển, gửi gắm hàng trăm công nhân sang các công ty may khác để làm việc nhằm duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân.
 
Các DN may mặc lớn đã khó, các DN may mặc nhỏ càng khó khăn về đơn hàng. Đơn cử như Công ty TNHH may Bảo Châu ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh. Là DN nhỏ, quy mô chỉ có 70 đầu máy, với 30 công nhân. Hơn nữa, công ty lại mới vừa đi vào hoạt động được hơn 1 năm, chưa phát triển được bạn hàng “ruột”, nên từ đầu năm đến nay các đơn hàng của công ty gần như bị “đóng băng”. Trước mắt, công ty chỉ biết gom nhặt các đơn hàng nhỏ từ tiểu thương để may gia công quần áo bán tại chợ hoặc các túi xách để duy trì việc làm cho công nhân.
 
Chủ động khắc phục khó khăn
 
May mặc hiện là ngành tạo nhiều việc làm nhất trên địa bàn tỉnh, với khoảng 300.000 lao động, chiếm tới hơn 60% số lao động toàn ngành công nghiệp. Việc các DN may mặc bị giảm sút, thiếu đơn hàng đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng trăm nghìn công nhân.
 
 
Sản xuất tại Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.
 
Theo phân tích của Sở Công Thương, do yếu tố bất ổn chính trị, lạm phát gia tăng cao, người dân tiết giảm chi tiêu, nên mặt hàng may mặc bị ảnh hướng khá lớn. Dự báo tình trạng thiếu hụt đơn hàng may mặc sẽ còn tiếp diễn. Lường trước được vấn đề này, các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt để khắc phục khó khăn.
 
Để giữ được công nhân, Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam đã chia sẻ tình hình thực tế về vấn đề thiếu hụt đơn hàng đến tất cả công nhân để công nhân chia sẻ, đồng hành cùng ban giám đốc vượt qua giai đoạn khó khăn này. Công ty cũng xây dựng 2 phương án về việc duy trì sản xuất và việc làm cho công nhân. Thứ nhất là cắt giảm bớt số lượng công nhân. Thứ hai là cắt giảm giờ làm để duy trì số lượng công nhân. Sau khi tham khảo ý kiến của công nhân, ban giám đốc công ty quyết định cắt giảm giờ làm. Phương án này được tuyệt đại đa số công nhân ủng hộ. Hiện tại, hơn 1.000 công nhân của công ty đang duy trì ngày làm việc 8 tiếng, không tăng ca và được nghỉ thứ 7, chủ nhật. Để chủ động được đơn hàng, công ty đã gặp gỡ, đàm phán với một số bạn hàng nhờ chia sẻ đơn hàng. Bên cạnh đó, nhận định thị trường Mỹ sẽ còn bất ổn trong thời gian dài, công ty đã tìm kiếm, đấu mối và mời một số DN của Hàn Quốc và Nhật Bản sang khảo sát, mở ra hy vọng có thêm thị trường mới.
 
Công ty TNHH IVORY Việt Nam tại thị trấn Hậu Lộc đã phải gửi tạm thời hàng trăm công nhân đến một số DN khác trên địa bàn huyện để sản xuất. Đại diện Công ty TNHH IVORY Việt Nam cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Hậu Lộc có tới 11 DN may mặc được phân bố đều ở các vùng của huyện. Hơn nữa, thời gian qua các DN trên địa bàn đều hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Công ty mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ của chính quyền địa phương và người lao động trong thời gian tới để đơn vị sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, từ năm 2022 đến nay các đơn hàng cho ngành dệt may bị giảm sút. Những tháng đầu năm 2023, tình trạng thiếu đơn hàng càng trở nên trầm trọng. Hiện chỉ có số ít DN của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh bảo đảm đơn hàng, còn lại đa số đang thiếu hụt các đơn hàng từ 30 đến 70%. Điều này khiến cho các DN may mặc khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất. Để giải quyết khó khăn cộng đồng DN may mặc trong tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ nhau tìm kiếm và chia sẻ đơn hàng cũng như quyền lợi, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 
Để ngành dệt may phát triển bền vững
 
 
May mặc là ngành sử dụng tới 60% số lao động công nghiệp của tỉnh nên việc xảy ra tình trạng DN thiếu đơn hàng đã và đang làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của hàng trăm nghìn lao động.
 
Để phát triển bền vững ngành may mặc giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã định hướng các dự án may mặc, da giày cần được thu hút đầu tư có chọn lọc tại huyện đồng bằng và ven biển. Đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi để thu hút lao động tại chỗ và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ hạn chế và dừng thu hút đầu tư mới các dự án may mặc, da giày, khuyến khích các DN may mặc, da giày đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, quy trình quản lý để nâng cao công suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
 
Để bảo đảm lộ trình phát triển này cho ngành may mặc, Sở Công Thương cần sự vào cuộc của sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc thu hút đầu tư, phát triển DN may mặc. Đồng thời, mong muốn DN may mặc tiếp tục nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, bám sát thị trường, xây dựng phương án, chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế, bảo đảm việc làm cho người lao động.
 
Phạm Bá Oai
 
Giám đốc Sở Công Thương
 
Đồng hành cùng doanh nghiệp may mặc tìm kiếm đối tác, đơn hàng
 
 
Hiện nay chỉ có khoảng 20% số DN dệt may trên địa bàn tỉnh có đơn hàng, duy trì sản xuất đều đặn, hơn 30% DN giữ được ổn định, số DN còn lại bị thiếu đơn hàng.
 
Để duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, cách ngành, phần lớn DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động thực hiện nhiều phương án, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh để thích ứng. Mặt khác, DN cũng chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước để nhận thêm những đơn hàng theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
 
Thời gian quan, Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa đã liên tục tổ chức tọa đàm, kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện cho DN ổn định sản xuất. Hiệp hội cũng định hướng cho các DN may mặc không nên phụ thuộc vào thị trường đang có sự bất ổn như Hoa Kỳ và EU. Đồng thời, không bó buộc vào thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, mà bắt đầu dịch chuyển sang nước Nga và các nước Trung Đông. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng tư vấn cho các DN đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ để thích ứng với điều kiện thực tế.
 
Trịnh Xuân Lâm
 
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa
 
Doanh nghiệp đồng lòng hỗ trợ nhau vượt qua thời điểm khó khăn
 
 
Huyện Hậu Lộc hiện có 11 DN kinh doanh ngành may mặc đang tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Từ năm 2022 đến nay các DN may mặc trên địa bàn luôn trong tình trạng thiếu đơn hàng.
 
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, DN may mặc trên địa bàn huyện chọn cách hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau những đơn hàng. Ngoài ra, để hỗ trợ nhau trong việc giữ người lao động, có DN chấp nhận để DN bạn gửi công nhân làm việc tạm thời trong công ty đến khi đơn vị có đơn hàng sẽ để công nhân quay trở lại làm việc.
 
Để chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng các DN vượt qua khó khăn, huyện Hậu Lộc đã và đang vận động, khuyến khích các DN may mặc cùng nhau chia sẻ khó khăn cũng như lợi ích. Cùng với đó, UBND huyện Hậu Lộc đang tích cực xúc tiến thương mại, tạo điều kiện, cơ hội để các DN may mặc trên địa bàn huyện gặp gỡ đối tác, tìm kiếm đơn hàng.
 
Yên Tuấn Hưng
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc
 
Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn hàng
 
 
Để vượt qua giai đoạn thiếu đơn hàng trầm trọng như hiện nay, cộng đồng DN trong ngành may mặc đã và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng. Đây được xem như yêu tố “sống còn” của DN trong bối cảnh như hiện nay. Công ty TNHH may Bảo Châu, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh là DN dệt may có quy mô nhỏ, để có thể tồn tại, duy trì sản xuất công ty đang đấu mối với các DN may mặc lớn để được chia sẻ đơn hàng. Cùng với đó, để tăng thị trường nội địa, công ty đã và đang tìm gặp các đại lý, cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời trang quần áo để đặt vấn đề nhận may theo mẫu.
 
Để thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, chủ động bảo đảm đơn hàng, duy trì việc làm cho người lao động, công ty đang đào tạo cho người lao động kỹ thuật may thêm nhiều mặt hàng khác. Khi lao động thuần thục kỹ thuật may các mặt hàng này, công ty sẽ nhận sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm từ quần áo người lớn, trẻ em đến túi xách, túi gia dụng các loại, thú nhồi bông và mặt hàng chăn, ga, gối. Các DN trong ngành may mặc trong tỉnh mong mỏi nhận được sự đồng hành hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và đơn hàng của các sở, ngành và chính quyền các địa phương.
 
Nguyễn Thu Hà
 
Giám đốc Công ty TNHH may Bảo Châu, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh
 
Mong muốn doanh nghiệp bảo đảm việc làm cho người lao động
 
 
Thời điểm này mọi năm tôi và nhiều công nhân khác của Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam thường xuyên tăng ca để bảo đảm tiến độ đơn hàng. Các ngày thường thì làm từ 7h cho đến 19h vì lượng đơn hàng của công ty nhiều, ban giám đốc công ty động viên công nhân tăng ca sản xuất để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Thế nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay công ty bị thiếu đơn hàng, tôi và hàng nghìn công nhân khác chỉ duy trì làm việc theo giờ hành chính. Trong khi đó, ngày thứ 7 và chủ nhật thì được nghỉ dài. Thậm chí có những thời điểm công nhân phải thay phiên nhau nghỉ vì không có việc.
 
DN thiếu đơn hàng, người lao động thiếu việc làm không được tăng ca, giảm giờ làm khiến thu nhập bị giảm sút nhiều, ảnh hướng đến cuộc sống. Tôi và các công nhân mong muốn ban giám đốc công ty tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp về xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường, tạo cơ hội “kéo” đơn hàng về, bảo đảm việc làm cho người lao động, giúp người lao động bảo đảm thu nhập trang trải cho cuộc sống và yên tâm sản xuất.
 
Trần Thị Trà
 
Công nhân Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam