• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 0,00/0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 9:14:59 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   0,00/0,00%  |   HNX-INDEX   222,34   +0,65/+0,30%  |   UPCOM-INDEX   92,92   +0,12/+0,13%  |   VN30   1.316,95   0,00/0,00%  |   HNX30   462,43   +2,18/+0,47%
21 Tháng Giêng 2025 9:17:10 SA - Mở cửa
"Cái bẫy" thắt chặt tiền tệ của châu Âu
Nguồn tin: Vietnam+ | 02/08/2023 6:35:00 SA
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, đặc biệt là ở châu Âu, dường như cho rằng việc không hành động quyết liệt để thắt chặt tiền tệ có thể dẫn đến rủi ro quá cao.
 
 
Theo nhận định của bà Lucrezia Reichlin - Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh doanh London, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, đặc biệt là ở châu Âu, dường như cho rằng việc không hành động quyết liệt để thắt chặt tiền tệ có thể dẫn đến rủi ro quá cao. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế, có những lý do chính đáng để châu Âu xem xét một cách tiếp cận kiên nhẫn hơn đối với lạm phát.
 
Lạm phát toàn phần đang giảm nhanh ở Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sau một loạt đợt tăng lãi suất đột ngột của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều để ngỏ rằng lộ trình tăng lãi suất của họ vẫn chưa kết thúc.
 
Lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động), vẫn đang ở mức khoảng 5% ở Mỹ và Eurozone và là nguyên nhân chính gây lo ngại. Các ngân hàng trung ương cho rằng, với một thị trường lao động ổn định, lạm phát lõi cao có nguy cơ thúc đẩy vòng xoáy tiền lương-giá cả và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao. Nếu tình hình xảy ra tương tự như giai đoạn những năm 1970, vòng xoáy này có thể khiến nỗ lực kiểm soát lạm phát trở nên rất khó khăn - và tốn kém.
 
Do đó, các nhà hoạch định chính sách dường như kết luận rằng rủi ro của việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ một cách nhẹ nhàng sẽ dẫn đến rủi ro lớn, và thiên về lựa chọn thắt chặt tiền tệ. ECB đã thể hiện quan điểm này khá rõ ràng. Tuy nhiên, bà Lucrezia Reichlin cho rằng ECB không nên đánh giá thấp những nguy cơ đối với nền kinh tế Eurozone.
 
Eurozone chứng kiến lạm phát tăng đột biến vào đầu năm 2022 chủ yếu do cú sốc nguồn cung. Cú sốc năng lượng ở châu Âu lớn hơn ở Mỹ và khu vực này đưa ra các gói tài chính để ứng phó có quy mô nhỏ hơn. Hơn nữa, với tư cách là một nhà nhập khẩu năng lượng ròng, EU đã bị ảnh hưởng lớn bởi cú sốc năng lượng, làm giảm thu nhập khả dụng thực tế.
 
Nhưng giờ đây, tình trạng gián đoạn nguồn cung đã giảm bớt và biện pháp thắt chặt tiền tệ đang có hiệu quả. Tuy vậy, lạm phát cơ bản vẫn duy trì đà tăng. Điều này có thể xảy ra do cơ chế điều chỉnh giá giữa các ngành.
 
Các cú sốc năng lượng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến các ngành khác nhau với cường độ khác nhau. Do đó, chúng dẫn đến việc phân bổ lại nguồn lực giữa các ngành, được thực hiện thông qua việc điều chỉnh giá tương đối. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa và dịch vụ rất khó thay đổi và các hoạt động kinh tế khác nhau liên kết với nhau bằng các mối liên kết đầu vào-đầu ra phức tạp. Đó là lý do giảm phát sẽ không diễn ra ngay lập tức trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi giá năng lượng cao hơn, giá cả của dịch vụ có xu hướng tăng chậm hơn và do đó lạm phát giảm cũng sẽ chậm.
 
Do đó, nhiều người kỳ vọng lạm phát lõi sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian trước khi bắt đầu giảm dần. Các biện pháp quyết liệt để giảm lạm phát trung bình có thể sẽ rút ngắn quá trình điều chỉnh giá cả và trở nên kém hiệu quả. Việc thắt chặt tiền tệ quá mức có thể làm suy yếu nhu cầu, nhưng nếu chính sách tiền tệ phá vỡ sự phân bổ lại các nguồn lực thì cũng sẽ làm suy yếu tiêu dùng.
 
Đó không phải là kết quả mà châu Âu cần. Trong quý II/2023, sản xuất công nghiệp suy giảm nhanh chóng và các chỉ số về điều kiện tín dụng rất yếu. Tiêu dùng và đầu tư ở Liên minh châu Âu (EU), không giống như ở Mỹ, vẫn thấp hơn xu hướng ước tính vào năm 2019. Nhiều nhà quán sát, bao gồm cả các ngân hàng trung ương, đã bày tỏ lo ngại về tác động nếu áp lực thắt chặt tiền tệ trở nên lớn hơn, chứ chưa nói đến một cuộc suy thoái có thể xảy ra ở Italy và Bồ Đào Nha.
 
ECB có một mục tiêu chính là ổn định giá cả, hay được hiểu là giữ lạm phát ở mức 2% trong “trung hạn”. Điều này có thể giải thích tại sao đánh giá của ECB về sự cân bằng rủi ro nghiêng về xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn. Nhưng ECB cũng có nghĩa vụ hỗ trợ các mục tiêu kinh tế rộng lớn hơn của EU. Vì vậy, khi ECB đang thiết kế một chính sách tiền tệ nhằm đạt được sự ổn định về giá cả, cơ quan này cũng nên tính đến các chi phí thứ cấp - trong các lĩnh vực như tiêu dùng, việc làm và ổn định tài chính - có thể làm suy yếu các mục tiêu khác của EU. Trên thực tế, những chi phí đó sẽ giúp xác định giai đoạn ổn định “trung hạn” kéo dài bao lâu. Chi phí càng cao thì thời gian ổn định lạm phát càng dài.
 
Bà Lucrezia Reichlin cho rằng ECB dường như có cách giải thích cứng nhắc về nhiệm vụ ổn định giá cả của mình. Thay vì điều chỉnh cách tiếp cận chính sách để hỗ trợ các mục tiêu khác, ECB lại kêu gọi việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ hơn để hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ dường như đã không học được gì từ các sự kiện năm 2011, khi lạm phát do giá dầu cao và các điều kiện kinh tế xấu đi đã thúc đẩy ECB thực hiện hai đợt tăng lãi suất và thúc giục thắt chặt tài khóa. Kết quả là một cuộc suy thoái, cùng với các cuộc khủng hoảng nợ công và ngân hàng, đã khơi dậy tâm lý chống EU lan rộng.
 
Nền kinh tế Mỹ cho thấy sự kiên cường hơn so với châu Âu, có thể một phần nhờ vào gói hỗ trợ tài chính khổng lồ được triển khai trong đại dịch. Trên thực tế, có vẻ như Mỹ sẽ tiến tới “hạ cánh mềm”, đưa lạm phát trở lại mục tiêu của Fed mà không gây ra suy thoái kinh tế. Trừ khi ECB chấp nhận một cách tiếp cận kiên nhẫn hơn đối với nhiệm vụ ổn định lạm phát của mình, châu Âu có thể không may mắn như vậy./.