Trên địa bàn Đồng Nai đang xảy ra tình trạng khu vực có nhiều hạ tầng cấp nước sạch, khu vực lại thiếu. Nguyên nhân là do chồng lấn vùng phục vụ nước sạch.
Phân vùng cấp nước là giải pháp hạn chế lãng phí nguồn lực và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ nước sạch.
* Chồng chéo vùng cấp nước sạch
Khu vực TP.Long Khánh trước đây do Công ty CP Cấp nước Long Khánh (trực thuộc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai) cấp nước sạch. Vài năm trở lại đây có thêm Công ty CP Cấp nước Gia Tân phục vụ. Việc này đã ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của Công ty CP Cấp nước Long Khánh.
Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Phạm Thị Hồng cho biết, công ty và các công ty con, công ty liên kết đang cung cấp nước sạch cho 10 khu vực trên địa bàn tỉnh (trừ khu vực H.Thống Nhất). Trong đó, khu vực TP.Long Khánh xảy ra chồng lấn vùng cấp nước. Công ty đã báo cáo việc này lên tỉnh và trình hồ sơ thỏa thuận vùng cấp nước nhưng đến nay chưa được ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước.
Trưởng phòng TN-MT TP.Long Khánh Nguyễn Minh Tuấn xác nhận trên địa bàn thành phố có 2 đơn vị cùng cấp nước sạch. Theo ông Tuấn, trước năm 2022, chỉ có Công ty CP Cấp nước Long Khánh cấp nước sạch cho thành phố nhưng sau này tỉnh có chủ trương ngưng khai thác nước ngầm, chuyển sang dùng nước mặt. Do vậy, trước mắt Công ty CP Cấp nước Long Khánh vẫn khai thác nước ngầm cấp cho người dân, còn Công ty CP Cấp nước Gia Tân khai thác nước mặt cấp cho Khu công nghiệp Long Khánh.
Trên địa bàn tỉnh có 6 DN đang đầu tư cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân toàn tỉnh. Có 3 DN chỉ cấp nước sạch cho sản xuất công nghiệp. Hiện có tình trạng chồng lấn vùng cấp nước giữa các DN.
Tại H.Long Thành cũng xảy ra trường hợp doanh nghiệp (DN) kinh doanh nước sạch thừa công suất nhưng người dân lại thiếu nước sạch sử dụng. Nguyên nhân, do chưa ký hợp đồng phân vùng cấp nước, DN chỉ quan tâm đầu tư cấp nước cho khu vực dân cư đông đúc, khu công nghiệp, còn khu vực dân cư thưa và nông thôn thì chậm đầu tư hạ tầng tuyến nhánh.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành Huỳnh Minh Dũng cho hay, trên địa bàn có 2 DN kinh doanh nước sạch, nhưng chủ yếu cấp cho các khu công nghiệp. Cụ thể, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai được phân công cấp nước cho người dân 6 xã phía Bắc và TT.Long Thành; Công ty CP Cấp nước Hồ Cầu Mới cấp nước cho người dân các xã còn lại ở phía Nam. Song hiện nay, Công ty CP Cấp nước Hồ Cầu Mới chủ yếu cấp nước cho các khu công nghiệp ở H.Nhơn Trạch mà chưa có phương án cấp nước cho người dân. Do đó, Huyện ủy Long Thành kiến nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện điều chỉnh phân vùng cấp nước H.Long Thành theo Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 để thuận lợi kêu gọi đầu tư các tuyến ống cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân theo hình thức xã hội hóa. Nghĩa là các DN được phân công cấp nước nhưng chậm thực hiện, huyện có thể kêu gọi DN khác tham gia đầu tư hệ thống cấp nước máy cho người dân.
* Nên có phân vùng cấp nước
Theo các quy định hiện hành, đơn vị cấp nước phải ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với tỉnh. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa phân vùng, ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước dẫn đến chồng lấn địa bàn, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Việc ký thỏa thuận vùng cấp nước giúp nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án, có trách nhiệm đảm bảo cấp nước đến từng hộ dân. Đồng thời, việc làm này sẽ hạn chế được tình trạng nơi thì 2-3 đơn vị hạ tầng cấp nước, nơi không có.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương, hiện nhiều vùng phụ cận chưa có hệ thống cấp nước, nếu cho đơn vị đang cấp nước mở rộng mạng lưới đường ống sẽ hiệu quả hơn so với việc để DN khác đầu tư. Nhưng nếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước có phạm vi vùng phục vụ quá rộng cho 1 đơn vị sẽ dễ dẫn đến độc quyền, thiếu cạnh tranh và trường hợp xảy ra sự cố thì không đảm bảo an ninh cấp nước, điều này không phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư. Còn trường hợp không ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, các đơn vị lại không yên tâm chủ động đưa ra kế hoạch và lộ trình đầu tư, ảnh hưởng đến chỉ tiêu cấp nước của tỉnh.
Vì thế, Sở Xây dựng đề xuất các đơn vị cấp nước rà soát lại phạm vi vùng cấp nước, đăng ký đầu tư, mở rộng đường ống phân phối, trên cơ sở đó sẽ lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất. Trường hợp đơn vị đã đăng ký nhưng không đầu tư theo cam kết mà không có lý do chính đáng, tỉnh sẽ xem xét thu hồi vùng cấp nước để giao lại cho đơn vị khác.
Trong Đề án Cấp nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đã phân công 9/11 đô thị gồm: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các thị trấn: Vĩnh An, Long Thành, Trảng Bom, Gia Ray, Tân Phú, Định Quán, Hiệp Phước do Công ty CP Cấp nước Đồng Nai và các công ty trực thuộc, liên kết đầu tư các dự án cấp nước. 2 đô thị còn lại gồm TT.Long Giao và TT.Dầu Giây do Công ty CP Cấp nước Gia Tân thực hiện. Các công ty này có trách nhiệm đầu tư hạ tầng, mở rộng phạm vi phục vụ đảm bảo cấp nước cho các hộ dân theo lộ trình tỉnh đưa ra.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, kinh doanh nước sạch là ngành đặc thù, tỉnh sẽ phân vùng đầu tư cấp nước sạch trên cơ sở hiện trạng và đăng ký của các DN. Khi đã có phân vùng mà DN không đáp ứng được yêu cầu, tỉnh sẽ thu hẹp phạm vi để giao cho DN làm tốt hơn. Mục tiêu của tỉnh là đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho mọi người dân càng sớm càng tốt.