Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nhập khẩu LNG là bước ngoặt lớn của nền công nghiệp khí quốc gia, thể hiện tầm nhìn mới cho phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Nhân sự kiện chuyến tàu chở những tấn nhiên liệu LNG nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam đã cập bến kho cảng Thị Vải, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế về bước ngoặt này đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Thưa ông, 10h sáng nay (10/7) chuyến tàu nhập khẩu khí LNG đầu tiên của Việt Nam đã cập bến kho cảng Thị Vải. Đây được xem là bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp khí trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch cho các ngành công nghiệp và an ninh năng lượng tại Việt Nam cũng như khẳng định vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Ông đánh giá gì về sự kiện này?
Theo tôi, ở thời điểm hiện tại, lượng khí LNG tại Việt Nam là chưa thiếu, tuy nhiên về lâu dài, phục vụ cho phát triển điện khí thì lại rất quan trọng. Bởi hiện nay nguồn than đang thiếu, thủy điện vào mùa khô không đủ nước để sản xuất điện, nên việc đẩy mạnh điện khí là rất quan trọng.
Theo Quy hoạch điện 8 thì điện khí là một trong những nguồn điện giữ vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam. Để phát triển được điện khí cần có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu của điện khí đắt hơn nhiều so với điện than và thủy điện. Hơn nữa, nguồn đầu tư từ lĩnh vực tư nhân cho điện khí ở nước ta hiện nay còn hạn chế. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước cần phải được thể hiện một cách rõ nét.
Bộ Công Thương thời gian qua đã thể hiện được vai trò của mình trong việc chỉ đạo, cũng như triển khai thực hiện Quy hoạch điện 8. Đối với sự kiện này thì PV GAS là một trong những doanh nghiệp nhà nước có ngoại diên bao trùm nội hàm ngành công nghiệp khí Việt Nam thực hiện nhập khẩu LNG là vấn đề rất đáng được hoan nghênh.
Như ông vừa chia sẻ, sự kiện này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang nhanh chóng triển khai tìm nguồn năng lượng khí sạch theo Quy hoạch điện 8. Bên cạnh mục đích giải bài toán thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng nó còn có ý nghĩa gì?
Theo Quy hoạch điện 8, chúng ta đang đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lượng sạch từ than sang khí và coi điện khí thành xung kích, mũi nhọn trong thời gian tới.
Chúng ta có thể thấy, nhiệt điện than có nguy cơ gây ô nhiễm, thủy điện thì có giới hạn theo mùa, điện năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió hiện giá thành tương đối cao và cũng phụ thuộc vào thời tiết, trong khi hệ thống công nghệ lưu trữ chưa phát triển. Do đó, để giải bài toán thiếu điện và để bảo vệ môi trường, thúc đẩy hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26 và thực hiện theo Quy hoạch điện 8 thì phát triển điện khí là việc rất quan trọng và là hướng đi đúng của ngành năng lượng Việt Nam.
Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển tuy nhiên họ đã nhập chuyến tàu LNG đầu tiên trước Việt Nam hàng trăm năm. Vậy sự kiện PV GAS nhập chuyến tàu đầu tiên liệu có được coi là cột mốc lịch sử mở ra hướng đi mới, tầm nhìn mới phát triển năng lượng tại Việt Nam?
Phải nói đây là một bước ngoặt không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả nền công nghiệp khí quốc gia thể hiện tầm nhìn mới cho phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Tàu Maran Gas Achilles tiến vào Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam
Các nước phát triển đã thực hiện nhập khẩu khí LNG từ rất lâu, nhưng tại Việt Nam nếu muốn thực hiện được các mục tiêu của Quy hoạch điện 8 và những cam kết của Việt Nam tại COP26 thì chúng ta phải triển khai ngay từ bây giờ và không được phép chậm chễ.
Một lần nữa tôi phải nhắc lại vai trò chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện một cách quyết liệt ngay từ ban đầu để triển khai Quy hoạch điện 8.
Bộ Công Thương vừa thể hiện sự quyết liệt hành động trong việc đẩy nhanh tiến độ từ nay đến 2030 sẽ xây dựng thêm 13 nhà máy điện khí LNG từ Bắc chí Nam bằng việc đích thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Bí thư, Chủ tịch của 13 tỉnh, thành phố có nhà máy để cam kết quyết tâm chính trị làm bằng được kịp tiến độ, nơi nào chậm trễ dự án kiểu "đó rách ngáng chỗ" sẽ cho lùi về giai đoạn sau để dự án khả thi hơn tiến lên. Ông đánh giá như thế nào về hành động quyết liệt này của Bộ Công Thương?
Thời gian vừa qua, để xảy ra tình trạng thiếu điện ngoài tác động từ khí hậu gây nắng nóng kéo dài, thì một lý do khác là các nguồn điện bị thiếu do các công trình bị chậm tiến độ, dự án dở dang không hoàn thành. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, đốc thúc của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt dẫn đến hệ lụy là thiếu điện.
Đó chính là bài học lớn cho chúng ta. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu của Quy hoạch điện 8 thì việc triển khai phải quyết liệt. Với những câu nói, những chỉ đạo thẳng thắn, quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương tôi thấy rất đáng hoan nghênh và phải luôn luôn giữ vững, tránh hiện tượng đầu voi đuôi chuột.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương cũng như sự phối hợp đồng bộ với các ngành, địa phương thì đến năm 2030 chúng ta sẽ có đủ 13 nhà máy điện khí LNG và đưa điện khí trở thành mũi nhọn của nước ta, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lan (thực hiện)