Theo VARS, có không ít doanh nghiệp bất động sản chỉ vì cố gắng cầm cự đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với đủ các khoản "lãi mẹ đẻ lãi con", nhận trái đắng với số nợ khổng lồ, tiền lãi gấp nhiều lần nợ gốc.
Sức cầu thị trường tiếp tục giảm mạnh
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) tháng 5 tại TP.HCM và vùng phụ cận của DKRA Group cho thấy, thị trường không có dự án mới mở bán. Toàn thị trường có 6 dự án đều thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo, cung cấp cho thị trường 390 căn hộ, giảm 95% so với cùng kỳ. Tiêu thụ mới được 138 căn, giảm đến 98% so với cùng kỳ.
Nguồn cung căn hộ chủ yếu tại TP.HCM với 307 căn, chiếm 79%; còn lại là ở Bình Dương, chiếm 21%. Tại TP.HCM, căn hộ cao cấp tiếp tục dẫn dắt nguồn cung mới trong tháng, tập trung tại khu Đông. Còn ở Bình Dương chủ yếu là căn hộ trung cấp. Riêng TP. Thuận An và TP. Thủ Dầu Một chủ yếu là căn hộ vừa túi tiền.
Giá bán sơ cấp tại TP.HCM cao nhất lên đến 94,9 triệu đồng/m2, thấp nhất là 50,8 triệu đồng/m2; Bình Dương mức giá cao nhất là 49 triệu đồng/m2, thấp nhất là 32,8 triệu đồng/m2.
BĐS TP.HCM và vùng phụ cận thiếu vắng nguồn cung dự án mới. Ảnh: Vũ Phạm
Đơn vị nghiên cứu này cho biết, các chính sách chiết khấu "khủng" đối với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng để kích cầu người mua giữa bối cảnh thị trường khó khăn. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, lãi vay, pháp lý... Số lượng các giao dịch chào bán "cắt lỗ" thứ cấp giảm mạnh, phần lớn nhờ vào các tín hiệu tích cực đến từ việc giảm lãi suất cũng như chỉ đạo gỡ vướng pháp lý dự án trong tháng.
Trong khi đó, Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đánh giá, bên cạnh những nguyên nhân khách, có một số nguyên nhân chủ quan do hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng. Lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm ngoái và giảm nhẹ vào đầu năm 2023 song vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
"Áp lực chi phí tài chính tăng cao trong khi dòng tiền khan hiếm vì không bán được hàng, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng... khiến sức khỏe các doanh nghiệp ngày càng suy yếu", VARS nêu và nhận định, tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường BĐS mà còn kéo theo sự trì trệ của các ngành nghề liên quan.
Nhiều doanh nghiệp tự đẩy mình vào bước đường cùng
Dữ liệu khảo sát của VARS với các hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS cho thấy, nếu tình hình thị trường BĐS vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
Nếu không tìm được lối thoát kịp thời, rất có thể thị trường BĐS sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS và môi giới BĐS. Nhiều người lao động sẽ lâm vào cảnh mất việc làm, hệ lụy đến cuộc sống an sinh xã hội.
Theo VARS, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách giúp doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ. Tuy nhiên, để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp BĐS phải chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có. Doanh nghiệp chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng, có đủ năng lực triển khai hoặc có thể kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, bán một phần hoặc toàn bộ dự án nếu không thể tiếp tục thực hiện.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm các khách hàng, nhà đầu tư hoặc liên hệ qua các đơn vị chuyên nghiệp để hỗ trợ kết nối với các đối tượng có nhu cầu hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án.
Để sớm đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp cần giảm bớt kỳ vọng, thậm chí chấp nhận bán lỗ, không thể khó khăn cũng đòi có lãi.
"Doanh nghiệp phải đặt lên bàn cân giữa việc giảm kỳ vọng để giảm gánh nặng chi phí, mang dòng tiền về tái thiết lập bộ máy; đặt lên bàn cân giữa việc thực hiện các dự án khả thi với việc tiếp tục ôm dự án, gồng gánh chi phí, sa lầy trong số lãi ngày càng tăng, đối mặt với nguy cơ "chết chìm trên đống tài sản"", VARS khuyến cáo.
VARS cho rằng, thực tế có không ít doanh nghiệp chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với đủ các khoản "lãi mẹ đẻ lãi con", nhận trái đắng với số nợ khổng lồ, tiền lãi gấp nhiều lần nợ gốc.