Gần đây, nhiều khu vực ở huyện Hoài Đức bị cắt nước sạch khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Thậm chí, có khu vực bị cắt nước sạch đến 1 tháng mà không được báo trước.
Cắt nước sạch 1 tháng nhưng không báo trước
Trong buổi tiếp xúc cử tri của Tổ Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội trước kỳ họp giữa năm 2023 được tổ chức tại huyện Hoài Đức sáng 12/6, cử tri Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) cho biết thời gian qua, Cty nước sạch Tây Hà Nội đã cắt nước sạch tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hoài Đức, trong đó có xã Yên Sở. Thậm chí, có nơi bị cắt nước sạch 1 tháng mà không thông báo với khách hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Người dân xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt khi bị cắt nước. Ảnh: Nguyễn Anh
Theo anh Nguyễn Văn Phương (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), từ cuối tháng 4/2023, đơn vị cấp nước sạch cho địa phương đã cắt nước luân phiên. Sang tháng 5, số lần hộ dân bị cắt nước tăng lên nhiều, có thời điểm mất nước sạch đến 2- 3 lần/tuần.
Ông Lý Văn Quy, Chủ tịch UBND xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) cũng cho biết, thời gian qua trên địa bàn xã đã nhiều lần bị cắt nước sinh hoạt. Tình trạng này đặc biệt gay gắt vào tháng 5 và giảm dần tháng 6 nhưng lượng nước bơm về không đủ cung cấp cho người dân. Theo ông Quy, để có nước sử dụng, một số hộ dân phải mua nước sạch bên ngoài với giá rất cao. Một số gia đình không có điều kiện mua nước sạch thì thau rửa, trùng tu lại bể giếng khoan để dùng tạm. Thậm chí, có hộ còn khoan giếng mới để có nước dùng. “Dẫu biết là nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh, nhưng người dân cũng buộc phải dùng vì không còn cách nào khác”, ông Quy nói.
Theo ông Quy, đơn vị cung cấp nước sạch cho khu vực Hoài Đức là Cty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội. Qua tìm hiểu, ông được biết nguyên nhân cắt nước sạch khu vực Hoài Đức là do nguồn nước chính là sông Đà không đủ cung cấp cho Cty để phân phối cho người dân. Trong khi đó, nhiều khu vực ở Hoài Đức lại nằm ở cuối nguồn nên càng khó khăn hơn vì thiếu áp lực nước để đẩy tới được khu vực này.
Cty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết, những ngày qua lòng sông Đà, đoạn qua xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), nơi có kênh dẫn nước từ sông về nhà máy bị khô hạn. Theo đánh giá, lòng sông chỉ còn khoảng 1/3 so với cùng kỳ nhiều năm trước. Vì thế, doanh nghiệp phải đặt trạm bơm khẩn cấp ở giữa lòng sông. Sau đó, Cty huy động máy xúc nạo vét, khơi thông dòng chảy vào khu vực đặt trạm bơm khẩn cấp. Hiện Viwasupco lấy nước qua trạm bơm khẩn cấp, đưa vào kênh dẫn và chuyển qua hồ Đầm Bài dự trữ, sơ lắng trước khi đưa về nhà máy xử lý. Được biết, hiện mỗi ngày Viwasupco cung cấp khoảng 300.000m3 cho hơn 1 triệu dân ở 10 quận, huyện phía Tây nam Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng… Từ tháng 4/2023 đến nay, một số khu vực tại các quận, huyện này đã xảy ra tình trạng cắt nước sạch sinh hoạt.
Thống kê của Cty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội cho thấy, trong đợt cắt nước vừa qua có khoảng 7.000 khách hàng bị ảnh hưởng, phần lớn là ở các xã thuộc huyện Hoài Đức. Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, không chỉ Hoài Đức, các quận/huyện khác như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai… thi thoảng cũng xảy ra tình trạng thiếu nước vào những ngày cao điểm nắng nóng.
Lên phương án bảo đảm nước sạch cho người dân
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong dịp Hè 2023, đơn vị đã dự báo, lên phương án phân bổ, điều tiết nguồn nước, bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu sử dụng, cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực.
Đối với một số địa bàn thiếu nước sạch sinh hoạt ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, trước mắt Sở Xây dựng Hà Nội bổ sung nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đuống. Tại các khu vực nóng, Sở tiến hành điều tiết cấp nước luân phiên; cấp nước theo giờ; sử dụng bơm tăng áp cục bộ để có nước cho người dân sinh hoạt.
Về lâu dài, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác nghiệm thu đưa tuyến truyền dẫn nước sạch số 2 sông Đà vào sử dụng.