Theo dự báo đưa ra bởi BMI – đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions – thế giới có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lithium sớm nhất là vào năm 2025 khi nhu cầu kim loại này gia tăng nhanh hơn sự mở rộng nguồn cung.
Năm 2021, thế giới sản xuất được 540.000 tấn lithium - một kim loại trọng yếu trong sản xuất pin xe điện - trong khi tới năm năm 2030, Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng con số này sẽ gia tăng lên mức hơn 3 triệu tấn. Theo dự báo của S&P Global Commodity Insights, doanh số bán xe điện dự kiến sẽ đạt 13,8 triệu chiếc vào năm 2023, nhưng sau đó sẽ tăng vọt lên hơn 30 triệu chiếc vào năm 2030.
Trong bối cảnh nhu cầu tăng cao, BMI đưa ra dự báo thế giới sẽ gặp tình trạng thiếu lithium vào năm 2025, với phần lớn sự thiếu hụt lithium sẽ tới từ Trung Quốc. Theo CNBC trích dẫn báo cáo của tổ chức này, nguyên nhân là do nhu cầu vượt quá nguồn cung. Cụ thể, BMI nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng nhu cầu lithium cho xe điện của Trung Quốc trong giai đoạn 2023-2032 đạt trung bình hàng năm là 20,4%”. Đồng thời, nguồn cung lithium của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 6% trong cùng khoảng thời gian đó – con số không bắt kịp 1/3 nhu cầu dự báo.
Các tổ chức khác cũng đưa ra nhận định thế giới sẽ xảy ra thiếu hụt lithium nhưng với mốc thời gian chậm hơn vài năm.
CNBC trích dẫn ông Corinne Blanchard, giám đốc nghiên cứu vốn cổ phần công nghệ sạch và lithium của Deutsche Bank, cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi tin vào sự thiếu hụt của ngành công nghiệp lithium. Tăng trưởng nguồn cung sẽ cao hơn, tuy nhiên nhu cầu được dự đoán sẽ tăng nhanh hơn rất nhiều”.
Ông Blanchard dự đoán thế giới sẽ ghi nhận mức thâm hụt khiêm tốn khoảng 40.000 đến 60.000 tấn lithium cacbonat tương đương vào năm 2025 và tăng mạnh lên ngưỡng 768.000 tấn vào cuối năm 2030.
Trong khi đó, ước tính của Rystad Energy cũng cho thấy thế giới sẽ xảy ra thiếu hụt lithium vào cuối thập kỷ này. Phó chủ tịch Rystad Energy, Susan Zou ước tính rằng tổng nguồn cung cấp mỏ lithium sẽ tăng 30% và 40% hàng năm vào năm 2023 và 2024, đồng thời các công ty khai thác sẽ tiếp tục phát triển cả các dự án hiện có và dự án mỏ xanh trong bối cảnh “sự thúc đẩy toàn cầu nhằm điện khí hóa các phương tiện giao thông vận tải”.
Bà cho biết điều này có thể dẫn tới tình trạng lithium dư thừa toàn cầu trong năm 2024 nhưng tình trạng thiếu hụt có thể gây khó khăn cho chuỗi cung ứng từ 2028. Theo bà, “chuỗi cung ứng pin toàn cầu có thể ghi nhận sự thiếu hụt lithium vào cuối thập kỷ này khi tốc độ tăng trưởng nguồn cung không theo kịp tốc độ tăng trưởng của nhu cầu”.
Nếu kịch bản này xảy ra, bà Zou đưa ra dự đoán giá lithium có thể tăng vọt lên mức cao lịch sử vào năm 2022, từ đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất pin. Hồi tháng 11/2022, giá lithium cacbonat tăng lên mức cao kỷ lục gần 82.300 USD/tấn, cao hơn 12 lần giá hồi tháng 1/2021.
Một tổ chức khác là Wood Mackenzie cũng đưa ra dự báo tương tự rằng thị trường lithium nói chung sẽ có nguồn cung dư thừa trong những năm tới. Tuy nhiên, nhu cầu tiếp tục tăng trưởng trong khi rất ít dự án đi vào sản xuất vào đầu những năm 2030 có thể đồng nghĩa với việc thị trường gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn cung lithium, theo ông Robin Griffin - Phó chủ tịch nghiên cứu kim loại và khai thác mỏ của công ty tư vấn này.
Trước mắt, ông nhận định các rủi ro lớn nhất tới từ việc vận hành các dự án mới và sự chậm trễ trong việc cấp phép. CNBC trích dẫn ông Austin Devaney, giám đốc thương mại của Piedmont Lithium, cho biết các mỏ lithium thường mất “10 năm hoặc lâu hơn” kể từ khi được phát hiện cho tới khi được phép đi vào hoạt động chính thức.
Do sự phức tạp về mặt địa chất cùng với quy trình cấp phép tốn thời gian, dữ liệu của Refinitiv cho thấy hiện thế giới chỉ có 101 mỏ lithium đang hoạt động.