Các khoản đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 6 tháng đầu năm nay giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái dù hoạt động kinh doanh của ngành du lịch đang cải thiện. Theo hãng tư vấn bất động sản toàn cầu JLL, lãi suất tăng liên tục đã khiến giới đầu tư trong lĩnh vực khách sạn chùn tay.
Tổ hợp khách sạn và casino Marina Bay Sands ở Singapore. Trong nửa đầu năm nay, đầu tư vào phân khúc khách sạn của Singapore giảm 95%, xuống còn 30 triệu đô la. Ảnh: Reuters
Báo cáo của JLL, phát hành hôm 17-7, cho biết, trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương giảm 50% so với cách đây một năm, xuống còn 3,13 tỉ đô la. Theo báo cáo, giới đầu tư đã chuyển sang chiến thuật phòng thủ khi các ngân hàng trung ương liên tiếp tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Hoạt động kinh doanh của ngành khách sạn đang tốt hơn rất nhiều so với năm ngoái. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, tỷ lệ lấp đầy khách sạn ở châu Á-Thái Bình Dương lên 63,4%, tăng từ mức 46,5% trong cùng kỳ năm 2022, theo STR, nhà cung cấp dữ liệu ngành khách sạn.
Doanh thu trên mỗi phòng có sẵn, một thước đo hiệu suất chính của ngành, cải thiện lên 64,66 đô la Mỹ trong 5 tháng đầu năm, từ 38,06 đô la vào một năm trước đó.
“Chúng tôi đã quan sát thấy tác động của sự tách rời tiếp diễn giữa nhu cầu du lịch mạnh mẽ với các thách thức kinh tế vĩ mô và địa chính trị trong nửa đầu năm 2023. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa kỳ vọng về giá của người bán và khả năng tiếp cận vốn của người mua trong lĩnh vực khách sạn”, Nihat Ercan, CEO phụ trách khách sạn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói.
“Tuy nhiên, hiệu suất của lĩnh vực khách sản vẫn mạnh mẽ và các yếu tố cơ bản khác, gồm lượng du khách và tỷ lệ lấp đầy cao khiến chúng tôi hoàn toàn tin rằng khó khăn của môi trường đầu tư hiện tại là do yếu tố bên ngoài”, Ercan nói thêm.
Theo JLL, động thái tái mở cửa biên giới hoàn toàn của Trung Quốc hồi đầu năm đã thúc đẩy niềm tin ở phân khúc du lịch châu Á-Thái Bình Dương, vì du khách của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thường chiếm 40% tổng lượng khách trong khu vực. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ của hầu hết các nước trong khu vực, gồm Singapore, Úc, New Zealand và Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến các giao dịch đầu tư trong ngành khách sạn.
Singapore, nước đã tăng lãi suất 5 đợt kể từ năm 2021, chứng kiến đầu tư vào phân khúc khách sạn giảm 95%, xuống còn 30 triệu đô la trong nửa đầu năm. Đầu tư khách sạn ở Trung Quốc giảm 76% trong cùng kỳ, xuống còn 300 triệu đô la.
Trái lại, ngành khách sạn của Nhật Bản, Úc và New Zealand thu hút nhiều khoản đầu tư nhất. Nhật Bản chứng kiến đầu tư khách sạn trong nửa đầu năm đạt 1,54 tỉ đô la, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng kỳ, đầu tư khách sạn ở Úc và New Zealand tăng tổng cộng 189%, lên 820 triệu đô la.
“Nhật Bản và Úc lâu nay là hai thị trường khách sạn được săn lùng nhiều nhờ mức độ minh bạch giúp thúc đẩy dòng vốn chảy vào và tỷ giá hối đoái thấp đối với Nhật Bản”, Calvin Li, trưởng bộ phận tư vấn giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của JLL, nói.
Nhật Bản đã duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, với lãi suất ở mức 0,1%, một ngoại lệ trong số các nền kinh tế phát triển, nơi lạm phát tăng cao đã buộc các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất.
Li cho biết, Úc và New Zealand cũng tăng lãi suất nhưng sẽ không có bất kỳ trở ngại lớn nào đối với các giao dịch khách sạn ở hai nước này.
“Ngoài ra, Nhật Bản và Úc đều là những điểm đến du lịch phổ biến”, ông nói.
Li dự báo Nhật Bản và Úc sẽ dẫn đầu về khối lượng giao dịch khách sạn trong năm nay. Nhật Bản có khả năng chứng kiến các giao dịch đầu tư khách sản với tổng trị giá 2,9 tỉ đô la và con số này ở Úc dự báo khoảng 1,5 tỉ đô la.
Li cho rằng khối lượng đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở Hồng Kông và Trung Quốc sẽ có xu hướng cao hơn vào cuối năm nay do “nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ” sau khi mở cửa lại biên giới.
Ông nói thêm: “Trung Quốc đại lục sẽ tiếp tục là một trong những thị trường được tìm kiếm nhiều nhất ở châu Á-Thái Bình Dương sau Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc”.
Về tổng thể, JLL dự kiến đầu tư vào phân khúc khách sạn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt 8,7 tỉ đô la trong năm nay, thấp hơn gần 25% so với mức dự báo ban đầu.
“Bước sang năm 2024, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy nhiều cơ hội cụ thể hơn xuất hiện ở một số điểm đến trên khắp châu Á-Thái Bình Dương, nơi giá khách sạn đã được điều chỉnh xuống, cho phép các bên quan tâm xem xét đầu tư”, Ercan nói.